Người đó là Bản Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, một nhà chính trị, nhà quân sự và nhà văn. Cuốn "Nam triều công nghiệp diễn chí" viết năm 1719 đã khiến ông trở thành nhà văn đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết theo chương hồi.
Người đó là Bản Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, một nhà chính trị, nhà quân sự và nhà văn. Cuốn “Nam triều công nghiệp diễn chí” viết năm 1719 đã khiến ông trở thành nhà văn đầu tiên của Việt Nam viết tiểu thuyết theo chương hồi.
Có một chuyện lạ, Nguyễn Khoa Chiêm quê Hương Trà, nhưng ông lại được người dân làng An Cựu (Huế) thờ cúng. Nguyên do bởi vị quan công minh Nguyễn Khoa Chiêm đã trực tiếp đứng ra phân xử việc kiện tụng đất đai có nguy cơ dẫn đến chém giết đổ máu giữa các họ đồng tộc và các họ khai khẩn trong làng An Cựu. Kết quả ông đã dàn xếp, hòa giải thấu tình đạt lý, được dân làng kính phục. Để cảm tạ công ơn, Hội đồng hương trưởng và con dân làng An Cựu đã cắt tặng cho ông 10 mẫu đất ruộng. Không nỡ từ chối tình nghĩa dân làng, nhưng ông cũng chỉ xin nhận phần đất đồi (sau này trở thành nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Tứ Tây, thành phố Huế). Và tuy không phải là người có công khai canh làng An Cựu, nhưng ông vẫn được dân làng xếp vị trí thứ 10, trong 10 họ Chánh tôn được thờ ở Hiệp tự từ đường làng An Cựu và được dân làng tổ chức cúng tế chung vào ngày rằm tháng 8 hàng năm.
Nguyễn Khoa Chiêm được biết đến như một vị công thần phụng sự qua hai đời chúa Nguyễn. Là người có tài xuất chúng, đã có nhiều công lao trong việc phò chúa, giúp nước, giúp dân được chúa Nguyễn rất tin dùng. Sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên chép:
“Trần Đình Ân (sau này là cha vợ ông Chiêm) từng nói trước mặt chúa rằng Chiêm là người có tài. Chúa bèn tin dùng. Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714), Chiêm cùng Ký lục Nguyễn Đăng Đệ bàn việc chuyên chở bằng thuyền và định mức thu tô thuế hàng năm để sung việc chi dùng của nhà nước. Ất Mùi năm thứ 24 (1715) thăng chức Câu kê kiêm Tri bạ, được dự bàn việc quân cơ. Mậu Tuất năm thứ 27 (1718) thăng chức Cai bạ phó đoán sự. Giáp Thìn năm thứ 33 (1724) thăng chức Tham chính Chánh đoán sự.
Đến khi tuổi già, Chiêm về trí sĩ ở quê nhà. Một hôm tắm gội, mặc triều phục trông về phía cửa khuyết (phủ chúa) lạy hai lạy rồi lên giường nằm mà mất (năm 1736, thời chúa Nguyễn Phúc Chú)... Sau khi mất, được tặng hàm Đại lý Thượng khanh, được ban tên thụy là Thuần Hậu.
Ông thọ 78 tuổi. Di sản văn hóa Nguyễn Khoa Chiêm để lại là bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng “Nam triều công nghiệp diễn chí”. Tác phẩm này ông biên soạn vào khoảng năm 1719, được Dương Thận Trai đề tựa, Nguyễn Giản viết lời bạt và Dương Công Tòng nhuận chính rồi đổi tên thành Việt Nam khai quốc chí truyện. Nguyễn Khoa Chiêm đã sử dụng lối kể chuyện lịch sử chương hồi vốn được nhân dân ta ưa thích. Thể loại văn học này có ưu thế rõ rệt trong việc tái hiện những môi trường lịch sử - xã hội rộng lớn.
Bộ sách gồm 2 tập, mỗi tập có 8 quyển, tổng cộng 30 hồi, phản ánh khá trung thực sự nghiệp khai phá Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Truyện bắt đầu từ thời điểm Nguyễn Hoàng dẫn thủy quân vào đánh nhau với các tướng nhà Mạc để giành vùng Thuận Hóa năm 1558. Sau khi giành được, Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ phiên thần đối với vua Lê - chúa Trịnh nhưng vẫn âm thầm xây dựng cơ đồ ở phương Nam. Tiếp đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nổ ra sự kiện Nguyễn Khải kéo quân vào bờ bắc sông Nhật Lệ khơi mào thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chúa Nguyễn củng cố thế đứng, thu nhận nhiều người từ Bắc Hà vượt sông vào, đương cự với chúa Trịnh với tám lần đại chiến từ năm 1627 tới tận 1672. Nhiều nhân vật tài giỏi về quân sự - chính trị nổi lên như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, chúa Trịnh Tráng, Trịnh Căn, Trịnh Tạc... Hai phe sau đó đi vào thế đình chiến, sau một thời gian dài đánh nhau tổn thất nhân lực và của cải nặng nề.
Song song với miêu tả cuộc chiến, truyện còn miêu tả lại nhiều sự kiện đáng chú ý ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nội bộ Đàng Ngoài, thường xuyên bất ổn với đủ vụ tranh chấp quyền vị trong nội bộ nhà chúa Trịnh và các vua Lê, các vụ mưu phản của thuộc tướng như Phạm Ngạn, Bùi Văn Khuê, các tướng họ Trịnh... Ở Đàng Trong là nhiều lần tranh chấp đổ máu trong nội bộ chúa Nguyễn, như chúa Nguyễn Phúc Nguyên với anh em ruột Phúc Hiệp và Phúc Trạch, chúa Nguyễn Phúc Lan với em mình là Nguyễn Phúc Anh và quá trình Nam tiến về Chân Lạp, Chiêm Thành của các chúa Nguyễn. Truyện không quên miêu tả đời sống điêu đứng của dân chúng trong thời kỳ này với tình cảnh bị buộc phải chiến đấu dưới ngọn cờ hai chúa. Truyện kết vào khoảng năm 1689, đời Ngãi vương Nguyễn Phúc Tần.
Đây là cuốn tiểu thuyết có giá trị lịch sử cao. Sử gia đầu tiên sử dụng tác phẩm này là Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí ông có viết:
“Nguyễn Bản Trung trong Nam Việt chí có viết: Nặc Ô Đài, Lê Quý Đôn Phủ Biên Tạp lục viết Nặc Đài”. Nam Việt chí ở đây chính là
Nam triều công nghiệp diễn chí. Về sau, trong quá trình biên soạn lịch sử của mình Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dùng một bản của Nam triều công nghiệp diễn chí để biên soạn Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.
Năm 1986, dịch giả Ngô Đức Thọ tìm mấy bản để so sánh rồi dịch sang quốc ngữ lần đầu với tên
“Trịnh - Nguyễn diễn chí”. Sau đó, Ngô Đức Thọ chỉnh sửa và xuất bản lại tác phẩm này, với tên lần lượt là
Mộng bá vương (bản 1987 và 1990), Việt Nam khai quốc chí truyện (bản 1994) và cuối nhất lấy tên gốc là Nam triều công nghiệp diễn chí ở bản 2003.
Từ điển văn học (bộ mới) nhận xét: Đây có thể coi là tác phẩm mở đầu cho thể loại tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại… Trên nền những sự kiện lịch sử thế kỷ 16 - 17, thân thế, hành trang, tính cách của nhiều nhân vật lịch sử cũng hiện lên khá rõ. Ở một số trường hợp, tác giả đã sử dụng lời đối thoại để góp phần làm bộc lộ tính cách, mưu lược của nhân vật... Dưới mỗi sự việc có ý nghĩa, tác giả ghi một bài thơ thất ngôn bát cú bình luận, cảm thán, làm dịu đi không khí căng thẳng của chiến trận, góp phần đem lại ít nhiều sắc thái trữ tình cho tác phẩm”.
Sau gần ba thế kỷ, “Nam triều công nghiệp diễn chí” của Nguyễn Khoa Chiêm là dư âm của thời nội chiến Trịnh - Nguyễn đau thương và những bài học của nó. Nhưng lịch sử luôn luôn đi tới, mang theo khát vọng của nhân dân mong muốn xây dựng đất nước thịnh vượng thái bình. Giá trị văn học, sử học, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm cũng chính bởi đã hàm chứa khát vọng đó của dân tộc.
Hiện nay ở Huế có con đường mang tên Nguyễn Khoa Chiêm nằm trên địa bàn phường An Tây với chiều dài khoảng 1.500 m. Con đường đó dẫn đến mộ ông cùng vợ (bà Trần Thị Mận), tọa lạc tại thôn Tứ Tây, phường An Tây, thành phố Huế. Mộ hai vợ chồng ông hình chữ nhật, quay về hướng Nam. Cách đó khoảng 18 m là mộ cải táng của danh thần Nguyễn Khoa Đăng. Toàn thể khu mộ này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích ngày 18 tháng 1 năm 1993.
HỒ HOÀNG THẢO