Đồng Nai Thượng là tên cũ của tỉnh Lâm Đồng. Ngày 1 tháng 11 năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định thành lập tỉnh mới nằm ở thượng lưu sông Đồng Nai, nên gọi là Đồng Nai Thượng (Province du Haut-Donnaï).
Đồng Nai Thượng là tên cũ của tỉnh Lâm Đồng. Ngày 1 tháng 11 năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định thành lập tỉnh mới nằm ở thượng lưu sông Đồng Nai, nên gọi là Đồng Nai Thượng (Province du Haut-Donnaï). Ngày 31 tháng 5 năm 1927 người Pháp mở con đường rải đá rộng 4m từ Dầu Giây lên Đà Lạt. Và ngày 28/4/2015, Bộ GTVT và lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai-Lâm Đồng đã làm lễ thông xe dự án từ Dầu Giây lên Bảo Lộc thuộc công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20, rộng 4 làn xe với kinh phí 4.466 tỷ đồng.
Ngày còn tuổi đôi mươi, nghe nói lên xứ Thượng là trong lòng nôn nao khó tả. Lúc ấy, tôi cứ tưởng tượng con người, cuộc sống ở vùng cao có điều gì đó khác với miền xuôi, rồi nhớ bài học thuộc lòng thời tiểu học “Tôi còn nhớ những ngày lên xứ Thượng/ Theo bạn bè lên rẫy giữ nai heo/ Trên chòi cao trơ trọi giữa lưng đèo/ Ôi! Phong cảnh sao mà hoang vắng quá/ Mái chòi lợp vài ba tấm rạ/ Sàn chòi bằng một vỉ tre thưa/ Ngồi dựa lưng ngủ thiếp giữa trưa hè/ Để đêm thức giữ heo về phá lúa”.
Đồng Nai Thượng bây giờ là thành phố du lịch, hàng ngày khách Tây, ta đi đến rộn ràng. Một số già làng, trưởng bản ở Langbian nói tiếng Tây như gió, mở laptop khởi động rào rào. Mới nhìn thấy đã sợ. Bà con dân tộc gốc Tây Nguyên thực sự đổi đời là nhờ cà phê, nhờ chính sách chuyển đổi cây trồng của Nhà nước, nhưng không phải người dân tộc nào cũng thế, có người còn rất nghèo, vì họ không chịu thay đổi cách làm ăn, thay đổi nếp nghĩ của mình.
Chứng tích một thời
Miền Nam xứ mình là vùng đất hoang, mới được khai phá vài trăm năm. Vì vậy, ở những giao lộ, tiền nhân thường chừa lại cây lớn để ngồi nghỉ mệt như người Tây Nguyên luôn để lại cây Kơ nia giữa rẫy. Ở Nha Trang có ngã ba Cây Dầu đôi, Bình Dương có Thủ Dầu Một, ở Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng... và Đồng Nai có chùa Cây Dầu, ngã ba Dầu Giây. Cây Dầu ở miền Đông Nam bộ trở thành nỗi nhớ một thời.
Tại ngã ba Dầu Giây, điểm xuất phát lên Đồng Nai Thượng bây giờ không còn cây Dầu nữa, chỉ có rừng cao su và phố xá. Nơi đây đã và đang hình thành cứ điểm giao thông nối các thành phố lớn miền Đông Nam bộ bằng đường cao tốc.
Con đường dẫn đến vương quốc trà B’Lao này, tôi đã đi nhiều lần nhưng vẫn thấy lạ. Vì bây giờ mặt đường thênh thang rộng đến bốn làn xe, được tráng bê tông nhựa nóng phẳng lì. Chỉ mới năm ngoái thôi, chủ và khách từ xứ Hạ lên xứ Thượng áo quần bê bết bụi đường, thì nay ngồi trong xe nghe tiếng rào rào khi lướt qua những khu rừng cao su, giã tỵ.
Điểm đến đầu tiên, chúng tôi ghé quán cơm chay mang tên Hội Ngộ, cách ngã ba Dầu Giây vài trăm mét. Tôi hỏi ông chủ quán tên Nghĩa: “Được biết, bố mẹ em được sinh ở ngay ngã ba Dầu Giây, vậy em có nghe ông bà nói vì sao ngã ba này mang tên Dầu Giây không?”. Nghĩa vui vẻ: “Tuần nào em cũng bị hỏi câu này! Nhất là mấy ông mang máy ảnh. Nghe ba em nói, ngày xưa ở ngã ba có cây dầu to lắm, nhiều dây leo lên sống bám nên mới gọi thế! Nhưng cũng có người nói: Năm 1955 người Bắc di cư vào mang theo giống trầu giây, họ trồng ngay ngã ba nên gọi là Dầu Giây. Theo em nghĩ ba em nói đúng hơn, vì tuổi thơ bố mẹ em chơi đùa dước gốc dầu mà!”.
Rời ngã ba, chúng tôi chạy về hướng Đà Lạt. Dọc theo con đường này có khá nhiều nhà thờ lớn, sân rộng, tháp chuông cao ngất, biểu thị cho cuộc sống phồn thịnh của các xứ đạo.
Đèo Chuối, cửa khẩu của khu VI cũ
Con đèo đầu tiên chào đón khách lên Đồng Nai Thượng, mang tên đèo Chuối, vì có chuối hoang mọc lơ thơ trên đồi. Về địa hình, đèo Chuối dài 4km là bước chuyển tiếp khí hậu với độ cao 350m, khí hậu khá êm dịu do còn rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, đây là đoạn đường khá nguy hiểm không phải vì độ dốc, chiều cao mà do nhiều khúc cua liên tiếp, vì vậy tai nạn giao thông thường xảy ra. Do vị trí địa lý hiểm trở dễ tấn và lui, lại xa khu dân cư nên trong chiến tranh đèo Chuối trở thành cứ điểm tập kích chớp nhoáng.
Xung quanh đèo Chuối có nhiều hang động nằm sâu trong núi đá. Vì vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là tổng kho cửa khẩu đèo Chuối, một khu dự trữ quan trọng trên con đường huyết mạch từ Sài Gòn đi Đà Lạt do cách mạng lập ra để thu thuế và nhận tiếp tế từ các nơi gửi về phục vụ kháng chiến. Theo tư liệu Lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Đạ Huoai (1945 - 2005) do Đảng bộ huyện biên soạn (trang 63, 64), trong 3 năm duy trì cửa khẩu Đèo Chuối, từ tháng 6 năm 1965 đến năm 1968 chúng ta đã thu, cất giữ và chuyển cho Khu VI một lượng lớn hàng hóa và nhu yếu phẩm, tại đây còn tiếp nhận lượng tiền mặt được quy đổi là 65kg vàng.
Theo Tướng Phạm Xuân Thệ cho biết: Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một bộ phận Fulro ở Nam Lâm Đồng tập kết khu vực đèo Chuối. Bọn chúng lúc ẩn lúc hiện để chặn xe cướp tài sản của dân. Vì vậy, sau khi chiếm cứ điểm Dinh Độc Lập, Sư đoàn 304 điều Trung đoàn 66 của ông chuyển về đường 20 để tiêu diệt Fulro đèo Chuối.
Sau tết năm nay, ông KPreỏh dân tộc K’Ho, là nhân chứng dẫn đường cho bộ đội vào hang ổ Fulro năm 1975, điện thoại mời tôi vào nhà ăn nhậu. Khi có rượu ngà ngà, ông kể: “Cuối tháng 5 năm 1975, ông Thệ là trung đoàn phó, ông ta cho lính đi vận động, truy quét, tiêu diệt “đội quân trời đất” ở vùng này. Ban ngày, ông cho bộ đội cùng với dân lên rẫy trồng tỉa, thu hoạch lúa bắp. Ban đêm tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ buôn làng. Tết 1976, bộ đội và bà con cùng nhau ăn tết theo từng hộ. Tết đó được chuẩn bị đầy đủ lắm à nha! Có bánh chưng, thịt heo, giò, dưa hành. Mỗi gia đình dân tộc K’Ho đều có 3 chiến sỹ đến cùng ăn, ở, sinh hoạt và chuẩn bị tết với không khí đầm ấm vui vẻ. Kết quả “trận chiến tết” ấm tình quân dân đã làm cho lực lượng Fulro bị cảm hóa, bớt hung hăng đến khi tan rã.”
* * *
Đường 20, đoạn từ Dầu Giây đến khu Bauxit Tân Rai dài 123km hiện nay rất đẹp, xe lên xuống rộn ràng, nghe được cả tiếng rào rào của bánh xe chạm đất. Sau lễ thông đường ngày 28 tháng 4 năm 2015, tôi được đi song hành với ông cán bộ già về hưu. Ông nhỏ nhẹ nói “Mình sống ở mặt tiền quốc lộ này đã trên 30 năm. Mấy năm qua, xe chạy trước nhà mình gặp ổ gà, ổ voi kêu ầm ầm không ngủ được. Nay đường rộng đẹp thênh thang quá mừng cho địa phương, mừng cho đất nước”!
Ký sự: Trần Đại