Khi tôi viết về những dòng này, thầy đã đi xa, ông về với cỏ cây, với cát bụi. Tôi vẫn thường gọi thầy Ðoàn Văn Thiệp bằng anh chứ không gọi bằng thầy như những người thầy giáo đã dạy tôi trong đời. Bởi lẽ những ngày sống ở chiến khu, chúng tôi vẫn xưng hô anh và em.
Khi tôi viết về những dòng này, thầy đã đi xa, ông về với cỏ cây, với cát bụi. Tôi vẫn thường gọi thầy Ðoàn Văn Thiệp bằng anh chứ không gọi bằng thầy như những người thầy giáo đã dạy tôi trong đời. Bởi lẽ những ngày sống ở chiến khu, chúng tôi vẫn xưng hô anh và em.
|
Ông Đoàn Văn Thiệp |
Người biết rõ về thân thế và sự nghiệp của anh là kỹ sư Nguyễn Hữu Tranh “Nhà Đà Lạt học”. Khi nghe tôi đặt vấn đề viết về anh Thiệp, anh Tranh đồng ý và tham gia rất nhiệt tình. Theo lời anh Tranh kể lại: “Anh Đoàn Văn Thiệp quê gốc Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thời tuổi trẻ anh là học sinh Trường Trung học Thăng Long (cấp 2), các thầy của anh là ông Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Anh rất kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị giáo sư môn Sử địa, anh còn lưu giữ học bạ với lời khen và chữ ký của thầy giáo.
Thời gian sau anh thi đậu vào trường Bưởi. Năm 1940, sau khi đỗ thủ khoa tú tài bậc 1, anh cùng bạn bè trong tổ chức hướng đạo sinh thám hiểm núi Phan - Xi - Păng, khi về nhà anh bị sốt rét rừng nên phải bỏ học. Từ đó anh qua Phnôm Pênh (Campuchia) sống với người anh. Tại đây, anh làm nghề chụp ảnh, quay phim, anh đã từng vào hoàng cung để quay phim, chụp hình cho hoàng tộc và quốc vương Sihanouk. Thành công nhất trong những năm tháng sống trên đất nước Chùa Tháp, bằng kiến thức và tâm huyết anh đã dùng máy quay phim 16 ly ghi lại cảnh hoàng hôn trên Biển Hồ (Tonlesap) và cảnh sinh hoạt về cuộc sống của ngư dân Khmer trên sông nước. Với chiếc máy quay cổ lỗ sĩ này anh đã ghi lại toàn cảnh nền văn minh Angkor rực rỡ, được xây dựng từ thế kỷ thứ 12 của đất nước Chùa Tháp. Những hình ảnh về con đường lớn dẫn vào 5 ngọn tháp cao vút của đền Angkorwat (biểu tượng của đất nước Campuchia), đến tượng những chàng lực sĩ lôi con rắn khổng lồ làm hàng rào lối vào đền 4 mặt người vĩ đại bằng đá đền Ankorthom (hay còn gọi là Đế Thích) là thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của người Khmer được mở rộng vào cuối thế kỷ thứ 12. Những thước phim này được đại diện của hãng hàng không Air France ở Phnôm Pênh rất thích và đổi cho anh chiếc máy quay phim mới, họ đem phim về Pháp sử dụng trong việc quảng cáo.
Mùa hè năm 1955, anh trở về quê hương Việt Nam đi du lịch, lên Đà Lạt cắm trại trên đồi Cù. Tại đây, anh đã gặp anh Phan Bôi, huynh trưởng hướng đạo Lâm Viên, Hiệu trưởng Trường Trung học tư thục Trần Quốc Toản (đây là trường tư thục đầu tiên ở Đà Lạt dạy chương trình tiếng Việt). Trường nằm ở vị trí Công ty Thực phẩm Lâm Đồng ngày nay (4b Bùi Thị Xuân). Anh được anh Bôi mời về giảng dạy cho trường, anh vui vẻ nhận lời. Sau đó, anh trở lại Phnôm Pênh thu xếp việc gia đình làm thủ tục hồi hương. Đây có lẽ là mối cơ duyên, một bước ngoặc trong cuộc đời anh, để sau này anh trở thành một công dân, một trí thức yêu nước trên đất Đà Lạt.
Khi Trường Trung học tư thục Bồ Đề thành lập (nay là trường PTTH Nguyễn Du), anh về giảng dạy môn Lý hóa, vạn vật (sinh), vẽ và thủ công. Sinh hoạt trong gia đình Phật tử anh là đoàn phó đoàn thiếu niên gia đình Phật tử Lâm Viên, ủy viên tu thư ban hướng dẫn gia đình Phật tử Đà Lạt - Tuyên Đức, phụ trách in xuất bản tập san “Hoa Niên”. Thời gian này, ông Bùi Diễm nguyên là đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ có đến gặp anh. Hai người là bạn thân thời thơ ấu, ông Bùi Diễm khuyên anh về Sài Gòn làm việc cho Bộ Thông tin, anh từ chối và nói với ông đại sứ một cậu ngạn ngữ của người Pháp “Vivre caché, Vivre heureux” (sống ẩn dật, sống hạnh phúc). Về sau anh Mười Thiệp xuống Sài Gòn, không làm việc cho chế độ cũ, mà giúp Thượng Tọa Thích Minh Châu quản lý viện đại học Vạn Hạnh.
Sau cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân (1968), tinh thần yêu nước của nhân dân khắp nơi, nhất là những đô thị lớn ở miền Nam trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, ngày càng dâng cao. Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch nhằm tập hợp đội ngũ trí thức yêu nước, tu sĩ các giáo phái, sĩ quan quận đội Sài Gòn… tham gia đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ông Huỳnh Minh Nhựt, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức, đã gặp anh Tranh đề nghị anh giới thiệu một vài nhân sĩ, trí thức có uy tín trong lòng nhân dân Đà Lạt. Anh Tranh đã gợi ý một số trí thức có xu hướng dân tộc nhưng các vị này đều có gia đình nên không thể thoát ly lên chiến khu chỉ có một người đủ điều kiện lên chiến khu được đó là anh Mười Thiệp, là giáo sư hiện tại anh đang sống và làm việc ở Sài Gòn.
Ông Nhựt rất mừng nói với anh Tranh “Em viết ngay một lá thư gửi cho anh Mười Thiệp, sau đó anh sẽ tìm cách chuyển thư”. Lúc này ông Chế Đặng là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương là người nhận và đích thân trực tiếp cầm thư của anh Tranh về trao lại cho ba anh ở ấp Hòa Bình (xã Lạc Nghiệp - Đơn Dương). Ba anh Tranh là cơ sở hậu cần của ta trong kháng chiến chống Mỹ. Người trực tiếp cầm thư xuống trường đại học Vạn Hạnh gặp anh Mười Thiệp. Tháng 5/1969, anh Mười Thiệp từ nhà ba anh Tranh theo các chiến sĩ giải phóng quân lên chiến khu đóng căn cứ ở miền Tây huyện Anh Dũng, tỉnh Ninh Thuận.
Tháng 7/1969, Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Đà Lạtw được thành lập. Anh Đoàn Văn Thiệp được bầu làm Chủ tịch. Thời gian này tôi (tác giả) ở văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Đức, nên có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với anh Mười Thiệp. Tôi nhớ nhất hình ảnh một ông già mang kính cận, suốt ngày cặm cụi ngồi xếp hình, cắt hình. Tôi hỏi anh “Cái này để làm gì?”. Anh giải thích đây là trò chơi Trí Uẩn cho trẻ con. Từ chỗ xếp hình 7 miếng mình cải tiến thêm 2 miếng thành 9 miếng”. Trò chơi Iverto ghép nhiều hình đồ vật, thú vật màu sắc sinh động hơn. Sau ngày giải phóng anh dạy thử nghiệm tại Trường Mầm non 3 Đà Lạt và phổ biến trên báo Khăn Quàng Đỏ.
Trước khi tôi đi học lớp phóng viên ở trung ương cục có đến chỗ anh Mười học tiếng Khmer. Thời gian quá ngắn, vì còn phải đi công tác, còn phải đi sản xuất nên học được chữ nào sau lại quên mất. Cuối cùng anh bảo tôi lấy giấy bút ghi từng chữ Khmer phiên âm qua chữ Việt để tôi phát âm cho đúng và dễ nhớ. Dọc đường hành quân trên đất Chùa Tháp, đi qua các vùng nông thôn tôi đã vào Phum, Sóc hỏi mua, xin trái bí, trái bầu, bà con Khmer nghe tôi nói tức cười và cho không lấy tiền.
Tôi về lại chiến trường khu 6 ở Bình Thuận, gặp lại anh Mười ở ban tuyên huấn khu. Sau những lần đi chiến dịch về, tôi thường đến lán của anh Mười để học hỏi thêm về kỹ thuật chụp ảnh, quay phim, có những điều tôi chưa hề biết tới. Anh đã tận tình giảng giải những con số ghi trên ống kính để tôi hiểu thêm về kỹ thuật máy ảnh. Ngoài ra, anh còn độ chiếc máy phóng ảnh từ một nòng súng trường AR.15 làm trục đứng, dùng vỏ bom để làm giá đỡ cho máy ảnh. Từ đó chúng tôi phóng được ảnh lớn để làm triển lãm trong các kỳ đại hội.
Sau ngày giải phóng anh Mười về lại Đà Lạt được bầu vào Ủy viên MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt. Năm 1979, anh cùng kỹ sư Nguyễn Mậu Tài và một số chuyên viên bắt tay xây dựng Ban Khoa học và kỹ thuật - tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng.
Dân gian có câu “Một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy”, với anh Mười Thiệp tôi chưa chính thức là học trò của anh, nhưng qua cách hướng dẫn (cầm tay chỉ việc), tôi vẫn tâm niệm đó là người thầy của mình. Một anh Mười mẫn cán, mẫu mực, một người thầy tâm huyết, sống rất khiêm tốn, giản dị. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cho khoa học và nhất là những công việc thầm lặng để mở mang kiến thức cho trẻ em. Tiếc rằng những nghiên cứu của anh trong chiến tranh bị thất lạc, nên không được phổ biến rộng rãi.
VÕ TRẦN PHÚ