Phường 11 trước là rừng hoang vu, chỉ có một số đồng bào K'Ho sinh sống. Từ những năm 1920, cùng với việc xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt xuyên qua, một số người Pháp đã thuê lao động khai hoang mở đồn điền trồng dược liệu, rau và hoa.
Ông Hoàng Huyền - Cơ sở cách mạng ấp Sào Nam. Nhà có 7 người tham gia hoạt động cách mạng, 1 con trai là liệt sĩ, 18 lần ông bị bắt tù qua 5 nhà lao của địch |
Để khai phá, xây dựng đồn điền, công trình giao thông, thực dân Pháp đưa lên cao nguyên những người bị bắt xâu, bắt phu, bắt lính và các tù nhân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Sau có thêm một số đồng bào không chịu sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân, phong kiến tại quê nhà nên lưu lạc lên làm thuê cho các cai thầu, chủ đồn điền. Có người bỏ làm thuê, mở đất làm vườn, dần tập trung lại lập nên các ấp. Ấp Đa Phước (trước gọi Trại Mát) thành lập năm 1928. Năm 1918, người Pháp mở đường bộ tuyến Đà Lạt - Phan Rang, năm 1932 mở tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và hoàn thành năm 1933, các ga Trạm Hành, Cầu Đất, Trại Mát hình thành. Vì sao có địa danh Trại Mát? Người cho trước công nhân làm đường sắt, đường bộ dựng trại nghỉ trưa cho mát. Ở đây có nhiều cây mát mát (chanh dây), có người tin chanh dây rừng tự nhiên song có ý kiến nói ông Cô-dét-la mang giống từ Pháp sang trồng làm nguyên liệu chế biến nước giải khát. Cũng có người cho tên gọi Trại Mát là trước dân buôn bò từ Phan Rang lên Đà Lạt thường dừng lại và có làm trại nghỉ mát. Từ 1940 - 1950, Trại Mát mang tên làng (ấp) Đa Phước, cư dân lập đình thờ, lấy tên với ước muốn được nhiều phước lộc. Năm 1938, ấp Tây Hồ thành lập và tên ấp nhằm tưởng nhớ quê hương với lòng yêu nước của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh (hiệu Phan Tây Hồ). Cuối năm 1948 đầu 1949, được Thị trưởng Đà Lạt cấp phép khu vực này quy tụ thêm bà con làm vườn, làm thuê ở Trại Mát và nơi khác đến khai phá, mở vườn, hình thành khu vực sản xuất nông nghiệp trù phú. Sau dân từ Cầu Đất, Trại Mát, ấp Nghệ Tĩnh, Tân Lạc… cũng xin nhập cư, khai phá rừng mở đất hoặc mua lại vườn để sản xuất, dân cư ngày thêm đông. Cuối năm 1951 đầu 1952, ông Nguyễn Sĩ Vinh và ông Nguyễn Sĩ Bích xin lập làng, lập ấp và xây dựng đình làng. Tên ấp là Sào Nam (tên hiệu nhà yêu nước Phan Bội Châu) vì dân cư phần lớn là gia đình cơ sở cách mạng từ Trại Mát và nội ô Đà Lạt về sinh sống, đa số quê gốc Nghệ An và ấp mới lập ở bên cạnh ấp Tây Hồ. Năm 1953 hơn 40 gia đình người Việt từ Lào về nước, phần lớn là người Nghệ An, Hà Tĩnh được bố trí định cư ở Sào Nam. Năm 1954, thấy vùng đất Thái Phiên màu mỡ, chính quyền vận động số hộ hồi hương vào khai phá lập ấp Thái Phiên. Sau Thái Phiên thêm cư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên vào sinh sống. Năm 1950, khu vực ấp Tự Tạo cũ (nay khu phố 2), bà con các tỉnh miền Trung vào đây làm thuê cho các đồn điền của Pháp đã khai hoang lập vườn, sinh sống bằng nghề trồng rau, hoa. Cuối 1954 thêm người từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và đa phần là cơ sở cách mạng, tham gia kháng chiến ở quê hương… Để đàn áp phong trào đấu tranh, Ngô Đình Diệm áp dụng Luật 10-59 ra sức khủng bố trả thù nên người tham gia kháng chiến cũ tiếp tục quy tụ về định cư, khai hoang lập nghiệp, ấp ngày càng đông. Tên ấp Tự Tạo, theo các cụ cao niên cho biết vì nhân dân tự mua đất, khai hoang mở vườn, tự tạo nên cuộc sống mà không phải chính quyền sở tại cho phép như các ấp khác. Trong kháng chiến chống Mỹ nhắc đến ấp Tự Tạo là nhắc đến vùng đất cách mạng giàu truyền thống vượt khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng theo cách mạng… Trải qua nhiều lần phân định, cuối năm 1963, Đà Lạt chia làm 10 khu phố, xã Liên Hiệp và ấp Thái Phiên. Ngụy quyền coi Trại Mát (Đa Phước) là yếu khu quan trọng, cửa ngõ hướng Đông - Đông Bắc vào Đà Lạt nên bố trí thành một khu phố - khu phố 10. Những ngày đầu giải phóng 1975, mỗi ấp ở phường giữ nguyên tên gọi, gọi là khóm, thành lập Ủy ban cách mạng khóm. Các khóm trực thuộc Ủy ban quân quản Phường 6, sau chuyển thành Ủy ban nhân dân Phường 6. Ngày 6-6-1986, Đà Lạt có 12 phường, 3 xã; khóm Thái Phiên tách từ Phường 6 cũ lập Phường 12, khóm Nam Hồ và Tự Phước thành lập Phường 11 cho đến nay.
Nhà ga Trại Mát hoàn thành năm 1933. Hiện hàng ngày có 1-2 chuyến tàu chở khách du lịch từ trung tâm thành phố đến tham quan các danh lam, thắng cảnh ở địa phương |
Trước năm 1954, Phường 11 có khoảng 500 - 700 nhân khẩu, từ năm 1960 - 1970 tăng lên 1.500 và hiện lên hơn 9.000 người. Tuy hội tụ từ nhiều vùng miền khác nhau nhưng đều là những nơi có truyền thống cách mạng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên và các tỉnh của Khu 5; đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi bị Mỹ - Diệm khủng bố, đàn áp, được Tổ chức cho đổi vùng, tạm lánh để bảo toàn lực lượng chờ cơ hội tiếp tục liên lạc móc nối hoạt động. Quá trình hình thành và phát triển dân cư của Phường 11 ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng địa phương.