Trong bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ, có một lực lượng đặc biệt đã khắc tên mình vào lịch sử bằng máu, mồ hôi và lòng quả cảm, đó là những chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Gần 60 năm kể từ ngày thành lập Đoàn 10 đặc công Rừng Sác và tròn nửa thế kỷ sau đại thắng mùa Xuân 1975, ký ức về những trận đánh lẫy lừng, những con người gan dạ, mưu trí nơi vùng đất Cần Giờ, vẫn sống động như một biểu tượng bất tử của lòng yêu nước và ý chí Việt Nam.
![]() |
Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè |
• NHỮNG “CHIẾN BINH THÉP” GIỮA RỪNG NGẬP MẶN
Rừng Sác, vùng rừng ngập mặn rộng hơn 75.700 ha với địa hình sông rạch chằng chịt, sình lầy hiểm trở, đã tôi luyện nên ý chí kiên cường, lòng quả cảm và tinh thần thép của những chiến sĩ đặc công. Nằm ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ), cách TP Hồ Chí Minh khoảng 50 km, nơi đây từng là điểm nóng chiến lược mà Mỹ - ngụy quyết chiếm giữ bằng mọi giá, nhằm kiểm soát sông Lòng Tàu - tuyến vận tải quân sự huyết mạch từ Biển Đông vào nội đô Sài Gòn.
Nhận thấy vị trí chiến lược của Rừng Sác, ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên là Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) - đơn vị đặc công nước đầu tiên của quân đội ta. Theo anh Đặng Văn Hiệp, hướng dẫn viên Khu di tích Chiến khu Rừng Sác, với 1.000 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ từ khắp các tỉnh, thành, Đoàn 10 được giao nhiệm vụ án ngữ đường thủy chiến lược sông Lòng Tàu, cắt đứt nguồn tiếp tế hậu cần của Mỹ; đồng thời, đánh phá các kho hàng, bến bãi, cảng trọng yếu như: Nhà Bè, Cát Lái, Long Bình… và yểm trợ cho tuyến tiếp vận của ta vào nội đô.
Trong điều kiện sống và chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, thiếu nước ngọt, lương thực, đối mặt bom đạn, cá sấu và sự truy lùng gắt gao của địch, những chiến sĩ đặc công vẫn kiên cường bám trụ Rừng Sác. Bằng ý chí thép và lòng quả cảm, họ đã lập nên những chiến công lẫy lừng, làm “rung chuyển” Sài Gòn và chấn động cả dư luận quốc tế.
Anh Đặng Văn Hiệp kể: Ngay trận đầu ra quân, Đoàn 10 đặc công đã đánh chìm tàu Victoria - con tàu vận tải lớn của Mỹ, có trọng tải 12.000 tấn, chở theo gần 100 xe tăng, máy bay, vũ khí và lương thực, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1966 - 1967. Năm 1972, 5 chiến sĩ (thuộc Đại đội C32 - Đoàn 10) đã đột nhập kho vũ khí Thành Tuy Hạ (Đồng Nai), cho nổ tung hơn 18.000 tấn bom đạn, tương đương 80% lượng vũ khí trong kho, rồi rút lui an toàn. Chiến công này góp phần buộc Mỹ phải đàm phán và ký Hiệp định Paris (1973).
Đặc biệt, trận đánh kho xăng Nhà Bè cuối năm 1973 đã đi vào huyền thoại. Tổ đặc công cảm tử gồm 8 chiến sĩ thuộc Đội 5 đã vượt qua 12 lớp hàng rào, bom mìn, tuần tra dày đặc, bí mật gài 48 quả mìn hẹn giờ vào 72 bồn chứa xăng dầu. Đúng 0 giờ 35 phút, ngày 3/12/1973, kho xăng phát nổ, cháy suốt 12 ngày đêm, phá hủy 250 triệu lít xăng dầu, chiếm 60% lượng nhiên liệu của quân đội Sài Gòn. Tổng thiệt hại của Mỹ lên tới hơn 20 triệu USD. “Trong trận này, hai chiến sĩ là Mũi phó Nguyễn Công Bao (quê Quảng Ninh) và tổ viên Phạm Văn Tiềm (quê Thanh Hóa) bị bắt, nhưng đã anh dũng rút chốt lựu đạn hy sinh cùng kẻ địch, trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần cảm tử đặc công Rừng Sác”, anh Hiệp xúc động kể lại.
![]() |
Giữa rừng ngập mặn sình lầy, kênh rạch chằng chịt, hiểm nguy rình rập bốn bề, đặc công Rừng Sác vẫn bám trụ, lặng thầm làm nên nhiều kỳ tích |
• RỪNG SÁC HỒI SINH, NHỮNG “BÔNG HOA SẮT” BẤT TỬ
Trong suốt 9 năm (1966 - 1975), Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã viết nên bản hùng ca bi tráng giữa sông nước Cần Giờ. Với 595 trận đánh lớn nhỏ, Đoàn 10 đã loại khỏi vòng chiến 6.200 quân địch, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến, đánh đắm 133 tàu vận tải, bắn cháy 145 tàu quân sự, bắn rơi 29 máy bay trực thăng và phá hủy 200 triệu lít xăng cùng khí đốt butaga tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Những chiến công ấy góp phần làm tê liệt tuyến hậu cần chiến lược, làm suy yếu tiềm lực chiến tranh của Mỹ - ngụy, tạo đà cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 23/9/1973, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
9 năm chiến đấu, là 9 năm của máu và nước mắt, của ý chí và lòng quả cảm. Trong 1.000 cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại Rừng Sác, đã có 915 người đã anh dũng hy sinh; trong đó, 542 chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thân thể các anh đã hòa vào đất, vào nước, vào những cánh rừng ngập mặn để Tổ quốc được thống nhất.
Lần đầu đến Chiến khu Rừng Sác, bà Nguyễn Thị Lan Mai (84 tuổi, Hà Nội) không nén nổi xúc động khi thắp nén hương trước tượng đài đặc công Rừng Sác. Chồng bà là ông Lâm Quang Sự đã từng tham gia chiến đấu tại đây. “Nhìn nơi ông từng sống, từng chiến đấu, tôi càng biết ơn những hy sinh to lớn của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Các anh đã hiến dâng tuổi trẻ, máu xương cho Tổ quốc, để đất nước có được độc lập, tự do như hôm nay”, bà nghẹn ngào.
Chiến khu Rừng Sác từng oằn mình dưới bom đạn. Anh Đặng Văn Hiệp cho biết: “Từ năm 1968 đến năm 1972, Mỹ - ngụy đã dùng 4 triệu lít thuốc diệt cỏ và rải hàng vạn tấn bom B52 rải xuống Rừng Sác, biến nơi đây thành rừng chết. Tháng 10/1978, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) phát động trồng lại rừng, hơn 38.000 ha rừng đã hồi sinh. Đến năm 2000, nơi đây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chiến khu Rừng Sác cũng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 2004”.
Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác ngày nay tái hiện sinh động cuộc sống chiến đấu năm xưa với nhà cảnh vệ, nhà quân y, hầm trú ẩn, hội trường… cùng cảnh chiến sĩ Đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, tổ chức tập kích kho xăng Nhà Bè, chưng cất nước ngọt giữa rừng… Mỗi hình ảnh là một câu chuyện về lòng quả cảm, tinh thần thép và trí sáng tạo của các chiến sĩ đặc công.
Những ký ức hào hùng ấy không chỉ giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về giá trị của độc lập, tự do, mà còn bồi đắp thêm niềm tin, ý chí và trách nhiệm gìn giữ hòa bình, dựng xây đất nước. Đặc công Rừng Sác - những “bông hoa sắt” nở giữa rừng lửa sông nước mãi là huyền thoại sống trong lòng đất mẹ, trong rừng đước xanh và trong tim bao thế hệ Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin