Cổ vật cung đình triều Nguyễn ở Đà Lạt: Vàng son một thủa

10:07, 13/07/2017

62 năm trong vòng bí mật, vừa qua, những cổ vật của cung đình triều Nguyễn lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, số 4, Hùng Vương, TP Đà Lạt. Sự kiện này đã gây bất ngờ cho nhiều người bởi ít ai nghĩ rằng, trên thành phố cao nguyên lâu nay tồn tại một phần kho báu của vương triều Nguyễn và nó lại có số phận khá đặc biệt.

62 năm trong vòng bí mật, vừa qua, những cổ vật của cung đình triều Nguyễn lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, số 4, Hùng Vương, TP Đà Lạt. Sự kiện này đã gây bất ngờ cho nhiều người bởi ít ai nghĩ rằng, trên thành phố cao nguyên lâu nay tồn tại một phần kho báu của vương triều Nguyễn và nó lại có số phận khá đặc biệt.
 
Một số cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đ.Đông
Một số cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đ.Đông
Sau một thời gian lưu vong ở nước ngoài, năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại quay trở lại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3 năm 1946, trên cương vị cố vấn tối cao, Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) cùng đoàn ngoại giao của Chính phủ lâm thời Việt Nam sang Trùng Khánh, Trung Quốc nhằm củng cố tình hữu nghị Việt - Trung và thăm dò việc Tưởng Giới Thạch muốn hai nước sẽ có quan hệ như thế nào sau khi ký hiệp ước Hoa - Pháp. Dù đã thoái vị và được chính quyền cách mạng ưu ái nhưng cựu hoàng vẫn không từ bỏ được những ám ảnh về quyền lực. Bởi vậy, nhân chuyến công tác sang Trung Khánh, Vĩnh Thụy đã đào nhiệm, sống lưu vong, rồi sau đó trở về với cương vị là “Quốc trưởng” của cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” do người Pháp dựng lên.
 
Ngày 28/4/1949, chiếc phi cơ chở Bảo Đại từ Singapore đáp xuống Sân bay Liên Khương (Đà Lạt). Được sự nhất trí của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, ngày 15 tháng 4 năm 1950, Bảo Đại ký “Dụ số 6” thành lập “Hoàng triều cương thổ” gồm vùng đất 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay và một số tỉnh miền núi phía Bắc, thủ đô đặt là Đà Lạt. Tại “Hoàng triều cương thổ”, ngoài vai trò “Quốc trưởng” thì Bảo Đại vẫn là “Hoàng đế”. Cùng năm đó, một số chuyến bay từ Huế đưa các cựu thần, hoàng thân, quốc thích cùng nhiều bạc vàng, châu báu chuyển lên Đà Lạt. Trong đợt di chuyển ấy có chàng trai Nguyễn Đức Hòa, sinh năm 1929, quê làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, người hầu của bà Từ Cung (mẹ Bảo Đại) từ năm 13 tuổi. Tới Đà Lạt, Nguyễn Đức Hòa được giao nhiệm vụ quản gia của gia đình Bảo Đại. 
 
Những biến động dồn dập của lịch sử Việt Nam ngay sau đó khiến “Hoàn triều cương thổ” nhanh chóng sụp đổ. Năm 1955, khi đang công du tại Pháp, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm phế truất và phải sống lưu vong cho tới lúc chết. Lúc biến cố chính trị xảy ra, ông Nguyễn Đức Hòa đã gom một số vật dụng có giá trị của gia đình Bảo Đại đưa vào 4 két sắt và giấu tại nhà kho Dinh 3.
 
Giai đoạn 1955-1975, những người đứng đầu chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam tiếp tục sử dụng các dinh thự của gia đình Bảo Đại tại Đà Lạt để nghỉ dưỡng, làm việc. Ông Nguyễn Đức Hòa vẫn được trọng dụng giao làm quản gia, phục vụ các đời tổng thống khi họ lên Đà Lạt nghỉ và làm việc trong các dinh thự. Tuy nhiên, bí mật về kho báu của gia đình Bảo Đại đã được ông giấu kín. 
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Đức Hòa tiếp tục làm việc tại Dinh 3 (Đà Lạt) phụ trách thiết kế, bảo quản, chăm sóc nội thất dinh và hệ thống vườn hoa, cây cảnh. Sau khi ổn định công việc, ông quyết định báo cáo và đề nghị bàn giao toàn bộ kho báu của triều Nguyễn cho chính quyền cách mạng. Năm 1987, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, 4 két sắt tại nhà kho Dinh 3 lần đầu được mở. Ngay sau đó, toàn bộ kho báu đã được chuyển tới bảo quản trong kho lưu trữ của Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng.
 
Tháng 6/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định giao các cổ vật này cho Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng trưng bày phục vụ khách tham quan. “Sau khi tiếp nhận 124 cổ vật cung đình triều Nguyễn, chúng tôi đã mời các chuyên gia đầu ngành tiến hành kiểm định, chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học cho từng hiện vật và chọn ra 36 hiện vật tiêu biểu trưng bày phục vụ công chúng tham quan” - ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết.
 
Các cổ vật cung đình Nguyễn được bố trí tại tầng 3 của Cung Nam Phương, đây là dinh thự tại Đà Lạt do đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào tặng cho con gái là Nguyễn Hữu Thị Lan (tức hoàng hậu Nam Phương sau này) làm của hồi môn khi bà lấy chồng. Sau ngày giải phóng, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã bảo tồn và phục dựng toàn bộ nội thất, không gian sinh hoạt của gia đình Bảo Đại tại tầng 1 và tầng 2. Việc trưng bày không gian cổ vật cung đình Nguyễn tại tầng 3 giúp cho cảm xúc du khách được liền mạch và ấn tượng về “không gian hoàng gia” càng trở nên đậm nét.
 
Cổ vật cung đình Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng có niên đại khoảng thế kỉ XIX-XX, do Ngự xưởng - cơ quan chuyên đảm nhiệm việc sản xuất đồ dùng cho hoàng gia chế tác; hầu hết là đồ ngự dụng, thư phòng; làm bằng các chất liệu quý như bạc, ngọc, vàng, ngà voi, đồng. Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập bát và cốc nhiều kích cỡ được làm bằng bạch ngọc, ngọc lục bảo, đá mặt trăng, miệng bịt vàng, chạm trổ hoa văn. Bộ lư, đỉnh, lọ hoa, các tượng quan thế âm, tiên nữ, ngựa mẹ con, hươu... bằng ngọc đủ màu sắc cùng các họa tiết hoa lá, đầu rồng, nghê vô cùng tinh mỹ. Bộ ấm nấu nước, bát, chảo, nồi, bằng đồng, bạc, mạ vàng, có chiếc cán làm bằng ngà voi, hình khối cân đối, đường nét vừa khỏe khoắn vừa thanh thoát, chạm trổ hoa văn tinh xảo; bộ đồ dùng “văn phòng tứ bảo” gồm nghiên, bút, thủy trì, gác bút bằng ngọc; các thẻ bài thể hiện quyền lực của nhà vua và các thành viên trong hoàng tộc, những trấn phong bằng bạc khắc chữ Hán với họa tiết cung đình, cẩn đá ru-bi. “Chưa bàn đến yếu tố thẩm mỹ, chỉ riêng kĩ thuật chế tác đã cho thấy các nghệ nhân của cung đình Nguyễn đã đạt tới trình độ rất cao. Ví như để chế tác ra những chiếc đỉnh ngọc với rất nhiều chi tiết cầu kì, phức tạp như thân, chân đế, các đầu rồng, quai, các khoen tròn lồng trong quai… từ một khối ngọc lớn, rắn và dễ vỡ, trong khi công nghệ chế tác thời ấy chỉ bằng thủ công, đòi hỏi những kĩ thuật cầu kì, phức tạp” - một cán bộ bảo tàng chia sẻ. 
 
Tất cả các cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng đều là độc bản, có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế. Với những ai yêu mến, nặng lòng di sản văn hóa dân tộc thì không gian trưng bày cổ vật cung đình Nguyễn thực sự là điểm đến không thể bỏ qua đi đến với thành phố Đà Lạt.
 
VŨ ĐÌNH ĐÔNG