Vai trò của Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đối với thể loại hát nói trong văn học Việt Nam

10:01, 12/01/2017

Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh là hai nhà nho tài tử cuối thế kỷ XIX, có vai trò trong sự "giữ gìn" dòng mạch văn chương tài tử từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến Tản Đà và Thơ mới, và góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn học, văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể thấy sự đóng góp đó của họ thể hiện ở thể loại Hát nói.

Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh là hai nhà nho tài tử cuối thế kỷ XIX, có vai trò trong sự “giữ gìn” dòng mạch văn chương tài tử từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến Tản Đà và Thơ mới, và góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn học, văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể thấy sự đóng góp đó của họ thể hiện ở thể loại Hát nói.
 
Dương Khuê Chu Mạnh Trinh
Dương Khuê                                                          Chu Mạnh Trinh

Hát nói là một hình thức thơ ca tự do, có thể diễn tả tư tưởng, tình cảm thoải mái mà đứng trên một phương diện nào đó nó thoát ra khỏi sự ràng buộc của thơ Đường luật. Thường thì Hát nói giúp nhà thơ “mượn tiếng mỹ nhân để thưởng thức văn chương, mượn âm điệu để giãi bày tâm sự, xuất thế hay nhập thế, tả tình hay tả cảnh, đồng thời nó cũng là phương tiện để họ trao đổi, nhắc nhở, nhắn nhủ cho nhau những suy nghĩ hay tâm trạng thầm kín” (1). Hát nói được hoàn thiện khi gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Công Trứ ở thế kỷ XVIII. Đến cuối thế kỷ XIX, các nhà nho tài tử Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đã góp phần đưa thể loại Hát nói lên đỉnh cao giá trị của nó.
 
Ở phương diện hình thành thể loại, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng một thể loại văn học ra đời đều do nhu cầu lịch sử và nhu cầu nghệ thuật. Đúng như tác giả Nguyễn Văn Ngọc đã rất thú vị khi thấy rằng Hát nói “họp nhiều lối văn khác mà thành rồi tự gây lấy một đặc tính riêng”: vừa câu đối, vừa thơ, phú (có câu đặt theo lối gối hạc hay cách cú), vừa lục bát, vừa tản văn, vừa nôm vừa chữ lại có đủ thứ thú: được nghe bài hát của mình sáng tác qua giọng đào nương, tự mình cầm chầu để thưởng thức thơ mình trước mọi người, vừa tư tưởng, vừa âm luật, vừa tài tử giai nhân gặp gỡ chia vui… Môi trường hành lạc đã góp phần kích thích sáng tác Hát nói và sáng tác Hát nói ban đầu là sáng tác cho cái môi trường này, chỉ lưu hành trong môi trường này. Vì vậy để tạo ra thể loại Hát nói phải là một tác giả có hứng thú với nghề hát và có thể đã phải nổi tiếng về đàn hát, hơn thế nữa, phải giỏi cả thơ phú bằng chữ Hán chữ Nôm mới có nhu cầu, có khả năng tạo ra sự dung hợp này”. (2)
 
Những ý kiến trên cho thấy rằng Hát nói là một thể loại khó sáng tác, kết tinh của bản lĩnh tài hoa, không phải ai và lúc nào cũng có thể sáng tạo được. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà có một nét khác là ở việc sinh hoạt hay sáng tác Hát nói, đều có sự tham gia của nhiều nho sĩ, các tao nhân mặc khách thích những thú chơi tao nhã. Và các bài thơ, bài phú được sử dụng ở Ca trù phần lớn đều có nội dung mang tính chất bác học…”. Bởi vậy, có một điều có thể nhận thấy rất rõ là đối tượng phục vụ (công chúng) của hát Chèo, Quan họ, Ví dặm là đám đông, là nông dân thôn dã nên nội dung, tính chất của các thể loại này là hát giao duyên, hát lao động, hát kể chuyện, hát làm việc, hát hội, hát rong… “Đối tượng của Ca trù là giới nho sĩ, tao nhân mặc khách nên nội dung của nó chứa đầy quan niệm, triết lý cao siêu về đời sống, về cuộc đời”(3). Ở phương diện này còn cho thấy rõ được hàm ý của Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh trong những bài Hát nói nổi tiếng của mình; nên những bài như Hồng Hồng Tuyết Tuyết có nhiều cách hiểu khác nhau. 
 
Những tác phẩm Hát nói của Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đã trở thành kinh điển trong sinh hoạt Ca trù. Theo các nhà nghiên cứu cho biết, những ai mới bước vào nghề hát đều đến đầu tiên với bài Hồng Hồng, Tuyết Tuyết của Dương Khuê:
 
Mưỡu I
 
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già
 
Mưỡu II
 
Nước, nước biếc, non, non xanh
Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
Nhớ ai tháng đợi năm chờ
Nhớ người độ ấy bây giờ là đây.
 
Nói:
 
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, 
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì, 
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu, 
Quân kim hứa giá, ngã thành ông.
Cười cười, nói nói sượng sùng, 
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú thanh sơn đi lại, 
Khéo ngây ngây, dại dại với tình.
Đàn ai? Một tiếng dương tranh.
 
Những tác phẩm Hát nói như Hương Sơn phong cảnh ca, Hương Sơn nhật trình (Chu Mạnh Trinh); Cảnh Hương Tích (Dương Khuê) đã trở thành những tác phẩm nổi tiếng ca ngợi cảnh đẹp của Thiên Nam đệ nhất động. Ý thơ, lời thơ của họ còn mãi với danh thắng của đất nước:
 
... “Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái, 
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh. 
... 
Nhác trông lên ai khéo vẽ hình, 
Đá ngũ sắc long lanh như 
gấm dệt. 
Thăm thẳm một hang lồng 
bóng nguyệt, 
Chập chờn mấy lối uốn 
thang mây. 
Chừng giang sơn còn đợi 
ai đây, 
Hay tạo hóa khéo ra tay 
sắp đặt?”
(Hương Sơn phong cảnh ca - Chu Mạnh Trinh)
 
Với Dương Khuê, khi chiêm ngưỡng phong cảnh Hương Sơn, ông không thể giấu được tâm hồn phóng khoáng và ngạo khí của mình:
 
Làng thi tửu còn đâu hơn 
đấy nhỉ, 
Chẳng Bồng lai Nhược thủy cũng Thần tiên.
Rõ ràng đệ nhất Nam thiên, 
Mang đi sợ để quần tiên 
mất lòng
Thôi thì để đó chơi chung!
(Cảnh Hương Tích - Dương Khuê)
 
Có thể nói Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đã truyền cho người đọc, người nghe Ca trù niềm tự hào về danh lam, thắng cảnh của đất nước.
 
Để truyền được niềm vui, niềm tự hào đó cho người đọc hẳn tác giả phải là một tài thơ. Khẳng định điều này, có nhà nghiên cứu đã ca ngợi cái tài hoa của hai ông, xếp hai ông vào những nhà thơ lãng mạn (4). Và, tác giả của Việt Nam văn học sử giản ước tân biên còn cho rằng Chu Mạnh Trinh là nhà thơ chùa Hương, nhà thơ của Truyện Kiều, nhà thơ lãng mạn (5). Đó là nhận xét xác đáng. Bởi những câu thơ của Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh đã phát tiết cái nội lực tài hoa khiến cho người đương thời phải “gật gù”, người đời sau chịu ảnh hưởng:
 
Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức, 
Sơn hàm minh nguyệt tửu thiên tôn.
(Trăng treo đầu núi lạnh, thơ dở dang mới được nửa bài. Núi ngậm vành trăng sáng, rượu đến ngàn chén vẫn còn uống nữa).
 
( Chơi trăng - Dương Khuê)
Thuận dòng ngàn liễu cung dâu
Một thuyền đèn sách lưng bầu gió trăng
Buồm lan nhẹ cánh lâng lâng
Hay đâu mượn gió gác đằng đưa duyên
... 
Giữa dòng đáy nước lồng gương
Mượn chèo ngư phủ đưa đường đào nguyên
Lạ chi vừa bén mùi thiền
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.
(Hương Sơn nhật trình
Chu Mạnh Trinh)
 
Nói đến sự ảnh hưởng của Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đối với thế hệ sau, chúng ta càng khẳng định vai trò của hai ông trong lịch sử văn học dân tộc. Hai ông đã góp phần làm cho dòng mạch văn học tài tử từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... đến cuối thế kỷ XIX không bị ngắt quãng. Bên cạnh phong cách lãng mạn, tài hoa của người tài tử, có thể thấy được sự nối tiếp, ảnh hưởng của thể Hát nói đối với phong trào Thơ Mới sau này. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng thơ Hát nói đã ảnh hưởng lớn tới tiến trình đổi mới tiếng thơ Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự xuất hiện thể Thơ Mới tám chữ (6). Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử còn phát hiện “vấn đề không chỉ ở số chữ (7-8 chữ trong câu), mà ở điệu nói, ngữ điệu nói, điệu kể. Bởi vì điệu nói còn làm đổi mới cả những câu thơ có số chữ nhiều hơn hoặc ít hơn và tạo liên hệ ngữ điệu cả khổ, cả bài” (7). Về thanh điệu thì câu thơ của bài Hát nói trên 6 từ thường ngắt đoạn, từ cuối mỗi đoạn phải theo luật bằng trắc. Điểm này giống với thể thơ 8 chữ trong Thơ Mới. Ví dụ bài Cái dại của Dương Khuê: 
 
“Ngồi mà nghĩ (T)/ mấy năm (B)/ về trước (T)
Chẳng dại nào (B)/ giống cái (T)/ dại nào (B)
Khi giựt mình (B)/ tưởng giấc (T)/ chiêm bao (B)
Thế mới biết (T)/ ước ao (B)/ là chuyện lãng (T)
So với Nhớ rừng của Thế Lữ, hoặc bài Lời kỹ nữ của Xuân Diệu:
Em sợ lắm (T)/ giá băng (B)/ tràn mọi nẻo (T)
Trời đầy trăng (B)/ lạnh lẽo (T)/ suốt xương da (B)
Người giai nhân (B)/ bến đợi (T)/ dưới cây già (B)
Tình du khách (T)/ thuyền qua (B)/ không buộc chặt (T)
 
Và, thơ Hát nói dùng vần chân liên tiếp hai dòng một cách phổ biến, có thể lấy bài Cảnh Hương Tích, Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê đã trích ở trên làm ví dụ, hoặc bài Thúy Kiều lưu lạc của Chu Mạnh Trinh:
 
So tài tình Thúy Kiều đệ nhất
Tiết Thanh Minh đi tảo mộ Hoàng tuyền
Bóng tà dương viếng mả 
Đạm Tiên 
Theo vó Ký gặp chàng 
Kim Trọng
Nằm thoắt thấy thần nhân 
báo mộng
Số cô còn nhiều nợ phong ba
Sực tỉnh cơn tưởng nỗi niềm xa
Năm canh nguyệt ủ ê chiều 
liễu yếu
Đoạn tràng mộng lý căn 
duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán 
hận trường
Mối tơ vương xẩy cuộc 
tang thương
Người má phấn bên trời lưu lạc
Gẫm duyên cô mười lăm năm chếch mác
Phận hồng nhan nhiều nỗi 
gian truân
Trêu ngươi thay mấy tạo nhân?
So với Thơ Mới: 
Nén đau thương Vương ngậm ngùi sẽ kể
Niềm ngao ngán vô biên như trời bể
Ôi tấm gan bền chặt như 
Thái sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!
Ôi! Những trận mạc khiến “trời long đất lở”!
Những chiến thắng tưng bừng! những vinh quang rạng rỡ!
(Tiếng địch sông Ô - Huy Thông)
 
Như vậy, có thể nói giữa Thơ Mới và thể Hát nói có mối liên hệ với nhau. Có thể xem như một dòng mạch nối liền trong lịch sử văn học dân tộc. Mặc dù giai đoạn cuối thế kỷ XIX, dòng mạch đó rất nhỏ hẹp mà người có công lớn giữ cho dòng mạch đó không bị đứt quãng đó là Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh. Bởi như đã đề cập ở trên: Hát nói là một trong các thể của Ca trù có từ lâu, được hoàn thiện khi gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Công Trứ ở thế kỷ XVIII. Đến cuối thế kỷ XIX, các nhà nho tài tử Dương Khuê và Chu Mạnh Trinh đã góp phần đưa thể loại Hát nói lên đỉnh cao giá trị của nó, đóng góp lớn cho nền văn hóa Việt Nam.
 
(1)  Dương Thiệu Tống, 2005, Tâm trạng Dương Khuê, Dương Lâm, Nxb. KHXH, tr. 44.
(2)  Nguyễn Đức Mậu, 1999, Thể loại Hát nói trong sự vận động của lịch sử văn học, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Hà Nội, tr. 61.
(3)  Nguyễn Đức Mậu, 1999, tlđd, tr. 61.
(4)  Thanh Lãng, 1974, Bảng lược đồ Văn học Việt Nam, quyển hạ, Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945), Nxb. Trình Bầy, tr. 136.
(5) Phạm Thế Ngũ, 1998, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III (1862-1945), Nxb. Đồng Tháp, tr. 45-47.
(6) Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, 2003, Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 306.
(7) Trần Đình Sử, 2005, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 167.
 
NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG