Khoan dung Hồ Chí Minh - kết tinh của văn hóa dân tộc và việc vận dụng trong hòa hợp dân tộc hiện nay (Kỳ 2)

VŨ TRUNG KIÊN 05:32, 15/05/2025

Kỳ 2: Những nét đặc sắc chính yếu trong tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh

Khi về nước lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhằm mục đích đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc. 

 

Đối với Nhân dân ta, Hồ Chí Minh khuyên phải đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài... Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta... Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 246). Đối với những người có nợ máu với cách mạng, Hồ Chí Minh cũng luôn khoan dung, độ lượng và luôn nhìn thấy những phần tốt đẹp trong mỗi con người. Người nói: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 644).

Nếu nhìn lại lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, chúng ta thấy rằng, khi cách mạng Pháp nổ ra (1789 - 1799), vua Louis XVI bị giết. Cách mạng Nga nổ ra, cả gia đình Nga Hoàng đều bị giết. Thế nhưng, ở Việt Nam năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị và đã được mời làm cố vấn tối cao của chính phủ. Không những vậy, cố vấn Vĩnh Thụy còn được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đơn vị bầu cử tỉnh Thanh Hóa và đã trúng cử, Ngài còn được chỉ định tham gia thành viên Ban Soạn thảo Hiến pháp khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh còn có chỉ thị, tất cả tài sản của riêng hoàng gia phải được bảo vệ và tôn trọng, lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn phải được bảo vệ… Nhiều vị quan lại của triều đình phong kiến, trong đó có cả những người mà trước đó có thể đã gây tội ác với Nhân dân nhưng đã ăn năn hối cải, trở về với Nhân dân đều được chào đón. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc, từ tư tưởng khoan dung của Người đã có hàng loạt các vị quan lại nổi tiếng của triều đình phong kiến đi theo cách mạng như: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Đổng lý Ngự tiền Phạm Khắc Hòe, Tham tri Đặng Văn Hướng, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Tổng đốc Vi Văn Định… Sau năm 1945, chính Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề mời cả ông Ngô Đình Diệm tham gia Chính phủ, đây cũng là điều đặc biệt và đặc sắc có lẽ chỉ có ở Hồ Chí Minh, ở cách mạng Việt Nam. (Duncanson, Government and Revolution in Vietnam, page 212, dẫn lại theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Trong bài "Khoan hồng mà không nhu nhược", ký bút danh Chiến Thắng, Người viết: Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm. Ngày 31/5/1946, trong "Thư gửi đồng bào Nam Bộ" trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Fontainebleau, Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang…” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 246). 

Tấm lòng khoan dung của Hồ Chí Minh không những chỉ đối với đồng bào trong nước, với người Việt Nam mà còn đối với cả kẻ thù. Đối với những người ngã xuống vì chiến tranh, Người thương xót cho sự hi sinh của chiến sĩ mình bao nhiêu thì cũng ngậm ngùi bấy nhiêu trước những mất mát của những người đi xâm lược đã tử trận bởi Người luôn quan niệm một điều rằng máu của người Việt Nam hay máu người Pháp cũng đỏ như nhau. Người viết: "Tôi nghiêng mình trước linh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cùng đều là máu, người Pháp hay người Việt cùng đều là người" (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 457). Ngay cả đối với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp.Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ thất bại và phải ngồi vào bàn đàm phán, Người đã có căn dặn: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả” (Phạm Bình Minh (2015), “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa và nhà ngoại giao”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao).

Đối với các tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn thành thật tôn trọng đức tin của những người có đạo. Khi được hỏi, có lần Hồ Chí Minh đã trả lời: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Do đó, Người nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 152). Hồ Chí Minh luôn nhìn thấy ở các tôn giáo những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp có thể song hành với việc xây dựng một xã hội mới. Người khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân. Hồ Chí Minh đã mời rất nhiều các lãnh tụ tôn giáo tham gia vào các công việc quản lý đất nước.

Trước việc một số thế lực trong nước và ngoại bang lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc, đúng một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 3/9/1945, Chính phủ Lâm thời họp phiên đầu tiên, trong 6 nhiệm vụ cấp bách nêu ra, Hồ Chí Minh đã nói vì thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và lương, để thống trị, nên: "Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết". Khi nhận thấy có sự chia rẽ sâu sắc có thể gây nguy hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã đích thân đến Phát Diệm mời Giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm là Cố vấn tối cao của Chính phủ. Giám mục Lê Hữu Từ và cựu hoàng Bảo Đại là 2 vị cố vấn tối cao của Chính phủ. Không những vậy, Hồ Chí Minh còn giao Linh mục Phạm Bá Trực khi ấy là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Phó Chủ tịch Quốc hội) vào Phát Diệm thông báo ý kiến của Chính phủ và của Hồ Chí Minh về giao toàn bộ quận Kim Sơn, Ninh Bình cho Cố vấn Tối cao Lê Hữu Từ cai quản - một việc làm với mục đích không ngoài việc để xây dựng tình đoàn kết tôn giáo và đánh tan các luận điệu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tác giả Nguyễn Khắc Ngữ trong sách Bảo Đại - Các đảng phái quốc gia và sự thành lập chính quyền quốc gia cho biết: “Tháng 9 năm 1947, Chính phủ Hồ Chí Minh cho Linh mục Phạm Bá Trực, Quốc vụ khanh cầm đầu một phái đoàn chính phủ về Phát Diệm chuyển văn thư của Hồ Chí Minh cho Giám mục Lê Hữu Từ” (Nguyễn Khắc Ngữ (1991), Bảo Đại - Các đảng phái quốc gia và sự thành lập chính quyền quốc gia, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal - Canada, tr. 185) về vấn đề này. Trong cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã phấn đấu hết mình cho đoàn kết và hiểu biết giữa những người có đạo và không có đạo, Người nói: “Nước Phật ngày xưa có những bốn đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở Đạo Khổng... Nhưng đối với Nhân dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 148).

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc bất hủ. Trong bản Di chúc lịch sử này, Hồ Chí Minh - bằng tấm lòng nhân ái bao la, bằng “nỗi lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau" (Tố Hữu) đã dặn dò, lo lắng, bao quát hết mọi công việc của Đảng và đất nước, quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, trong đó có cả những người là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu” (Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 510). Những lời căn dặn thiết tha của người, đặc biệt những lời căn dặn về quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội bất kể họ là ai khắc họa rõ nét và trọn vẹn nhất tư tưởng nhân ái, khoan dung Hồ Chí Minh. Và, với những lời căn dặn trong bản Di chúc này, tư tưởng nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh là một dòng chảy văn hóa xuyên suốt trong cuộc đời Người từ thuở thiếu thời cho đến khi đi xa. Đọc lại Di chúc của Người, chúng ta thấy rất rõ điều đánh giá, nhận xét chính xác, đầy tinh tế của đại diện UNESCO. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những chiến sĩ trẻ tuổi... được rèn luyện trong chiến đấu... cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành các nghề, để đào tạo thành những cán bộ công nhân có kỹ thuật giỏi...Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo... Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu.v.v… thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện...” (Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 510). 

Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ khóc Bác đã viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” (Bác ơi - Tố Hữu). Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, Người còn là nhà thực hành tư tưởng vĩ đại. Tấm lòng nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh bao la, dung chứa tất cả mọi người. Tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1947 - 1948 đã đánh giá về Hồ Chí Minh: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư. Trong ánh mắt những người xung quanh và người đối thoại, Hồ Chí Minh là người vô cùng đức độ” (Trần Quân Ngọc (2013), Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. bìa). Giáo sư Trần Văn Giàu trong bài viết "Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh khẳng định": “Lòng nhân ái Hồ Chí Minh sâu thẳm như biển cả, nhưng đồng thời lại thiết thực như hạt gạo, hạt muối. Ngày nay, ai cũng có thể thấy Bác Hồ yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ” (Phan Văn Hoàng (2018), Hồ Chí Minh, chân dung và di sản, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. 312). Trong bài phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tiến sĩ ModagatAhmed, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã phát biểu: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và Nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” (Cổng thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh). 

(CÒN NỮA)