Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không thể điểm lại, dù hết sức sơ lược, bài viết ngồn ngộn chi tiết đắt giá kèm những luận bình dí dỏm của nhà báo - học giả nắm chắc vấn đề, cũng như không thể với tư cách một chứng nhân, bổ sung, điều chỉnh các chi tiết chưa thật chính xác trong bài của tác giả Bernard Fall.
[links()]Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không thể điểm lại, dù hết sức sơ lược, bài viết ngồn ngộn chi tiết đắt giá kèm những luận bình dí dỏm của nhà báo - học giả nắm chắc vấn đề, cũng như không thể với tư cách một chứng nhân, bổ sung, điều chỉnh các chi tiết chưa thật chính xác trong bài của tác giả Bernard Fall. Chẳng hạn, không phải “Trung đoàn 95 thâm nhập vào hậu tuyến quân Pháp từ hơn hai năm nay” (tức từ 1951), như tác giả nhầm, mà thực tế trung đoàn đã gắn bó với nhân dân địa phương ngay từ khi mặt trận Huế vỡ (1947). Tết Canh Dần 1950, làm phóng viên Báo Cứu quốc, tôi từ chiến khu về xã Hải Châu “ăn Tết” cùng Đại đội 150 Tiểu đoàn 310, đại đội chủ công của Trung đoàn 95 hồi bấy giờ. “... Gần nửa đêm, chúng tôi dậy đón Giao thừa. Ngồi dựa sát vào nhau cho đỡ rét, cùng uống ngụm nước chè tàu, nhắm lát mứt gừng đồng bào biếu cho ấm họng mà nói chuyện tâm tình... Sao những ngày giao nối hai năm Sửu và Dần này rét đến thế. Da cứ tê đi, người đét lại, có bao nhiêu áo quần mang ra mặc hết, người cứ như bị bó giò. Đại đội trưởng đi nghiên cứu địa hình nơi sẽ phục kích trận đầu năm về trong đêm khuya, cứ xuýt xoa kêu ngoài trời rét ơi là rét...” (Bài Tết ở Đại đội 150, Báo Cứu quốc LK4),vv. Xin đi luôn vào đoạn kết. Tác giả Bernard Fall viết: Đến chập tối ngày N, khi bốn cánh quân trên bộ và các đơn vị từ biển ập vào, lính dù từ trên trời đổ xuống liên lạc được với nhau, theo đánh giá của sĩ quan tham mưu Pháp, “toàn bộ Trung đoàn 95 QĐNDVN đã nằm gọn trong một tấm lưới có chiều dài 14km, rộng 3km…”.
Tuy nhiên, vậy mà không phải vậy.
Tác giả ghi nhận: “Những đôi hàm thép của một đạo quân hiện đại, được yểm trợ bởi các lực lượng hải quân, xe tăng lội nước, máy bay chiến đấu... đang thít chặt, hùng hổ xục tìm những người lính nông dân vừa được vũ trang vội vã và huấn luyện cấp tốc bởi những cán bộ không có ai mang quân hàm cao hơn bậc cai trong Đội lính Khố Xanh thời trước, nói gọn lại, đạo quân Pháp được triển khai hôm nay mạnh hơn đối phương ít nhất cả chục lần. Có điều trong cái bẫy vừa sập xuống ấy, tuyệt nhiên không tóm được một con mồi nào”.
|
Bernard Fall tại Quảng Trị |
Đúng là quân Pháp cũng có bắt được vài chú thiếu niên vừa đủ lớn để có thể nhấc nổi khẩu súng trường, các chú trả lời ấp a ấp úng, không khai được mình là người làng nào ở đây. Vậy đích thị là quân đội chính quy của Việt Minh rồi, cứ coi như quân Pháp vừa bắt được tù binh đi. Ngoài ra, cánh quân có nhiệm vụ càn quét cũng tóm được mấy khẩu súng trường và vài ba nông dân người làng Đơn Quế, nơi đối phương kháng cự mạnh mẽ nhất. Dù sao thì 36 tiếng đồng hồ sau giờ G ngày N, tác giả Bernard Fall nhấn mạnh, “đã hoàn toàn sáng tỏ là cuộc Hành quân Camargue đã thất bại”.
Dù vậy, Bộ Tổng chỉ huy Pháp còn chờ thêm mấy ngày nữa, cho quân dàn hàng ngang lùng xục, xăm xoi các xóm làng, các đồng lúa, mọi ngóc ngách tìm các hầm trú ẩn của lính Việt Minh, gom đàn bà trẻ em không kịp chạy, mãi đến ngày 4-8-1953, mới ra Thông báo báo chí tuyên bố Cuộc hành quân Camargue đã hoàn tất. Báo chí Sài Gòn ca ngợi hết lời. Rằng “cuộc hành quân là một thành công lớn”, “cuộc hành quân chứng tỏ sức chiến đấu và tính cơ động ngày càng tăng của quân Pháp”, rằng “nó cho thấy sự cần thiết và tính hiệu quả đưa các đơn vị xe lội nước và lực lượng cơ giới hùng hậu vào bình định các vùng ruộng lúa và cát lầy”, vv. và vv. Trong khi đó, Đạo quân viễn chinh Pháp, người trong cuộc, đau xót và khôn ngoan hơn, cho nên dè dặt hơn trong việc khoa trương ngôn từ. Họ lặng lẽ tổng kết bài học thất bại.
Về cuộc hành quân mang tên Camargue, Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội) dành chưa tới mươi dòng: “ ...Sau một ngày, địch không khép kín được vòng vây và bị thiệt hại nặng. Tên tướng Leblanc điên cuồng, hạ lệnh thúc cánh quân thủy cứ tiến theo sông Vân Trình, (lại) huy động quân dù đổ bộ hợp vây nhưng vẫn không đạt kết quả mong muốn... Đến tối, địch buộc phải ngừng tiến quân. Trung đoàn 95 và các cơ quan của tỉnh, huyện đóng tại vùng Đơn Quế, Đồng Dương, sau khi bố trí bom mìn, cạm bẫy cẩn thận, đã bí mật rút ra ngoài vòng vây ” (tr. 385).
Người viết bài này có lần cùng nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, một người con xứ Huế, gợi lại những kỷ niệm buổi thiếu thời. Nhà thơ cho biết năm 1953, đang học trường Quốc học, anh có đi xem cuộc triển lãm về chiến thắng của Pháp tại cuộc Hành quân Camargue tổ chức ở cố đô. Hoành tráng lắm. Thâm trầm, người dân Huế cười tủm: “Một trung đoàn Việt Minh chống lại mười trung đoàn Pháp cùng bao nhiêu là máy bay, tàu chiến, xe bọc thép, đúng là châu chấu đá voi ”. Ngoại trừ Tây trắng Tây đen, người Việt ta có ai còn lạ Nực cười châu chấu đá voi/ Tưởng rằng chấu ngã ai đời voi nghiêng.
Tại tấm sơ đồ in kèm trong sách, tác giả Bernard Fall vẽ địa hình vùng đất và một mũi tên thật đậm với ghi chú: Con Đường Không Vui. Vậy là quãng đường mang cái tên đã đi vào lịch sử chiến tranh ấy, từ mùa hè 1953, sau cuộc Hành quân Camargue, không đơn thuần là “quãng đường tồi tệ ” chạy qua làng tôi ven Quốc lộ 1 mà còn có thêm Tỉnh lộ 68, nơi tôi được đồng bào đùm bọc mấy năm sau ngày vỡ mặt trận Huế 1947. Đây là một con đường khiêm tốn, chưa rải đá, khởi đầu từ góc Đông Nam Thành cổ Quảng Trị chạy dọc cánh đồng lúa ven bờ biển vào Nam, vòng lên tiếp nối với Quốc lộ 1 tại thị trấn Diên Sanh (Kẻ Diên), lỵ sở huyện Hải Lăng. Khách bộ hành đến chỗ quặt, có thể đi tiếp theo đường liên xã nhiều đoạn còn lầy lội vào địa phận tỉnh Thừa Thiên, rồi qua các làng Thanh Hương, Thế Chí Đông, Thế Chí Tây... men phá Tam Giang vào tận cửa Thuận An. Cán bộ, bộ đội chúng tôi hồi ấy rất thông thạo con đường này, bởi phải qua cửa Thuận vào phía Nam thành phố Huế mới có lối đi thuận tiện vượt qua quốc lộ 1 ngược trở lại lên vùng chiến khu tỉnh Thừa Thiên. Vùng đồng bằng các huyện Triệu, Hải, Phong, Quảng, “hậu tuyến của Pháp” nói theo lời Bernard Fall, là hành lang giao thông quan trọng và cũng là hậu cứ của Trung đoàn 95 QĐNDVN. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao thực dân Pháp quan tâm càn quét và đế quốc Mỹ mấy năm sau xục lùng tìm diệt ác liệt đến vậy vùng quê nghèo này.
Điều trớ trêu và tàn bạo của chiến tranh là, chính tại Con Đường Không Vui ven tỉnh lộ 68 này, hơn một chục năm sau cuộc hành quân bủa vây Camargue của Pháp, ngày 21/2/1967 vị giáo sư - nhà báo, người kiên trì phản đối mọi cuộc can thiệp vào Việt Nam, tác giả những cuốn sách như Con Đường Không Vui, Việt Minh, Điện Biên Phủ một góc địa ngục... đã bỏ mình tại trận địa trong chiến dịch tìm diệt mang tên Chinook do quân Mỹ tiến hành. Chiều định mệnh ấy, ông theo một tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ hành quân, với mục đích sưu tầm thêm tư liệu sống, viết tiếp một cuốn sách nữa lên án chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời kết hợp làm phóng viên tại chỗ, tường thuật trực tiếp từ Việt Nam cho Hãng Phát thanh - Truyền hình Mỹ CBS để có thêm tiền trang trải các chuyến đi.
Sau ngày giải phóng miền Nam, về thăm quê, tôi đứng bần thần trên “quãng đường tồi tệ”, rồi thả bộ theo “con đường không vui” nay đã an bình đi lần vào Nam tới chợ Kẻ Diên tìm cây đa bến cũ, nhớ bùi ngùi nhìn về phía Đường 68, nơi đã cưu mang tôi mấy năm công tác tại vùng địch hậu. Dựa trên cuốn băng thu âm dang dở Giáo sư Bernard Fall để lại, (in tại tập di cảo Last Reflections on a War xuất bản ở New York năm 1967) có thể hình dung những phút cuối cùng bi tráng của một học giả - nhà báo, “nhà bình luận quốc tế nổi tiếng nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam”, nói theo lời Tạp chí Time, Mỹ, số ra ngày 3/3/1967. Ái mộ một người nước ngoài dấn thân vì chính nghĩa, tôi dành vài chục dòng trong bài bút ký Kẻ Diên kể lại cái chết của ông. Tiếng mìn nổ bất thần tại Con Đường Không Vui chiều hôm ấy cắt ngang cuộc tường thuật đang lên sóng phát thanh, dập tắt ngôi sao, tạo nên một tiếng bom nổ ngay giữa thủ đô Washington khuấy động chính giới và dư luận Hoa Kỳ. (Bài đăng Báo Nhân dân số ra ngày 23/8/1981).
(Còn nữa)
PHAN QUANG