Cụ Phạm Khắc Hòe - nhân sỹ yêu nước, người trí thức cách mạng tiêu biểu

10:09, 03/09/2015

Mùa Xuân năm Nhâm Dần (1902) đầu thế kỷ 20 - thời vua Thành Thái - một gia đình khoa bảng xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã sinh ra một người con trai, đặt tên là Phạm Khắc Hòe.

Mùa Xuân năm Nhâm Dần (1902) đầu thế kỷ 20 - thời vua Thành Thái - một gia đình khoa bảng xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã sinh ra một người con trai, đặt tên là Phạm Khắc Hòe.
 
Chàng thanh niên họ Phạm lớn lên khi nền Nho học truyền thống đã lỗi thời, bộc lộ nhiều mặt hạn chế, trong khi đó nền giáo dục mới do Pháp đưa vào ngày càng phát triển để đào tạo tay sai cho chúng. Vượt qua ý đồ của Pháp, nhiều thanh niên con các gia đình có truyền thống yêu nước (trong đó có Phạm Khắc Hòe) đã sẵn sàng tiếp thu những yếu tố tích cực của nền văn hóa - giáo dục Pháp, đã hăng hái đón nhận những tư tưởng “tự do - bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp hơn 1 thế kỷ trước đó (1789).
 
Năm 1917 (khi Nguyễn Tất Thành từ Luân Đôn sang hoạt động ở Pari) Phạm Khắc Hòe đã ra Vinh (Nghệ An) học Trường Tiểu học Pháp Việt, ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Pháp luật và Hành chính. Tốt nghiệp, ông được làm tham tá, sau chuyển sang ngạch quan lại của triều đình. Đầu thập niên 40, làm Quản đạo xứ Đà Lạt, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Phạm Khắc Hòe được giữ chức Đổng lý Ngự tiền văn phòng, trực tiếp làm việc bên cạnh Bảo Đại, khi nhân dân ta đang sống trong cảnh 1 cổ 2 tròng, cả Pháp và Nhật cấu kết với nhau bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy để phục vụ cho cuộc chiến tranh (đại chiến 2). Cũng trong thời điểm lịch sử đó, phong trào cách mạng của Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo đang diễn ra sôi nổi khắp nước, nhằm đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập tự do cho dân tộc.
 
Từ thực tiễn diễn biến của cách mạng, tên tuổi ông Phạm Khắc Hòe - một cận thần của Bảo Đại - ông vua cuối cùng của triều Nguyễn - Pháp thua lại theo Nhật - đã nổi lên thành một con người, một hiện tượng độc đáo trong lịch sử giữ nước của dân tộc khi đó.
 
Với tinh thần yêu nước sáng suốt, ông Phạm Khắc Hòe đã nhận thức được đúng đắn con đường tất yếu phải đi qua của đất nước, mặt khác ông đã tiếp xúc, tranh thủ ý kiến một số người cách mạng có uy tín như ông Tôn Quang Phiệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng, từ đó ông đã vận động, thuyết phục được Bảo Đại đi theo con đường chính nghĩa, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh.
 
Khi được giao viết bản “Dụ” số 105 ngày 17 tháng 8 năm 1945 cho Bảo Đại, ông đã nhấn mạnh 2 điểm tiến bộ có tính lịch sử, chấm dứt vương triều nhà Nguyễn tồn tại 143 năm kể từ thời Gia Long (1802 - 1945), tuyên bố:
 
“Nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh, và khẳng định: Chính thể do nhân dân quyết định, nhà vua cam kết sẽ làm theo ý chí của nhân dân”.
 
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thắng lợi, sáu ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thủ đô, thì ngày 20/8/1945 ông Hòe đã viết xong bản “Chiếu thoái vị” cho Bảo Đại bằng những lời lẽ khúc triết, sắc sảo, được chính Bảo Đại đọc trong buổi mít tinh ngày 30/8/1945 tại cố đô Huế, trước sự chứng kiến của ông Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ lâm thời đến dự, tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.
 
Đầu tháng 9/1945, cựu hoàng Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho chức cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Hà Nội làm việc.
 
Cựu Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cũng trở thành một công dân nước Việt Nam mới, được cách mạng giao cho chức Giám đốc Nha Pháp chính Bộ Nội vụ, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ, Cố vấn kiêm Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt và Fontainebleau.
 
Ngày 19/12/1946, từ sự bội ước của Pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Phạm Khắc Hòe bị Pháp vô cớ bắt giam sau đó đưa vào Sài Gòn, Đà Lạt, rồi lại đưa ra quản thúc tại Hà Nội, nhưng đã được công an khu II giải thoát, đưa ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến, được Hồ Chủ tịch tiếp kiến thân tình hỏi chuyện gia đình, khen ông có 2 con tham gia kháng chiến trong nội thành. Trả lời câu hỏi: “Điều gì đã làm cho chú kiên quyết ra vùng tự do tham gia kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, ông thưa lại: “Yếu tố quyết định là hình ảnh của Bác trong óc cháu và uy tín lớn lao của Bác trong mọi tầng lớp nhân dân trong vùng hậu địch”.
 
Bác đã nói lại: “Chú nói thế là không đúng, yếu tố quyết định nằm ngay trong bản thân chú, đó là lòng yêu nước của chú, chú cũng như đa số người Việt Nam ta, ai cũng có lòng yêu nước, muốn nước được độc lập và thống nhất, chỉ cần chúng ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa”.
 
Ông Hòe trở lại làm Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ. Kháng chiến thắng lợi, Chính phủ trở về thủ đô, ông nhận chức Vụ trưởng Vụ Dân chính kiêm Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng, từ năm 1961 được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa liên tục, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Bảng vàng danh dự (có 3 con đi bộ đội); Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
 
Cụ Phạm Khắc Hòe về nghỉ hưu năm 1964 khi vào tuổi 62; sau khi Mỹ cút, Ngụy đã nhào, khi đã qua tuổi thất thập cổ lai hy, cụ đã vào thăm lại Đà Lạt - nơi cụ là “quản đạo” một thời, đến thăm ấp Nghệ Tĩnh, nơi có đông đồng bào đồng hương do cụ đưa từ miền quê nghèo vào đây lập nghiệp, chuyên nghề trồng rau từ hơn 30 năm trước, bà con đón tiếp nồng hậu, đề nghị cụ vào đây an dưỡng tuổi già, mọi việc do dân lo. Cụ cảm ơn và từ chối, và trở ra Hà Nội.
 
Giữa mùa hè năm 1996, cụ Phạm Khắc Hòe đã “hai năm mươi” về với tiên tổ, thọ 95 tuổi.
 
Bà con ấp Nghệ Tĩnh (nay là phường 8, TP Đà Lạt) cũng làm lễ truy điệu cụ tại đình làng mình - Tháng 3/2008, kỷ niệm 106 năm sinh nhật cụ, bà con ấp Nghệ Tĩnh xưa đã làm lễ đón nhận bằng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp thành phố, do lãnh đạo thành phố Đà Lạt trao tặng.
 
Trong ngôi đình văn hóa này được treo một tấm ảnh lịch sử: cụ Phạm Khắc Hòe chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian đàm phán với Pháp tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946, cách nay 69 năm do gia đình trao tặng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con bản địa.
 
NGỌC ANH