Quan điểm của Lênin về xây dựng cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản

05:04, 19/04/2020

Xã hội có đối kháng giai cấp, tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp, trong đó có đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị đòi hỏi giai cấp phải có mục tiêu chính trị rõ ràng, được tổ chức chặt chẽ để tập hợp, huy động đông đảo lực lượng của giai cấp và các lực lượng liên minh với mình...

Xã hội có đối kháng giai cấp, tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp, trong đó có đấu tranh chính trị. Đấu tranh chính trị đòi hỏi giai cấp phải có mục tiêu chính trị rõ ràng, được tổ chức chặt chẽ để tập hợp, huy động đông đảo lực lượng của giai cấp và các lực lượng liên minh với mình. Đó là yêu cầu và điều kiện ra đời của đảng chính trị. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, đảng chính trị phải có cương lĩnh chính trị. Đảng Cộng sản cũng không nằm ngoài quy luật đó.
 
V.I.Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Ảnh tư liệu
V.I.Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Ảnh tư liệu
 
Để Đảng Cộng sản đề ra được đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước thì một trong những nội dung quan trọng ngay từ đầu, có tính chất nền tảng là phải xây dựng được cương lĩnh chính trị khoa học, cách mạng. Việc này sẽ giúp cho các đảng cộng sản có được đường lối đúng đắn, tạo nên sức mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi sự áp bức của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản.
 
Cương lĩnh của Đảng Cộng sản là văn kiện cơ bản, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp đấu tranh để thực hiện mục đích của cách mạng. Sự đúng đắn, khoa học của cương lĩnh sẽ định hướng cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân; động viên khích lệ giai cấp công nhân trước những khó khăn, thử thách, nhằm làm tăng bản lĩnh của người cộng sản. Bên cạnh đó, cương lĩnh còn là cơ sở để vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo Đảng và làm cách mạng. Do đó, cương lĩnh là văn bản không thể thiếu trong quá trình hoạt động của Đảng. Vì thế, Lênin rất quan tâm đến việc xây dựng cương lĩnh của Đảng.
 
Theo Lênin, cương lĩnh không phải là sản phảm thuần túy từ tư duy của Đảng Cộng sản mà cương lĩnh phải được đề ra từ thực tiễn cuộc sống và gắn với thực tiễn cuộc sống. Cương lĩnh phải chỉ rõ mục đích, trách nhiệm của Đảng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Lênin khẳng định: Cương lĩnh của chúng ta nếu muốn được chính xác thì phải nói đúng tình hình thực tế. Cương lĩnh phải được xây dựng trên cơ sở khoa học. Nó phải được giải thích rõ cách mạng sẽ xảy như thế nào? Tại sao nó nhất định xảy ra? Ý nghĩa của nó? Thực chất và sức mạnh của nó ra sao? Nó giải quyết cái gì? Chính vì thế Người cho rằng: Từ nay cương lĩnh của chúng ta sẽ được thảo ra, ít dựa vào sách vở mà dựa nhiều vào thực tiễn, xuất phát từ kinh nghiệm của chính quyền Xô viết. Lênin nhấn mạnh, cương lĩnh phải có lý luận cách mạng soi đường trên nền tảng lý luận mácxít. Nó giúp cho người cộng sản có tầm nhìn chiến lược, trông rộng nhìn xa, nắm được quy luật vận động tất yếu của xã hội, của đất nước, nhằm hướng cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản để giành thắng lợi. Vì thế, Lênin viết: Tôi cho rằng, điều có lợi cho chúng ta là phải kêu gọi giai cấp vô sản quốc tế, không phải bằng những lời hiệu triệu thiết tha, những lời cổ động trong các cuộc mittinh, hoặc những tiếng la hét, mà là bằng một bản cương lĩnh cụ thể và chính xác của Đảng ta.
 
Bên cạnh chú ý cơ sở xuất phát của cương lĩnh là từ thực tiễn cuộc sống, Lênin cũng chú ý đến nội dung, cách thức diễn đạt của cương lĩnh. Theo Lênin, cương lĩnh không chỉ là lời tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng, chính xác mà nội dung phải sâu sắc, xác định nhiệm vụ rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm. Người cho rằng, trong điều kiện đảng cầm quyền, cương lĩnh cần xác định: Trọng tâm là phải nhận định chính xác về những cải tạo kinh tế và những công cuộc cải tạo khác mà chính quyền Xô viết chúng ta đã bắt đầu tiến hành... trình bày những nhiệm vụ cụ thể trước mắt mà chính quyền Xô viết tự đề ra cho mình, những nhiệm vụ nảy sinh ra do những biện pháp thực tế mà chúng ta thi hành để tước đoạt những kẻ đi tước đoạt. 
 
Ngoài việc cương lĩnh phải từ thực tiễn và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các quốc gia nơi có các đảng cộng sản cầm quyền, Lênin cũng đòi hỏi cần xây dựng cương lĩnh của Đảng mang tầm quốc tế. Để đạt được điều đó, cương lĩnh cần phải chú trọng đến những yếu tố giai cấp đặc thù về kinh tế đối với tất cả các nước. Đây chính là việc vận dụng phạm trù cái riêng, cái chung trong triết học vào quá trình xây dựng Đảng. Như vậy, theo Lênin, xây dựng cương lĩnh là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng Cộng sản. Chính vì thế, trong tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết, Lênin khẳng định: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đại đa số Nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”. Bởi vì, Người cho rằng, chính quần chúng nhân dân là lực lượng vĩ đại nhất, lực lượng quyết định lịch sử. Càng có đông đảo quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản thì cách mạng càng mau chóng giành thắng lợi.
 
Một đảng cách mạng chân chính bao giờ cũng đề ra một cương lĩnh khoa học, đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Lênin rất coi trọng xây dựng cương lĩnh của Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, cơ hội để bảo vệ cương lĩnh - kim chỉ nam cho hoạt động của cách mạng, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng đi đến thành công.
 
Kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng cương lĩnh chính trị đúng đắn, đường lối cách mạng khoa học, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước ở mỗi giai đoạn lịch sử. Từ cương lĩnh đầu tiên tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) đến cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đều nhất quán một số quan điểm xuyên suốt là sau cuộc cách mạng dân tộc dân chủ là cách mạng xã hội chủ nghĩa; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo thệ thống chính trị và xã hội... Vì thế, Đảng ta luôn được Nhân dân ta tin yêu, xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều thử thách cam go có tính “nghìn cân treo sợi tóc”, giành được nhiều thắng lợi quan trọng có tính bước ngoặt vĩ đại. Nhờ đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối đúng đắn, lãnh đạo đất nước hiệu quả nên chưa bao giờ non sông đất nước ta có được cơ đồ, vị thế, sức mạnh như ngày nay như tổng kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
 
PHẠM KIM QUANG