Khoan dung Hồ Chí Minh - kết tinh của văn hóa dân tộc và việc vận dụng trong hòa hợp dân tộc hiện nay (Kỳ cuối)

VŨ TRUNG KIÊN 06:11, 22/05/2025

Kỳ cuối: Sự vận dụng tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam trong vấn đề hòa hợp dân tộc

 

Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, những tư tưởng khoan dung của Người đã tiếp tục được vận dụng góp phần trong đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi chiếc khèn do đồng bào Yên Châu tặng kỷ niệm trong chuyến thăm Nhân dân 
các dân tộc Tây Bắc, ngày 07/5/1959. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi chiếc khèn do đồng bào Yên Châu tặng kỷ niệm trong chuyến thăm Nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 07/5/1959. Ảnh tư liệu

Hòa hợp, hòa giải dân tộc không phải là một sách lược mà là chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. “Lưỡi gươm cắt đất ngăn miền” (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu) không chỉ chia đôi đất nước mà còn chia cắt cả lòng người, len lỏi vào từng gia đình của người dân Việt. Chúng ta không phủ nhận do điều kiện khách quan lịch sử, có lúc hòa hợp và hòa giải vẫn tiến triển chậm và gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, có lẽ thấu hiểu nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra nên ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, tối 2/5/1975, trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả Nhân dân Việt Nam chúng ta” (Nguyễn Hữu Thái (2013), Chuyện ít biết về Ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Nxb. Lao động, tr. 162-163). Đáp lời, người từng đứng đầu chế độ Việt Nam Cộng hòa - ông Dương Văn Minh cũng chân tình: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước…” (Nguyễn Hữu Thái (2013), Chuyện ít biết về Ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Nxb. Lao động, tr. 162-163). 

Trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris đã kể một câu chuyện xảy ra ở quê bà - huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - về một đám tang của một người nguyên là sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đi định cư ở Mỹ 20 năm. Theo nguyện vọng của ông, thi hài ông được đưa từ Mỹ về Việt Nam mai táng. Điều hết sức cảm động, theo bà “người đọc điếu văn là con trai một liệt sĩ cách mạng, cháu một bà mẹ anh hùng” (Nguyễn Thị Bình (2012), Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, Nxb. Tri thức, tr. 212).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta xác định: “Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.10). Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài). Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhấn mạnh: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc). Phát biểu tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Trang Thông tin điện tử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội VIII, MTTQ Việt Nam lần thứ VIII). Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi: “Đất nước ta đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù của chúng ta. Vì vậy, không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam” (Báo điện tử Dân trí ngày 09/2/2015, bài phát biểu chúc tết kiều bào của Chủ tịch nước). Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam (...) ủng hộ và khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tôn trọng pháp luật và hội nhập vào xã hội nước sở tại, nơi bà con sinh sống (...). Phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú…” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài).

Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 158-159). Đại hội Đảng XIII tiếp tục quan điểm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;… Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,.T.1,.tr.50). Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023) tiếp tục khẳng định: “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân” (Đảng Cộng sản Việt Nam (2023), Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”). Trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “lòng nhân ái, đức vị tha đã giúp dân tộc ta từng bước vượt qua nỗi đau, chữa lành vết thương, gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, hướng tới tương lai. Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước - để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng” (https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot-119250427115622646.htm). Phát biểu kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sáng 30/4/2025, một lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển” (https://baochinhphu.vn/dien-van-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-le-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-102250430082212301.htm).

Cùng với những chủ trương, chính sách nhất quán về hòa hợp dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực để những chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực. Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn. Ông Nguyễn Cao Kỳ trong một lần về Việt Nam đã phát biểu: “Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy nên tất nhiên về nước thì có dịp kiểm chứng lại mọi điều một cách cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn. Tôi rất mừng là đất nước đổi mới nhiều”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng bộc bạch: “Tôi sẽ nói về sự tiến triển, không khí và tình hình của đất nước để cho họ thấy, từ đó thuyết phục những người chưa hiểu: đã đến lúc phải hoà hợp, hoà giải giữa anh em với nhau để xây dựng đất nước chứ ngoái cổ lại nhìn dĩ vãng rồi hận thù, chua chát, cay đắng thì đâu có được. Nhưng mà chắc chắn là không thể thuyết phục hết được vì vẫn còn một số người - một bộ phận rất nhỏ - cả đời chỉ nghĩ cho cá nhân họ thôi, nhiều khi họ phát ngôn, nói năng lung tung, để ý làm gì. Tôi nghĩ chuyện chính vẫn là quyền lợi đất nước. Thế thôi”. Ông khẳng định: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ... Tôi cho rằng, thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ, ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay” http://baolamdong.vn/chinhtri/201309/bon-nhan-thuc-sai-lam-lech-lac-cua-le-hieu-dang-2272177/).

Liên hợp quốc đã chọn năm 1995 là Năm quốc tế về khoan dung. Trong “Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung” được thông qua và công bố ngày 16/11/1995, Liên hợp quốc đã định nghĩa: “Khoan dung là tôn trọng, thừa nhận và đánh giá tính phong phú và đa dạng của các nền văn hóa trong thế giới chúng ta. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Nó không chỉ là một nghĩa vụ thuộc lĩnh vực đạo đức mà còn là một sự cần thiết về chính trị và pháp lý”. Thế giới mặc dù đã bước sang năm thứ 25 của thế kỷ 21, thế nhưng, những tranh chấp, xung đột, nhất là xung đột về sắc tộc, tôn giáo vẫn ngày càng diễn ra hết sức gay gắt mà nguyên nhân chính yếu vẫn là tham vọng và không hiểu lẫn nhau. Thế giới đang rất cần một ý tưởng chung để mọi người, mọi dân tộc hiểu nhau và chung sống với nhau trong hòa bình. Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong hành trang mà dân tộc Việt Nam mang theo chắc chắn có nhiều giá trị tinh thần, trong đó có cả giá trị tinh thần cao đẹp từ tư tưởng nhân ái, khoan dung Hồ Chí Minh. Và, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay, tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh sẽ mãi là biểu tượng của truyền thống hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của đất nước và dân tộc Việt Nam mà nhà thơ nổi tiếng người Nga Osip Emilyevich Mandelstam gọi đó là “nền văn hóa của tương lai”.