Trạm Bò - Xuân Thọ là địa chỉ cách mạng tại Đà Lạt trong những năm 1930. Tại đây đã thành lập Hội Tương tế và một số hội ái hữu đồng hương. Ngoài ra còn có Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh thu hút nhiều hội viên tham gia. Gắn liền với địa chỉ Trạm Bò là nhà cách mạng Lê Quang Phấn.
Trạm Bò - Xuân Thọ là địa chỉ cách mạng tại Đà Lạt trong những năm 1930. Tại đây đã thành lập Hội Tương tế và một số hội ái hữu đồng hương. Ngoài ra còn có Hội Phụ nữ, Hội Phản đế đồng minh thu hút nhiều hội viên tham gia. Gắn liền với địa chỉ Trạm Bò là nhà cách mạng Lê Quang Phấn.
Nhìn lại tiến trình lịch sử, ngày 3/2/1930, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời trên cơ sở hợp nhất của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội với một số tổ chức cộng sản, trong đó có Tân Việt, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và chứng tỏ giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, tháng 4/1930, Chi bộ Tân Việt tại Đà Lạt đã tổ chức hội nghị giải thể và thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên (nay là Lâm Đồng). Hội nghị được tổ chức trên tầng gác căn buồng số hai nhà xe Khách sạn Palace (Đà Lạt), gồm ba đảng viên (trong đó có đồng chí Lê Quang Phấn), đồng chí Trần Diệm làm bí thư. Từ đây, giai cấp công nhân Lâm Viên có tổ chức tiên phong, tổ chức cao nhất của giai cấp mình để lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Sự ra đời của chi bộ đầu tiên ở Lâm Đồng đã có những tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước chống thực dân ở vùng đất cao nguyên.
Nhà cách mạng Lê Quang Phấn sinh ngày 14/7/1905, là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Thanh Hóa. Cụ thân sinh ra ông là cụ Lê Văn Tiến - một nhân sĩ yêu nước đã tham gia phong trào kháng thuế cự sưu ở các tỉnh miền Trung. Cụ Lê Văn Tiến học hành đỗ đạt, từng làm Thư ký Lại Bộ, rồi làm quan án ở tỉnh Hà Tĩnh. Khi Vua Duy Tân - một ông vua yêu nước nêu lên quyết tâm đánh Pháp, cụ Lê Văn Tiến đã “bước vào nghĩa lớn”. Những việc làm của cụ có nhiều mối liên hệ với nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền. Cụ bị bắt và bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo trong 9 năm nhưng cụ vẫn giữ vững khí tiết. Sau khi về lại quê, cụ hành nghề bốc thuốc cứu người.
Khi cụ Lê Văn Tiến bị thực dân Pháp bắt, ông Lê Quang Phấn mới lên 3 tuổi. Vì thương chồng và quá lo cho chồng bị án tử hình mà vợ ông (bà Trịnh Thị Thường) đã chết ngay lúc bồng con trên võng. Những tai họa do thực dân Pháp gây ra là những chấn động lớn đối với ông Lê Quang Phấn, ông đã sớm giác ngộ cách mạng. Là một trong những người thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Đà Lạt, để phát triển tổ chức, tập hợp lực lượng, đồng chí Lê Quang Phấn đã cùng Chi bộ tổ chức các công hội đỏ trong công nhân nhà máy đèn, nhà thầu xây dựng, khách sạn, đồn điền, công nhân xe lửa và những người làm trong các tiệm may. Tại Trạm Bò đã thành lập Hội Tương tế và một số hội ái hữu đồng hương gồm những người cùng quê đến đây làm ăn, sinh sống. Thông qua hoạt động của các tổ chức quần chúng, Chi bộ đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho công nhân, phát triển đảng viên mới và lãnh đạo công nhân bãi công, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ở chợ Đà Lạt, Cầu Đất để đấu tranh chống thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do.
Đến cuối năm 1930, Chi bộ đã kết nạp được 5 đảng viên mới và cấp trên tăng cường 3 đồng chí từ Khánh Hòa, Ninh Thuận lên Đà Lạt, nâng tổng số đảng viên lên 11 đồng chí và được chia làm 2 chi bộ: Chi bộ Palace và chi bộ Cầu Quẹo. Để duy trì các hoạt động của Đảng và tránh khủng bố, Chi bộ Đảng ở Đà Lạt tổ xây dựng 2 cơ quan bí mật: nhà ông “Kiểm Tỵ” đường Cầu Quẹo (nay là đường Phan Đình Phùng) là nơi hội họp và in ấn tài liệu và nhà đồng chí Lê Quang Phấn ở cây số 12 (Trạm Bò - Xuân Thọ) là đầu mối liên lạc giữa Đà Lạt với Nha Trang, Tháp Chàm; nơi gặp gỡ đi lại của cán bộ và mở lớp huấn luyện cho cán bộ, đảng viên của các tỉnh Nam Trung Bộ.
Bà Đỗ Thị Khương - vợ ông Lê Quang Phấn là một cảm tình Đảng, là cơ sở cách mạng, bà có nhiều công đóng góp tài chính cho Đảng, tích cực ủng hộ cán bộ, giúp đỡ huấn luyện và tham gia liên lạc. Bà đã làm liên lạc cho Đảng, đưa tài liệu bí mật xuống Nha Trang, Tháp Chàm… Cơ sở Trạm Bò đã góp phần quan trọng tạo dựng phong trào cách mạng ở Lâm Đồng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vượt qua những cam go, thử thách trong những ngày đầu và thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cuối năm 1931, sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp ra sức đàn áp các tổ chức cách mạng. Cơ sở Đảng ở Đà lạt bị khủng bố, ông Lê Quang Phấn và vợ bị thực dân bắt giam. Ông bà kiên quyết giữ bí mật. Đến khi Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, ông Lê Quang Phấn đã tham gia cướp chính quyền ở quê nhà và trở thành Chủ tịch UBND tại thị xã, huyện, lị Thọ Xuân - Thanh Hóa… Sau đó, vì lí do sức khỏe, ông tham gia công tác tại địa phương: cứu thương, dạy bình dân học vụ… Sau khi hòa bình lập lại, gi đình ông sinh sống tại Hà Nội và ông làm cán bộ trong lĩnh vực lương thực thực phẩm cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1971…
Năm 2012, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công Bia lưu niệm về một dấu tích cách mạng tại Trạm Bò. Địa chỉ đỏ Trạm Bò được đánh giá không những gắn với cuộc sống riêng của nhà cách mạng Lê Quang Phấn mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển các hoạt động cách mạng của địa phương trong những ngày đầu tiên. Hiện UBND xã Xuân Thọ đang có nhiều nỗ lực để bảo tồn di tích lịch sử cách mạng này.
TS tổng hợp (theo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)