Toạ lạc tại số 9A, đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là "địa chỉ đỏ" để các thế hệ đến tham quan và học tập, góp phần lan tỏa và phát huy những giá trị của di tích lịch sử cách mạng trong giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, khát vọng phấn đấu cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
![]() |
ĐVTN Đoàn Các cơ quan Đảng tỉnh tham quan, tìm hiểu Di tích Quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Ảnh: T.Hương |
Đà Lạt được ví như một “Paris thu nhỏ”, với những tên gọi nên thơ: thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, thành phố hoa, thành phố sương mù…, cũng từng tồn tại một nhà lao “có một không hai”, đó chính là Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt (tồn tại từ năm 1971 - 1973). Với tên gọi là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, nhưng thực chất nơi đây chính là nhà tù đế quốc, đã từng giam giữ hơn 600 chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, bị chuyển từ các nhà tù trên toàn miền Nam về giam giữ tại đây để cách ly, dụ dỗ, đàn áp và thủ tiêu ý chí chiến đấu của lực lượng cách mạng thiếu nhi miền Nam Việt Nam. Với những cống hiến xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tập thể cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Di tích Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia ngày 22/6/2009.
Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Phía trước là khối nhà hình chữ A, gồm: phòng quản đốc (trái), phòng thăm nuôi (phải), phía trên nóc chữ A có 3 phòng, một phòng hỏi cung ở giữa, 2 phòng tra tấn 2 bên. Phía bên trong, gồm 8 phòng giam, trong đó có 6 phòng giam nam và 2 phòng giam nữ tù nhân thiếu nhi. Ngoài các phòng làm việc và phòng giam chung, còn có 3 dãy xà lim biệt giam gồm 12 buồng xà lim và 1 hầm đá là nơi giam giữ những tù nhân là những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi có tinh thần kiên trung, gan dạ và quả cảm mà cai ngục và trật tự xếp vào đối tượng nguy hiểm, cứng đầu nhất, như các đồng chí: Trần Việt Hùng, Trần Lịch, Nguyễn Quốc Tân, Mai Thanh Minh,Thái Bá Tro, Nguyễn Thu...
Về cấu trúc, khu xà lim biệt giam được xây dựng khuất sau các dãy hành lang của 2 khu giam tập thể, có tường cao và những ô cửa sổ nhỏ. Phòng biệt giam tù nhân tại xà lim có chiều rộng hơn 1 m, chiều dài gần 2 m, có dãy xà lim chỉ giam giữ một tù nhân trong một buồng, có dãy lại giam giữ từ hai đến năm tù nhân trong một buồng. Trong buồng xà lim chật hẹp, tối tăm, ẩm ướt, lạnh lẽo, tù nhân phải ăn, ở, vệ sinh chung một chỗ. Cuộc sống trong xà lim phần nào được tái hiện qua hồi ức của đồng chí Trần Lịch - một trong những chiến sĩ chống chào cờ quyết liệt nhất: "Tôi bị biệt giam ở xà lim cuối dãy giam các chị em nữ. Trong buồng giam chưa đầy 2 m2, gần như chẳng biết đến ngày và đêm; không gian lúc nào cũng ẩm ướt, hôi hám; mỗi ngày được 1 - 2 vắt cơm lọt trong lòng bàn tay cùng mấy hạt muối hột rắc lên phía trên nắm cơm và một ca nước nhỏ... Một ngày vài trận đòn, khi thì ba trắc, khi thì roi bằng điện. Hết ngất đi lại tỉnh dậy”.
Khi bị giam cầm tại khu xà lim, ngoài tra tấn các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi bằng roi diện, gậy hướng đạo, roi sắt..., cai ngục và trật tự còn dùng nhiều hình thức hành hạ rất dã man như dội nước lạnh hàng đêm: khí hậu Đà Lạt với cái lạnh khắc nghiệt dưới 100C về đêm, buồng xà lim ẩm ướt và tối tăm, thân thể tù nhân đầy những vết đòn roi đau đớn, địch còn dùng nước lạnh dội vào từng người. Trước tình cảnh bi đát này, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã dùng quần áo để đẩy nước dưới sàn ra ngoài và cố lau khô phòng. Sau đó vắt quần áo và mặc vào lại. Bên cạnh đó còn có hình thức tra tấn dí bóng điện vào mặt: các chiến sĩ nhỏ tuổi bị địch dùng bóng điện cao áp đang sáng nóng ấn vào mặt. Da thịt bị hủy hoại, đau đớn tột cùng, nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức", các chiến sĩ nhỏ tuổi vẫn kiên cường chịu đựng, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong chốn lao tù. Để tránh mắc căn bệnh bại liệt do bị giam cầm quá lâu trong phòng biệt giam, các đồng chí đã cố gắng vận động cơ thể, tuy nhiên sự đi lại không hề dễ dàng vì đôi chân và tay các đồng chí còn bị tréo lại với nhau khiến cho tù nhân kiệt sức vì đau đớn. Chế độ giam cầm khắc nghiệt là thế, chế độ ăn uống cũng bị giảm so với khẩu phần thức ăn thường ngày, thức ăn chủ yếu là cơm trắng, được rắc trên đó vài hạt muối và nước lã, ăn nhạt hoàn toàn, khiến cho tù nhân mắc phải bệnh phù thũng.
Mặc dù bị tra khảo với những hình thức dã man nhưng các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, quyết liệt đấu tranh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ, đòi cải thiện chế độ lao tù, khẳng định phẩm chất kiên cường, bất khuất thông qua các phong trào diệt ác, phong trào vượt ngục, phong trào làm chủ nhà lao… Sau hàng loạt các cuộc đấu tranh của tù nhân thiếu nhi, biết không thể nào thực hiện được âm mưu thâm độc là tách các tù thiếu nhi ra khỏi thế hệ cách mạng lớn tuổi để lung lạc tư tưởng cộng sản. Địch đã thực hiện cam kết trao trả tù nhân theo tinh thần của Hiệp định Paris. Tháng 6/1973, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt hoàn toàn bị xóa sổ. Nơi này trở thành Trung tâm Bảo trợ thiếu nhi, giam giữ thiếu nhi thường phạm của tỉnh Tuyên Đức. Đây là lần đầu tiên và duy nhất, một nhà tù chính trị đấu tranh thắng lợi buộc địch phải giải tán nhà lao.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt, các nhà tù dưới chế độ thực dân, đế quốc trở thành những chứng tích hào hùng trong một phần lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt trở thành một “địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” đầy ý nghĩa, được nhiều người nhắc nhau đừng quên khi đến với Đà Lạt - “Thành phố festival hoa”, “Nơi kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Chúng ta càng trân quý những thành tựu to lớn của đất nước đạt được ngày hôm nay, để hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất mà dân tộc Việt Nam đã đổ bao mồ hôi, xương máu mới có được. Nơi đây nhắc nhở chúng ta không thể lãng quên truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc, của tuổi trẻ Việt Nam. Truyền thống ấy, tinh thần ấy cần được gìn giữ và phát huy, để thế hệ trẻ hôm nay nhận thức rõ trách nhiệm với quê hương, đất nước, phấn đấu học tập, rèn luyện tiếp bước các thế hệ cha anh, từ đó có phương hướng, động lực để rèn luyện, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin