Việt Nam tham gia tích cực các trụ cột cộng đồng ASEAN (tiếp theo)

08:08, 24/08/2017

Quyết định xây dựng AEC vào năm 2020 trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II - tháng 10/2003) ghi rõ: Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội. 

[links()]
Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao
 
Quyết định xây dựng AEC vào năm 2020 trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II - tháng 10/2003) ghi rõ: Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Philíppin, tháng 1/2007 đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế, từ năm 2020 xuống năm 2015. 
 
AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài. 
 
Kế hoạch tổng thể về AEC đã được các nước thông qua với bốn nội dung chính, đồng thời là yếu tố cấu thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN: 
 
(1) Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
 
(2) Một Khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
 
 (3) Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
 
 (4) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO). 
 
Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử... Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là hỗ trợ các nước thành viên gia nhập sau, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
 
ASEAN cũng nhất trí xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết với lộ trình hoàn thành đến năm 2010, đó là: Hàng nông sản; ô tô; điện tử; nghề cá; các sản phẩm từ cao su; dệt may; các sản phẩm từ gỗ; vận tải hàng không; thương mại điện tử ASEAN; chăm sóc sức khỏe; du lịch và Logistics.
 
Đối với cộng đồng ASEAN, việc thành lập AEC sẽ kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với các khu vực, các nền kinh tế, các tổ chức kinh tế lớn, nhất là các nước lân cận như Trung Quốc và Ấn Độ; góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng của khu vực cũng như tạo ra các cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên.
 
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy việc thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với ASEAN, Việt Nam quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất để triển khai các cam kết, chương trình, sáng kiến hướng tới mục tiêu thành lập AEC vào cuối năm 2015, đặc biệt là các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. 
 
Khi AEC thành lập, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận thị trường sẽ được cải thiện nhờ việc không ngừng mở rộng bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ, cắt giảm thuế quan cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế, góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp địa phương cũng có cơ hội để mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực; không những thế còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN và một số nước khác thông qua các thỏa thuận Thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ.
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, một địa phương có khí hậu mát mẻ nằm trong khu vực nhiệt đới, những mặt hàng nông sản ôn đới, du lịch là những lợi thế khi tham gia vào AEC. Vấn đề đặt ra là ngoài các chính sách của tỉnh, các doanh nghiệp địa phương phải chủ động tìm hiểu, thâm nhập vào thị trường khu vực để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa có tính đặc trưng của mình.
 
Tuy nhiên, khi AEC chính thức có hiệu lực, bên cạnh thời cơ, kinh tế Việt Nam cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức như: AEC hoạt động sẽ tạo ra một sự dịch chuyển mới về nhiều mặt trên lĩnh vực kinh tế, mà rõ nét nhất là phân phối lại thị trường hàng hóa, đặc biệt hàng tiêu dùng với giá cả tương đối cạnh tranh sẽ tràn sang lấn sân hàng Việt Nam; chăn nuôi gặp khó khăn do năng suất, chất lượng thấp mà giá thành lại cao; các nông sản khác và đặc biệt là trái cây của Việt Nam do số lượng, chất lượng và giá bán nên không chỉ khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu mà cả trong việc giữ thị trường nội địa; năng suất lao động, kỹ năng chuyên môn, trang bị công nghệ, máy móc hiện đại, tự động hóa đang làm mất dần lợi thế lao động giá rẻ; cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ tiềm lực kém, khả năng cạnh tranh thị trường yếu sẽ phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn từ hội nhập kinh tế khu vực, rất dễ bị đào thải bởi các quốc gia trong khu vực ASEAN có nhiều điểm tương đồng trong sản xuất các mặt hàng và các lĩnh vực thế mạnh… Mặc dù là vậy, nhưng xét một cách tổng thể, AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung. 
 
Để tận dụng tốt cơ hội lớn, khắc phục khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa cải cách trong nước nói chung, cải cách thể chế nói riêng, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế; tiến hành tái cơ cấu - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển trên tất cả các các lĩnh vực, nhất là trình độ khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao và năng lực cạnh tranh… Đó là những vấn đề cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập AEC. Đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…
 
Với tinh thần đó, Việt Nam sẽ tiếp tục những nỗ lực, cùng các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân trong khu vực.
 
(CÒN NỮA)
 
KHÁNH LINH