Cao trào đấu tranh chính trị của tuổi trẻ Đà Lạt năm 1966

06:03, 19/03/2020

Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2020), chúng ta không thể nào quên những ngày của tháng 3 năm 1966 trong cao trào đấu tranh chính trị của tuổi trẻ Đà Lạt mà lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi thành phố Đà Lạt (1930 - 2015) đã ghi nhận...

Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2020), chúng ta không thể nào quên những ngày của tháng 3 năm 1966 trong cao trào đấu tranh chính trị của tuổi trẻ Đà Lạt mà lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi thành phố Đà Lạt (1930 - 2015) đã ghi nhận...
 
Tuổi trẻ Huyện đoàn Bảo Lâm về nguồn thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Ảnh: Khánh Phúc
Tuổi trẻ Huyện đoàn Bảo Lâm về nguồn thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Ảnh: Khánh Phúc
 
Tháng 3/1966, sau khi tướng Sài Gòn Nguyễn Chánh Thi bị cách chức, một bộ phận thuộc Quân đoàn I đã cùng với Nhân dân, học sinh, sinh viên Huế và Đà Nẵng nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn. Các sự kiện này tác động trực tiếp đến tình hình chính trị tại Đà Lạt, báo hiệu cho sự bùng nổ của phong trào dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối thanh vận và chủ trương dựa vào thanh niên công nhân và thanh niên nông dân là phần nền và là bệ phóng; còn sinh viên, học sinh là phần ngọn, trong đó sinh viên là ngòi pháo và học sinh các trường trung học là lực lượng đông đảo tham gia...
 
Tối ngày 21/3/1966, dưới sự chủ trì của nhóm AQ, một cuộc họp của lực lượng học sinh, sinh viên tiến bộ gồm nhiều nhóm khác nhau, xu hướng chính trị khác nhau được triệu tập gồm có 21 người tại số nhà 156 đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Cuộc họp đã nhất trí lập ra một tổ chức công khai lấy tên “Lực lượng thanh niên sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt”, bầu ban lãnh đạo và dự kiến cuối tháng 3/1966 sẽ phát động đấu tranh; đồng thời phân công in truyền đơn, viết khẩu hiệu...
 
Ngày 26/3/1966, Ban Chấp hành Lực lượng thanh niên sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt bí mật họp cùng với đại diện tiểu thương, công nhân, công chức tại tháp chuông chùa Linh Sơn bàn chương trình hành động, chuẩn bị phát động đấu tranh. Cuộc họp này cũng quyết định đổi tên tổ chức thành “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt”, bầu ban chấp hành mới do sinh viên Hồ Quang Nhật (Khoa Chính trị kinh doanh Viện Đại học Đà Lạt) làm Chủ tịch và học sinh Lê Thông (lớp đệ nhất Trường trung học Trần Hưng Đạo) làm Tổng Thư ký. Đồng thời lập ra ban đại diện các giới công nhân, tiểu thương, học sinh, sinh viên các trường để liên lạc và tập hợp lực lượng quần chúng. Các cuộc biểu tình đấu tranh chính trị năm 1966 đã thu hút đông đảo thanh niên sinh viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân tham gia. 
 
Sáng ngày 28/3/1966, ngay sau khi lễ chào cờ ở Trường Trần Hưng Đạo kết thúc, cơ sở cốt cán trong học sinh lên phát động cuộc đấu tranh, cùng lúc đó hàng ngàn truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi học sinh tham gia bãi khóa, xuống đường biểu tình được tung ra trên sân trường. Khi đoàn biểu tình đi qua Viện Đại học, Trường Bùi Thị Xuân, Trường Bồ Đề (nay là Trường Nguyễn Du) thì có thêm hàng trăm sinh viên, học sinh tham gia và kéo ra khu Hòa Bình tổ chức mít tinh với hàng trăm biểu ngữ, khẩu hiệu được căng lên ở khu trung tâm Đà Lạt với nội dung: “Mỹ phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam”, “Chúng tôi đòi giảm giá sinh hoạt”, “Bãi khóa để đòi quyền tự quyết”, “Sinh viên, học sinh đấu tranh cho tự do, dân chủ”... Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh công bố mục tiêu đấu tranh và kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia. 
 
Từ ngày 29 đến ngày 31/3/1966, nhiều cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị diễn ra đồng loạt ở Đà Lạt. Lực lượng đấu tranh còn triển khai việc phát thanh tại khu Hòa Bình để thông báo diễn biến và kết quả đấu tranh của Nhân dân Huế, Đà Nẵng và kêu gọi đồng bào tham gia đấu tranh. Tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng và phong trào của các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên Đà Lạt gây nhiều bất ngờ cho chính quyền Sài Gòn...
 
Và đó chính là bước khởi đầu cho cuộc chiến đấu kiên cường ngay trong lòng thành phố Đà Lạt vào tháng 4/1966. Ngày 1/4/1966, trên 3.000 người tập trung tại khu Trung tâm Văn hóa Mỹ ở đường Yersin (nay là đường Trần Phú) đưa thông báo đòi Mỹ rút khỏi Khách sạn Modern, thị xã Đà Lạt và tiếp tục kéo đến Tòa thị chính yêu cầu Thị trưởng Đà Lạt giải quyết các yêu sách nhưng không được nên đã phát lệnh cho đoàn biểu tình kéo sang chiếm Đài Phát thanh đặt trên lầu 3 Khách sạn Đà Lạt vào lúc 12 giờ 50 phút. Lực lượng cũng đã kịp thời sửa chữa máy móc để đến 1 giờ 30 sáng ngày 2/4/1966, “Tiếng nói của lực lượng đấu tranh” được phát đi trên sóng thông báo liên tục về diễn biến của cuộc đấu tranh cũng như ý kiến, nguyện vọng của đại diện các tầng lớp nhân dân thành phố. Trước sự đàn áp của địch sau khi biết không thể giữ được đài, lực lượng đấu tranh quyết định phá hủy máy móc, phương tiện, đốt đài và rút lui một cách an toàn. Tiếp đó là ngày 5/4/1966, hàng ngàn người tập trung tại khu Hòa bình rồi kéo đến chiếm trụ sở Hợp tác xã rau (nay là Sàn Giao dịch việc làm Lâm Đồng) ở ngã ba các đường Phan Đình Phùng - Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi) làm trụ sở. Từ ngày 9 đến ngày 17/4/1966, bất chấp sự đàn áp và ngăn chặn của địch, Nhân dân Đà Lạt vẫn tiếp tục đấu tranh với nhiều cuộc mít tinh biểu tình; tổ chức những đêm không ngủ lấy tên “Đêm ý thức cách mạng” để “đốt đuốc lên soi rõ mặt quân thù”, đốt hình nộm của McNamara (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) mở phiên tòa xử bọn tội phạm chiến tranh; đòi Mỹ cút về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi tự do, dân chủ... Ngày 18/4/1966, lực lượng quyết định tuyệt thực 24 giờ tại khu Hòa bình để phản đối địch đàn áp cuộc đấu tranh của đồng bào Quy Nhơn. Sáng ngày 21/4/1966, đại diện Ban Chấp hành Lực lượng thanh niên sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ Đà Lạt đến gặp Tỉnh trưởng Tuyên Đức đưa kiến nghị nhưng bị chúng hành hung. Được tin đó, hàng ngàn người xuống đường phản đối hành động dã man của chúng và kéo đến Tòa hành chính tỉnh đòi trừng trị những tên vừa gây tội ác. Tại đây, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, những người biểu tình dùng dao, gạch đá, gậy gộc tấn công... Địch đã nổ súng giết hại 4 thanh niên học sinh, làm bị thương 37 người và hàng chục người khác bị bắt. 
 
Từ ngày 22 đến ngày 25/4/1966, địch ban hành lệnh giới nghiêm 24/24 giờ để ngăn chặn các cuộc mít tinh biểu tình, đồng thời lùng bắt một số người tham gia đấu tranh. Tại chùa Linh Sơn, lực lượng đấu tranh vẫn duy trì các chương trình phát thanh, kêu gọi đồng bào tiếp tục hưởng ứng phong trào.
 
Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/1966, phong trào đấu tranh của Nhân dân Đà Lạt tiếp tục phát triển dưới hình thức đấu tranh của Phật giáo. Cuối tháng 6/1966, địch tăng cường khủng bố, truy bắt hàng loạt cơ sở cách mạng và những người tham gia phong trào. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Đà Lạt tạm thời lắng xuống nhưng đã thể hiện rõ tuổi trẻ chính là lực lượng xung kích của cuộc đấu tranh, còn các tầng lớp nhân dân trong đó phụ nữ chợ đóng vai trò quan trọng, là sức mạnh của phong trào đấu tranh và được đánh giá cao.
 
BÙI THANH LONG