Nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày tết của Vương triều Nguyễn

09:02, 16/02/2018

Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là ngày hội cổ truyền lớn nhất của dân tộc mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc, là dịp để mọi người tri ân gốc tích cội nguồn của mình. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Các vua triều Nguyễn khi xưa cũng đặc biệt quan tâm đến việc thờ cúng mỗi khi tết đến, xuân về.

Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là ngày hội cổ truyền lớn nhất của dân tộc mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc, là dịp để mọi người tri ân gốc tích cội nguồn của mình. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Các vua triều Nguyễn khi xưa cũng đặc biệt quan tâm đến việc thờ cúng mỗi khi tết đến, xuân về.
 
Lễ cúng tổ tiên tại Thế tổ miếu triều Nguyễn. Ảnh: T.Q
Lễ cúng tổ tiên tại Thế tổ miếu triều Nguyễn. Ảnh: T.Q
Với quan niệm: “Tết Nguyên đán là một trong ba tết lớn (Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ và Tết Vạn thọ - tức sinh nhật vua), theo điển lễ quốc triều ngày tết có lễ chầu các miếu, thật là hết ý tôn kính tổ tông, các đời giữ phép sẵn ấy đến 300 năm”, chính vì vậy mà ngay từ giữa tháng chạp (tức là tháng 12 âm lịch), hoàng cung triều Nguyễn tiến hành đi chạp mã tổ tiên. Tham dự đoàn tùy tùng còn có các vị quan đầu triều, các con em trong họ tộc Tôn thất. Đây là công việc được thực hiện thường niên từ dưới triều các chúa Nguyễn.
 
Sau đó, các vua triều Nguyễn hạ lệnh cho bộ Lễ lập danh sách các đức công, hoàng đệ, hoàng tử cùng các quan văn võ, viên nào dự vào ban nhiếp tế, thừa tế trong dịp Tết Nguyên đán đều phải mang đủ áo mũ đại triều. Nếu ai không có công việc chính đáng, mà kiếm cớ thoái thác bỏ thiếu, thì quan kiểm soát về nghi lễ tham hặc tâu lên, phạt tội. Bên cạnh đó, bộ Lễ cũng phải liệt kê chi tiết các lễ phẩm cần thiết để chuẩn bị dâng lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày tết. Ngoài mâm cỗ nấu theo quy định, đặc sản trái cây các tỉnh cung tiến vào, vua Minh Mạng còn xuống dụ: “Hằng năm gặp tiết Chính đán ở các miếu, có lệ tiến và gia tiến các hạng mâm giấy vàng bạc và hòm giấy, kho giấy, đã tiết thứ chuẩn bị thành quy thức. Nay, chuẩn định trước bàn mỗi vị tiên đế 1 bộ đồ mã cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc. Các vị hoàng hậu mỗi vị 1 bộ đồ mã cửu phượng, áo nữ bào hài, đai ngọc, đều có khăn bịt chân tóc, xiêm, giày hài và hòm đựng tùy đủ. Đến ngày tất niên, bày biện để thờ”.
 
Đến ngày tất niên (tức ngày 30 tết), triều Nguyễn sẽ cử hành lễ Cáp hưởng, đây là một trong những nghi lễ hết sức quan trọng đối với hoàng cung. Lễ Cáp hưởng tức là lễ mời vong linh các vị tiên đế về cùng “ăn Tết” với triều đình. Đích thân nhà vua sẽ đến Thái miếu hoặc Thế miếu làm chủ lễ. Triều Nguyễn quy định những năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, vua thân hành đến Thế miếu làm lễ. Năm còn lại Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi, vua tới Thái miếu làm chủ tế. Các Hoàng tử, hoàng thân sẽ thay vua tế ở các miếu khác.
 
Lễ “Cáp hưởng” tức là lễ mời các vị tiên đế về cùng “ăn tết” với triều đình
Lễ “Cáp hưởng” tức là lễ mời các vị tiên đế về cùng “ăn tết” với triều đình
Sau lễ Cáp hưởng, lễ Tuế trừ cũng được diễn ra. Nếu năm đó có tháng đủ, thì triều Nguyễn sẽ tổ chức vào ngày 30; còn tháng thiếu thì vào ngày 29 tháng chạp. Để chuẩn bị cho buổi lễ, trước đó, phủ Tôn Nhân hội bàn với bộ Lễ dâng sớ xin cho hoàng tử, hoàng thân đến các miếu để được kiêm sung việc tế. Trống điểm canh năm hôm đó, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cỗ bàn gồm 3 mâm cỗ nấu hạng nhất: trâu, dê, lợn đều 3 con, 3 mâm xôi hạng lớn, 5 mâm quả bánh, 20 gói nem thịt luộc hạng nhất, 5 gói nem thịt hạng nhì, 4 đôi bánh chưng, một đôi vàng bạc, hương đèn và các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả. Lúc này, biền binh đã bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ. Lễ Tuế trừ tế một tuần rượu và không có văn khấn.
 
Trong buổi tối đêm 30, không khí tết trong hoàng cung triều Nguyễn thật ấm cúng, rực rỡ. Ngoài cửa Hữu Túc, mỗi khắc 10 phát ống lệnh phóng lên nghe giòn tan. Trước sân Thái miếu, Triệu miếu, Hưng miếu, những chiếc đèn lồng căng bằng sa và nhiều ngọn đèn đỏ khác được thắp lên sáng rực cả một khoảnh trời. Các viên quản vệ, suất đội trong cấm binh quân Vũ Lâm theo sự phân công, nhanh chóng chia nhau đến các miếu, sở hội đồng canh gác, ứng trực. Trên bàn thờ tổ tiên triều Nguyễn lúc này đã nghi ngút khói hương, mâm cỗ cúng giao thừa bằng đồ chay cũng đã được chuẩn bị sẵn. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 237, mặt khắc 22 có chép: “Lễ Trừ tịch (giao thừa) Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, mỗi miếu trà quả 1 mâm hạng nhất. Thế miếu bàn chính, trà quả hạng nhất 2 mâm. Bàn tả, bàn hữu, mỗi bàn trà quả hạng nhất 1 mâm. Thờ phụ ở Thái miếu, Thế miếu gồm 25 bàn, mỗi bàn trà quả hạng ba 1 mâm, 3 bàn cúng Thổ ông trà quả hạng ba 1 mâm”. Trong thời khắc chờ đón một năm mới đến, các vị hoàng tử, hoàng thân không thể quên đi nhiệm vụ của mình là đến các miếu làm lễ cúng Giao thừa. Quan văn, quan võ Ngũ phẩm trở lên lần lượt theo sau bồi tự.
 
Sang ngày Chính đán (tức ngày mồng 1 tết), để tỏ lòng thành kính “Con hiếu đứng cúng lễ ông bà là để thờ phụng tôn miếu”, ngay từ sáng sớm vua Gia Long uy nghiêm đội mũ chín rồng, mặc áo bào vàng, thắt đai ngọc đến Thái miếu (Nhà thờ tổ tiên của các vua triều Nguyễn ở trong hoàng thành Huế) kính cẩn làm lễ. Còn 8 án tả hữu do các đại thần đứng dưới thềm thừa tế. Về mâm cỗ cúng ở các miếu, điện trong 3 ngày tết, đặc biệt là ngày đầu năm mới được bộ Lễ quy định cụ thể và hết sức nghiêm ngặt: “Những phẩm vật dâng cúng, viên quản lý phải thân hành kiểm soát, cần phải tinh khiết đầy đủ hết thảy. Nếu có một chút sơ lược, tất phải giao cho bộ bàn xét trị tội, không tha”. Theo Mộc bản triều Nguyễn, các án ở Triệu miếu và Thái miếu, mỗi lễ trong ngày mồng 1 và ngày mồng 3 tết là 6 mâm hào soạn hạng nhất, mỗi án 2 mâm. Còn ở chánh án Tả miếu, Nguyên miếu thì ngày 1 và ngày 3 là 1 mâm hào soạn hạng nhất. Ngoài ra, trên bàn thờ mỗi án còn có 2 bình rượu ngon, 2 hộp trầu cau, nem chả, trà quả phẩm... Nghi thức tế của ngày mồng 1 là làm lễ 3 tuần rượu và không có văn khấn.
 
Đến ngày mồng 2, sau khi quan hữu ty bày soạn lễ phẩm; mỗi lễ tiến thêm 100 tờ vàng mã, 250 tờ tiền giấy bạc,vuaTự Đức lễ phục chỉnh tề đến điện Long An làm lễ. Thân phiên và các quan mũ áo đại triều đầy đủ theo lạy. Khác với ngày mồng 1 và ngày mồng 3, trong buổi tế này có văn khấn. Thường thì khi các vua triều Nguyễn thực hiện lễ cúng tổ tiên xong, sẽ đốt pháo giấy. Tuy nhiên, từ năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng đã cho đình chỉ việc này với lý do rằng: “Vì thần đạo cốt tĩnh, trong các thời tiết hằng năm dâng tiến, tinh thần bàng bạc như xuống như lên lờ mờ nghi ngút, nay nếu sau khi làm lễ, tiếng pháo vang ầm, e không phải là tỏ rõ ý nghiêm kính”. 
 
Ngày mồng 3 tết, sau khi thực hiện các nghi lễ xong, các vua triều Nguyễn cho đốt vàng mã, hương trầm để cầu âm phúc
Ngày mồng 3 tết, sau khi thực hiện các nghi lễ xong, các vua triều Nguyễn cho đốt vàng mã,
hương trầm để cầu âm phúc
Và trong ngày cuối cùng của Tết Nguyên đán (hay còn gọi là lễ mồng Ba), vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Từ đời xưa việc phụng thờ ở tôn miếu, trong thì hết lòng thành, ngoài thì đủ lễ vật, cho nên lễ nhạc rõ ràng đầy đủ, cảm cách thiêng liêng, đó mới là đạo hiếu bất di bất dịch của các đế vương”. Vì vậy, sau khi thực hiện các nghi thức tế tự của ngày mồng 3, các vua triều Nguyễn cho chuẩn định đem các thứ hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc, trộn đều, rồi bỏ vào lư đồng đốt để thấu đến thần minh. Với một số lượng vàng mã lớn được lưu lại từ ngày 30 tết ở các nơi thờ tự, hoàng cung triều Nguyễn đã cho đúc thêm 4 con thú đồng đặt ở dưới thềm, gian giữa Thái miếu và Thế miếu, mỗi nơi 2 con để phục vụ cho lễ hóa vàng cầu âm phúc.
 
Có thể nói, trong quá trình trị vì của mình, các vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm, chú ý đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán. Các vua triều Nguyễn tin rằng việc thờ cúng tổ tiên chu đáo cũng góp phần mang lại sức mạnh tinh thần cho một triều đại. Đó cũng là phong tục đẹp của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.
 
Tài liệu tham khảo.
 
1. Hồ sơ H26/4, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H26/10, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H26/4, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H26/10, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; 
 
THƠM QUANG