Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và hiệu quả

09:07, 27/07/2017

Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên thường xuyên có các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp...

Quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên thường xuyên có các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp. Trong năm 2016, hai bên trao đổi khoảng 350 đoàn, trong đó có 130 đoàn từ cấp Thứ trưởng trở lên. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm hữu nghị chính thức Lào tháng 11/2016.
 
Bàn giao Trường Mẫu giáo bản Dọ, quà tặng của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho tỉnh Phongsaly. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Bàn giao Trường Mẫu giáo bản Dọ, quà tặng của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho tỉnh Phongsaly. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Quan hệ hợp tác Việt - Lào trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục được củng cố, tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu; các tồn tại, hạn chế từng bước được khắc phục; việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2016 đã ký giữa hai Chính phủ về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.
 
Quan hệ chính trị Việt Nam-Lào ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và việc giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã hỗ trợ có hiệu quả cho Lào trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016 và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016...
 
Hai bên phối hợp tốt trong hợp tác về quốc phòng-an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào ổn định và phát triển toàn diện; đấu tranh hiệu quả chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy...
 
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Đến nay, vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt khoảng 5,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào (tổng vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 1,5 USD, chiếm 30% tổng vốn đăng ký). Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội, giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao.
 
Trong năm 2016 đã có thêm một số dự án lớn được đưa vào vận hành khai thác, nổi bật là: Thủy điện Xê-ka-mản 1 đã hoàn thành và phát điện; Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn cũng kịp thời hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ khách Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016. Hoạt động xúc tiến đầu tư được thúc đẩy như: Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít gặp gỡ và đối thoại với gần hai trăm doanh nhân Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào (tháng 10/2016).
 
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào năm 2016 ước đạt 801 triệu USD, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 342 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 459 triệu USD. Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh gồm: Hội chợ thương mại Việt-Lào năm 2016 tại Thủ đô Viêng Chăn vào tháng 7; Hội nghị thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ X tại tỉnh At-ta-pư (Lào) vào tháng 9; ký thỏa thuận hợp tác về thành lập website kinh tế - thương mại Việt Nam - Lào tháng 11/2016…
 
Hiệp định Thương mại song phương mới và Hiệp định Thương mại biên giới được hai bên tích cực phối hợp triển khai. Các cơ chế ưu đãi về thuế suất, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện; Danh mục các mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0% ngày càng mở rộng.
 
Về giao thông vận tải, hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hai ngành giao thông vận tải đã thống nhất Kế hoạch 5 năm (2016-2020) thực hiện Bản ghi nhớ này; hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn và ký kết Thỏa thuận về Đầu tư xây dựng dự án (tháng 11/2016); đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2016, số du khách Lào đến Việt Nam đạt 100.284 lượt người. Số du khách Việt Nam thăm Lào đạt 760.500 lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Quan hệ hợp tác về y tế tiếp tục phát triển, nhất là giữa các tỉnh giáp biên. Việt Nam vừa động thổ xây dựng 2 bệnh viện hữu nghị mới tại tỉnh Hủa Phăn trị giá khoảng 20 triệu USD và tại tỉnh Xiêng Khoảng trị giá 17,6 triệu USD.
 
Hợp tác đào tạo dưới nhiều loại hình ngày càng mở rộng, được hai chính phủ quan tâm, ưu tiên và được các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam hỗ trợ có hiệu quả bằng nguồn lực của mình. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Lào; các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được quan tâm đầu tư nâng cấp.
 
Chất lượng học tập lưu học sinh Lào theo diện Hiệp định có chuyển biến tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, số lưu học sinh Lào đang có mặt học tập tại Việt Nam là hơn 14.000 người, trong đó diện hiệp định hơn 3.400 người.
 
Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn thể và các tổ chức nhân dân... tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, ký kết các biên bản hợp tác. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học xã hội, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, bảo tàng, du lịch… được hai bên quan tâm chú trọng.
 
Quan hệ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các địa phương có chung đường biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
 
Các dự án ODA của Việt Nam dành cho Lào về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của tiến độ đề ra với 2 dự án đã hoàn thành: Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng; Đài Phát thanh - Truyền hình tại tỉnh U-đôm-xay. Hai Ủy ban hợp tác hai nước đã phối hợp tiến hành các đợt kiểm tra thực địa tại Lào vào tháng 5 và tháng 11 năm 2016; kịp thời kiểm tra giám sát chất lượng và đôn đốc tiến độ triển khai dự án.
 
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược ở khu vực.
 
Hai bên tiến hành kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào tại Hà Nội, nhằm tiếp tục khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại là không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước, thống nhất chỉ đạo triển khai các thỏa thuận cấp cao, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trong thời gian tới.
 
(Theo Tuyengiao.vn)