Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi ở khu vực
|
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam tham gia ASEAN tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu |
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nâng hợp tác chính trị, an ninh lên một tầm cao mới
Tuyên bố hòa hợp ASEAN II (Tuyên bố Bali II) được các lãnh đạo ASEAN ký tại Cấp cao ASEAN lần thứ 9 (tháng 10/2003), xác định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 (đẩy nhanh vào 31/12/2015); trong đó, Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) là một trụ cột (sau này đổi thành Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC). APSC có nền tảng là những thành quả hợp tác chính trị - an ninh mà ASEAN đã đạt được kể từ khi Hiệp hội được thành lập năm 1967.
Bước sang thế kỷ 21, ASEAN phải đối mặt với những thách thức cả an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, các nước ASEAN đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị và an ninh để ứng phó hiệu quả với các thách thức, duy trì môi trường khu vực hòa bình, ổn định thuận lợi cho tăng cường liên kết kinh tế và hợp tác khu vực. Sáng kiến thành lập APSC đã được Indonesia đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN tháng 4/2003.
Ý tưởng của Indonesia được các nước đánh giá khá tích cực do xuất phát từ lợi ích và nhu cầu thực sự của cả Hiệp hội. Tuy nhiên, các nước đều cho rằng nội dung cụ thể của sáng kiến còn khá “táo bạo” đối với ASEAN và cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hợp tác ASEAN và chính sách của mỗi nước thành viên. Theo đó, các nước ASEAN đã cùng bàn thảo, điều chỉnh và đi đến thống nhất về xây dựng APSC, cùng với Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN, tạo thành ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Mục tiêu của APSC là nhằm nâng hợp tác chính trị, an ninh lên một tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp của các đối tác bên ngoài, nhằm bảo đảm cho các nước ASEAN chung sống hòa bình với nhau và với thế giới bên ngoài trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp. APSC không phải là một khối quân sự, không nhằm tới một liên minh quân sự hay có chính sách đối ngoại chung. APSC sẽ thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về an ninh, gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường; tăng cường hợp tác chính trị, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung; thúc đẩy xu hướng không sử dụng vũ lực và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; rộng mở quan hệ với các đối tác, các tổ chức bên ngoài và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Theo Kế hoạch tổng thể, APSC khi hoàn thành sẽ gồm 3 đặc điểm chính (thành tố chính): (i) Một Cộng đồng hoạt động theo luật lệ trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực chung; (ii) Một khu vực gắn kết, hòa bình, ổn định và tự cường, chia sẻ tránh nhiệm vì một nền an ninh toàn diện; (iii) Một khu vực năng động, rộng mở với bên ngoài trong một khu vực ngày càng liên kết chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau.
Để hoàn thành mục tiêu APSC với các đặc điểm nêu trên, các nước ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sau:
(1) Hợp tác chính trị với các nội dung chính là tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin giữa nhân dân các nước, nâng cao hiểu biết về lịch sử, xã hội, thể chế chính trị của từng nước ASEAN,…
(2) Xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung vì đoàn kết và hợp tác ở khu vực, thông qua việc củng cố và phát huy các công cụ chính trị như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các văn kiện then chốt khác.
(3) Ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin nhằm giảm nhẹ căng thẳng, ngăn ngừa xung đột mới nảy sinh cũng như ngăn các tranh chấp chưa được giải quyết bùng phát thành xung đột; nâng cao minh bạch và chia sẻ thông tin về chính sách an ninh - quốc phòng; tạo khuôn khổ cho hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, an ninh của các nước ASEAN...
(4) Giải quyết hòa bình xung đột và tranh chấp, ASEAN sẽ tiếp tục củng cố các công cụ, khuôn khổ chính trị ở khu vực, để bảo đảm mọi tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên, cũng như giữa các nước thành viên với bên ngoài, phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình,...
(5) Kiến tạo hòa bình sau xung đột, với các nội dung như tăng cường cứu trợ nhân đạo, giúp phát triển nguồn nhân lực, hợp tác về hòa giải và thúc đẩy các giá trị hòa bình…
(6) Tăng cường hợp tác trong ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán người, ma túy, các nhóm tội phạm hoạt động xuyên biên giới, buôn bán vũ khí, tội phạm mạng, cướp biển,...
(7) Quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp: nâng cao hiệu quả cảnh báo sớm, tăng cường hợp tác quân - dân sự khi có thiên tai, đơn giản hóa thủ tục cho việc các nước ASEAN cung cấp cứu trợ tới các vùng bị ảnh hưởng trong khu vực,…
(8) Ứng phó kịp thời với các vấn đề khẩn cấp hay tình hình khủng hoảng ảnh hưởng tới ASEAN.
(9) Tăng cường thúc đẩy các quan hệ hợp tác cùng có lợi với các đối tác bên ngoài, để tranh thủ các đối tác đóng góp vào hòa bình, an ninh ở khu vực và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, trong đó có trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh.
Kèm theo đó là danh mục 75 hoạt động cụ thể để xây dựng APSC. Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác về các vấn đề đa phương cùng quan tâm tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác.
Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng APSC, cùng các nước thành viên “chèo lái” con thuyền ASEAN đi đúng hướng; chủ động đề xuất và thúc đẩy ASEAN xây dựng nhiều quyết sách, định hướng cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh chung để cùng nhau ứng phó với những thách thức, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh, hòa bình cho khu vực và quốc tế.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã chủ trì bàn bạc với ASEAN và tham vấn các đối tác, thúc đẩy đồng thuận mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia; đồng thời, khởi xướng và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất. Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN định hình, tạo đường ray và động lực cho “con tàu” vận hành phù hợp với lợi ích an ninh và hợp tác khu vực, mở ra một kênh đối thoại và hợp tác quốc phòng đa phương, hiệu quả và thực chất nhất hiện nay tại khu vực.
Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên triển khai các mục tiêu còn lại của kế hoạch tổng thể APSC; tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN; chủ trì thành công diễn đàn biển ASEAN (AMF) và diễn đàn biển ASEAN mở rộng (LAMF), góp phần nâng cao vai trò của diễn đàn đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn biển cũng như tự do hàng hải trong khu vực và tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác về phòng chống khủng bố và các loại tội phạm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với vai trò của mình, Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp” xây dựng, định hình luật chơi chung, góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
(CÒN NỮA)