Đài "Sputnik" tiếp tục chương trình "Nhìn lại ngày hôm qua" nói về lịch sử quan hệ hợp tác Nga-Việt với chủ đề nói về các phi công quân sự đầu tiên của Liên Xô đã đến Việt Nam khi nào?
Đài “Sputnik” tiếp tục chương trình “Nhìn lại ngày hôm qua” nói về lịch sử quan hệ hợp tác Nga-Việt với chủ đề nói về các phi công quân sự đầu tiên của Liên Xô đã đến Việt Nam khi nào?
Theo thỏa thuận giữa Moskva và Hà Nội, những phi công này không được tham gia các trận không chiến chống Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Nhiệm vụ của những người phi công Liên Xô đến Hà Nội vào mùa hè năm 1965 là đào tạo sỹ quan Việt Nam lái loại máy bay chiến đấu “MiG” tiên tiến nhất tại thời điểm đó mà Moskva cung cấp cho Hà Nội.
Tuy nhiên, nhóm phi công Nga đầu tiên đã từng được gửi đến Việt Nam từ 5 năm trước. Năm 1960, Moskva đã cấp cho Hà Nội một số máy bay “Li-2” và “IL-14”. Những người Nga đến Hà Nội có nhiệm vụ dạy cho lính không quân Việt Nam điều khiển các máy bay này, cũng như vận chuyển thiết bị quân sự và thuốc men từ Việt Nam sang Lào cho Mặt trận Pathet.
Trong số quân nhân Liên Xô đến Hà Nội 65 năm trước đây, nhiều người có kinh nghiệm chiến đấu phong phú đã đạt được trong cuộc chiến tranh chống Đức quốc xã. Ví dụ, người mới từ giã chúng ta gần đây ở tuổi 92, Đại tá Sergey Somov đã thực hiện 118 trận không kích trong năm cuối của cuộc chiến tranh đó và được trao tặng Huân chương Sao vàng anh hùng. Ông đã tham gia cuộc duyệt binh Chiến thắng lịch sử trên Quảng trường Đỏ năm 1945. Kho dữ liệu của Đài “Sputnik” còn lưu giữ bản ghi âm cuộc phỏng vấn người anh hùng này: “Thời gian đầu chúng tôi không hạ cánh được xuống nước Lào. Khi đó Mặt trận Pathet Lào không có sân bay. Chúng tôi giảm độ cao, ném những túi hàng đặc biệt xuống thung lũng. Điều kiện thời tiết phức tạp khiến cho chúng tôi khó tìm các địa điểm đó cũng như hạ thấp độ cao. Hơn nữa, pháo binh của Mỹ từ lãnh thổ Lào đã bắn vào máy bay của chúng tôi”. Do bị pháo kích, Trung úy phi công Fateev đã hy sinh. Máy bay của Đại tá Chivkunov đã thực hiện 125 phi vụ chiến đấu ở Lào cũng hai lần bị trúng đạn. Trình độ lái điêu luyện đã cho phép đại tá cả hai lần đều đưa được máy bay về căn cứ. Nhưng trên bầu trời Lào, các phi công Liên Xô không chỉ phải đối phó với pháo binh Mỹ. Tháng 2/1962, chiếc máy bay do Thiếu tá Agafonov điều khiển đã bị hai máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công. Máy bay của Liên Xô bị thủng 36 lỗ, nhưng tổ lái vẫn hoàn thành nhiệm vụ và về đến sân bay. Cần lưu ý rằng máy bay của Liên Xô được sử dụng để hỗ trợ Mặt trận yêu nước Lào không hề trang bị vũ khí. Ông Sergey Somov nhớ lại: “Trước năm mới 1961, các lực lượng Mặt trận yêu nước chiếm được sân bay Cánh đồng Chum. Công việc của các phi đội Liên Xô trở nên căng thẳng hơn. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 1962, 20 tổ lái đã hoàn thành 4.000 phi vụ. Trên 17.000 lính dù Lào và Việt Nam đã nhảy dù và vận chuyển gần 4.000 tấn hàng hóa”.
Có lần các phi công Liên Xô đã sơ tán hơn 100 thương binh Lào và Việt Nam từ Sầm Nưa (Lào). Khi ấy sân bay chưa có liên lạc vô tuyến, chưa rõ tình hình mặt đất như thế nào. Ông Sergey Somov bay đến đó đầu tiên để điều tra. Và ông thấy rằng đó thậm chí không phải là sân bay, mà chỉ là một đường băng thô sơ chỉ có thể chứa được hai chiếc máy bay. Nhưng đối phương đã đến gần và những người bị thương cần được sơ tán ngay lập tức. Sáu máy bay của Liên Xô lần lượt tiếp cận mặt đất, lấy những người bị thương và cất cánh để giải phóng mặt bằng cho các tổ lái tiếp theo. Nhiệm vụ được hoàn thành.
Họ cũng đã thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Các phi công Liên Xô đã lái máy bay trực thăng “Mi-4” và “Mi-6” do Liên Xô cung cấp đưa hoàng thân Souphanouvong từ Lào qua Việt Nam sang Campuchia, đưa các nhà lãnh đạo của Mặt trận Pathet Lào đi đàm phán với đại diện phe đối lập. Không chỉ một lần họ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương trong nước. Năm 1962, họ từng chở Hồ Chí Minh với khách mời của ông là Gherman Titov ra thăm vịnh Hạ Long, nơi có hòn đảo sau này mang tên phi hành gia Liên Xô.
Mối liên hệ của ông Sergey Somov với Việt Nam không bị gián đoạn ngay cả khi ông đã trở về quê hương. Ông tích cực tham gia công việc của Hội hữu nghị Xô Việt và sau đó là Hội Hữu nghị Nga-Việt, Hội cựu chiến binh Nga trong chiến tranh Việt Nam. Tình bạn bền chặt gắn kết ông với nhiều công dân Việt Nam làm việc tại Moskva. Nhắc lại người bạn Nga này, nhà văn Nguyễn Huy Hoàng nói về tình cảm ấm áp của Sergey Somov khi đề cập đến thời kỳ ông sống ở Việt Nam và việc ông nâng niu giữ gìn bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhóm phi công Liên Xô đầu tiên đã phục vụ ba năm tại Việt Nam và thực hiện các chuyến bay vận tải quân sự đến Lào. Nhóm tiếp theo hoạt động trên bầu trời Lào cho đến tháng 12/1970, và trên bầu trời của Campuchia từ tháng 4-12/1970. Kể từ mùa xuân năm 1965, bắt đầu có các phi công Liên Xô đồng thời phục vụ ở Việt Nam với họ. Nhiệm vụ của nhóm này là đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay “MiG” thực hiện các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam. Và họ đã thực hiện thành công nhiệm vụ này.
TS tổng hợp (Theo TTXVN)