BERNARD FALL - người đầu tiên viết về nhân dân Việt Nam chiến đấu vì hòa bình (tiếp theo)

09:08, 20/08/2015

Thông báo của Hạm đội Mỹ đóng căn cứ tại Đà Nẵng, học giả, nhà báo Bernard Fall (Bernard B. Fall), Giáo sư thực thụ Trường đại học Howard, Washington DC, qua đời ngày 21-2-1967 ở tuổi 40 do giẫm phải mìn trong khi cùng một Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ hành quân tìm diệt tại Con Đường Không Vui, cách thành phố Huế 14 dặm về tây bắc, làm chấn động giới chính trị và học thuật phương Tây...

[links()] BĂNG THU ÂM DANG DỞ
 
Thông báo của Hạm đội Mỹ đóng căn cứ tại Đà Nẵng, học giả, nhà báo Bernard Fall (Bernard B. Fall), Giáo sư thực thụ Trường đại học Howard, Washington DC, qua đời ngày 21-2-1967 ở tuổi 40 do giẫm phải mìn trong khi cùng một Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ hành quân tìm diệt tại Con Đường Không Vui, cách thành phố Huế 14 dặm về tây bắc, làm chấn động giới chính trị và học thuật phương Tây. Hầu hết các tờ báo quan trọng ở Mỹ và châu Âu đều dành vị trí trang trọng loan tin dữ. Quốc hội Pháp và Quốc hội Mỹ dành một phút mặc niệm, các nghị sĩ tả cũng như hữu cùng đứng lên im lặng cúi đầu. Tạp chí Time phát hành mươi hôm sau cái chết bất ngờ, viết: “Dải đất ấy (Con Đường Không Vui, nơi ông qua đời - PQ) quá quen thuộc với nhà dân sự, Giáo sư Bernard Fall, có mặt duy nhất hôm đó giữa các nhà binh toàn là Lính thủy đánh bộ đang tiến hành cuộc hành quân tìm diệt. Ông là người, qua các cuốn sách và nhiều chuyến đi đi về về đất nước ấy, đã tự tạo lập cho mình tên tuổi là nhà bình luận quốc tế nổi tiếng nhất thế giới về Việt Nam hiện nay”. Roger Lévy, Tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề Thái Bình Dương, ca ngợi: “Ông có nếp quen sưu tìm tư liệu từ mọi nguồn, và không hề lùi bước trước gian nan nào”. Nhà văn Pháp Jean Lacouture, người đầu tiên xuất bản cuốn tiểu sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1967), viết: “Cái chết của Bernard Fall là một thách thức đối với tất cả chúng ta, những người ít hay nhiều dũng cảm, thông minh hoặc tài năng, đã chiến đấu đòi (người Mỹ) ngưng cuộc thảm sát tại Việt Nam… Sau cái chết của người lính gác có trách nhiệm, một người lính gác đêm với cái nhìn dũng cảm, các chuyên gia về kỹ thuật leo thang chiến tranh Mỹ từ giờ lại được rảnh tay”. Nhà sử học Philippe Devillers, một chuyên gia khác về Việt Nam, nhận định: “Nếu nước Pháp mất đi một đại diện nổi bật (Mặc dù sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ, lấy vợ người Mỹ, Bernard Fall vẫn giữ quốc tịch Pháp) thì Hoa Kỳ tổn thất hơn thế nhiều. Bernard Fall là người duy nhất, không có ai thay thế được… Nhân dân Mỹ đã mất đi một người rất hiếm, có thể nói cho họ rõ sự thật, giúp họ hiểu đất nước Việt Nam mà anh đã dấn thân hết mình khám phá không mệt mỏi”.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp bà Dorothy Fall
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp bà Dorothy Fall
 
Khi đã có đủ độ lùi thời gian và bình tĩnh nhìn lại, nhà sử học Mỹ Leonard P. Liggio quả quyết: “Bernard Fall là nguồn tin chủ yếu cho công chúng Mỹ hồi bấy giờ về những diễn biến chính trị, xã hội tại Đông Nam châu Á và sự phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ trước những diễn biến ấy. Rất nhiều lần, Bernard Fall ra sức chứng minh rằng các sự kiện thực tế diễn ra là hoàn toàn trái ngược những gì được viết trong “sử chính thống” do Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu năm góc trình bày thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông”.
 
Năm 1997, bà quả phụ Dorothy Fall sang nước ta lần theo dấu vết của chồng nhằm hoàn tất cuốn tiểu sử-hồi ức về ông (Memories of a Soldier-Schoolar). Bà được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà viết: “Đại tướng đã đọc các tác phẩm của Bernard Fall. Ông xúc động nói với tôi: Chồng bà là người đầu tiên viết về nhân dân Việt Nam chiến đấu vì hòa bình. Chồng bà là người đầu tiên dự đoán thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Chồng bà nghiên cứu sâu về Việt Nam và hiểu rõ nhân dân chúng tôi lắm”. Bà Dorothy sẽ dành nhiều trang trong cuốn Memories… thuật lại “tấm lòng quý mến của Bernard Fall đối với đất nước Việt Nam và những cố gắng không mệt mỏi của ông giúp Việt Nam khỏi bị tàn phá bởi bom đạn, cũng chính là giúp Hoa Kỳ tránh thảm họa thất bại cuối cùng”.
 
Bernard Fall người Pháp gốc Do thái, sinh năm 1926 tại Viên, thủ đô nước Áo. Năm 1938, tránh nạn phát xít, gia đình ông di cư sang Paris, nhập quốc tịch Pháp, rồi tham gia chiến tranh chống Đức xâm lược. Năm 1940, cha ông bị quân đội Đức bắt và xử tử, mẹ ông bị đày vào trại tập trung, không bao giờ trở lại. Cậu bé Bernard 16 tuổi đã tham gia quân du kích Pháp hoạt động tại vùng núi Alpes, chờ đủ tuổi sung vào quân đội, Sư đoàn 2 Bắc Phi Quân Giải phóng Pháp, năm 1946, mới trở lại trường học. Ông sang Mỹ học thạc sĩ, được các giáo sư khuyến khích nên đi sâu nghiên cứu vấn đề chiến tranh Pháp ở Đông Dương, vấn đề nóng nhất lúc bấy giờ. Chàng nghiên cứu sinh đến Việt Nam lần đầu năm 1952, tìm tư liệu hoàn thành luận văn tiến sĩ.
 
 Năm 1953, sau khi theo dõi một chiến dịch càn quét của quân đội Pháp có tên là Opération Camargue phối hợp lục, hải, không quân, mà ông coi là một “cuộc hành quân lớn ngang tầm Thế chiến II”, với mục đích bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 95 QĐND Việt Nam đang hoạt động tại vùng này, ông đã quả quyết sự thất bại không thể nào tránh khỏi của Đạo quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Với nhiều bài đăng trên báo chí phương Tây phản đối chiến tranh thực dân, Bernard Fall trở thành đối tượng theo dõi của tình báo Pháp. Không những nhiều bài viết của ông bị ngăn chặn trên đường gửi đến các tòa soạn, mọi thư riêng ông thăm hỏi người vợ chưa cưới đang ở Mỹ cũng đều bị kiểm duyệt săm soi. 
 
Từ bài học thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, ngay từ những ngày Mỹ bắt đầu can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Tiến sĩ Bernard Fall đã khẳng định Mỹ nhất định rồi cũng sẽ thất bại. Ông kiên trì bác bỏ và tìm cách chứng minh quan điểm của những thế lực hiếu chiến Mỹ cứ một mực cho rằng sức mạnh quân sự và vũ khí tối tân có thể đè bẹp ý chí độc lập của một dân tộc, là hoàn toàn sai lầm. Bernard Fall đến lượt trở thành “đối tượng nguy hiểm cho nước Mỹ”, bị FBI theo sát từng bước chân.
 
Về nhân thân, Bernard Fall lại tự cho là mình có “thế mạnh”. Là cựu chiến binh Sư đoàn 2 Bắc Phi Pháp chống phát xít, được trao tặng Huân chương Giải phóng, Bernard Fall đến Việt Nam được các đơn vị Đạo quân viễn chinh Pháp ở đây đón tiếp như đồng đội, sẵn sàng mời tham gia các cuộc hành quân, nhờ thế ông dễ dàng thâm nhập các nguồn tư liệu quân sự. Sang thời Mỹ can thiệp sâu vào Việt Nam, với tư cách học giả, giáo sư một trường đại học tên tuổi tại thủ đô Washington, cộng tác viên của nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình hàng đầu Mỹ, ông dễ dàng hòa nhập vào các đơn vị quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Bernard Fall trước sau vẫn kiên định trong quan điểm phản đối chiến tranh xâm lược, và cố gắng hết mình đấu tranh đòi Mỹ mau chóng rút khỏi Việt Nam. Ông tự hào là trong quá trình thực hiện tại chỗ các công trình nghiên cứu, chưa bao giờ nhận trợ cấp của bất kỳ ai mà đều tự lo trang trải chi phí các chuyến đi dã ngoại. 
 
Trong khoảng thời gian chưa tới 14 năm, từ cuối 1952 đến đầu 1967, Bernard Fall đã sang Việt Nam trước sau sáu lần, có chuyến đi kéo dài cả nửa năm, đặc biệt những năm tình hình chiến sự ngày càng nóng: 1965, 1966, 1967 năm nào ông cũng có một chuyến đến khảo sát tại chỗ. Ông đã cung cấp cho báo chí Mỹ, đặc biệt những tờ báo tên tuổi như The Washington Post, The New York Times… không chỉ nhiều bài, tin mà còn những tấm ảnh chụp tại chỗ có giá trị tố cáo chiến tranh. Có ảnh chụp cảnh làng quê Nam Việt Nam bốc cháy ngùn ngụt dưới trận mưa bom của Mỹ. Có ảnh chụp cảnh tù binh người Việt bị quân đội Mỹ cố tình bắt phơi nắng cho chết dưới sức nóng mặt trời như thiêu như đốt, trước con mắt lạnh lùng của những tên lính gác... 
 
Trong sáu chuyến đi ấy, chuyến đến Bắc Việt Nam năm 1962 có tác động quyết định đến nhiều quan điểm chính trị của Bernard Fall. Ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nhà lãnh đạo gần gũi của Người, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và trả lời phỏng vấn… Ông lên Điện Biên Phủ nghiên cứu thực địa, chuẩn bị tác phẩm Hell in Very Small Place. The Siege of Đien Bien Phu  (Các bản dịch tiếng Pháp, tiếng Việt đều lấy đề Điện Biên Phủ, một góc địa ngục), xuất bản lần đầu năm 1966. Ông vào bờ bắc sông Bến Hải khảo sát “Mặt bên kia của vĩ tuyến 17” (tên một bài viết). Sau chuyến đi thăm miền Bắc Việt Nam, ông cho công bố nhiều bài trên các phương tiện truyền thông lớn ở Mỹ và Anh, trong đó có bài lời lẽ vô cùng trân trọng “cụ già tuổi ngoại bảy mươi với chòm râu bạc đi dép cao su”. Báo The Washington Post đăng bài ông phỏng vấn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tại đó Thủ tướng khẳng định “Mỹ không muốn có một cuộc chiến tranh dài nhưng rồi nó sẽ kéo dài. Mỹ không muốn thất bại ở Việt Nam nhưng rồi cuối cùng nhân dân Việt Nam là người chiến thắng”. Vẫn theo nhà sử học Leonard P. Liggio, sau chuyến đến miền Bắc nước ta năm 1962, qua thực tế cảm nhận được nơi đây, Bernard Fall nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc; khác hẳn ở miền Bắc, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam tuyệt nhiên không được bất kỳ sự ủng hộ nào từ dân chúng, mà “thiếu sự ủng hộ ấy, máy bay trực thăng và vũ khí hiện đại đến mấy cũng chẳng làm nên trò trống gì”.
 
(Còn nữa)   
 
PHAN QUANG