Chỉ trong khoảng nửa tháng (từ 14-29/4/1975), phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đất liền, Đoàn C75 thực hiện chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa và toàn bộ các đảo, quần đảo miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Chỉ trong khoảng nửa tháng (từ 14-29/4/1975), phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đất liền, Đoàn C75 thực hiện chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa và toàn bộ các đảo, quần đảo miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
|
Chiến sĩ Lữ đoàn đặc công 126 giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân sự |
Đây được coi như “cánh quân thứ 6”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng cho biết ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị Trung ương Đảng: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân nguỵ đang chiếm giữ". Kiến nghị này đã được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975.
Thực tế, việc giải phóng Huế và đặc biệt là việc đánh dứt điểm căn cứ liên hợp Đà Nẵng (chỉ trong 32 tiếng đồng hồ đã tiêu diệt, làm tan rã hơn 10 vạn tên trong bộ máy quân sự và hành chính của địch, giải phóng hoàn toàn thành phố lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam) là những căn cứ cho thấy cần và có thể tổ chức giải phóng kịp thời các đảo, quần đảo trên vùng biển Việt Nam. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn lúc đó đều thống nhất chỉ đạo: “Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm, tình hình sẽ vô cùng phức tạp”.
Chiều 4/4/1975, bức điện mật số 990B/TK của Quân ủy Trung ương gửi Quân khu 5 chỉ thị: “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”; bức điện nhấn mạnh “đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Lập tức một chiến dịch tận dụng thời cơ được hình thành với việc thành lập Đoàn C75 tại Đà Nẵng, gồm Đội 1 của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 cùng 3 biên đội tàu hải quân 673, 674, 675 Đoàn 125, do Thượng tá Mai Năng chỉ huy.
Nhiệm vụ của Đoàn C75 là hiệp đồng chặt chẽ với Quân khu 5 triển khai tổ chức chiến đấu, giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa theo phương án đánh chiếm từng đảo.
Ngày 9/4/1975, tin quân báo cho biết địch chuẩn bị rút quân khỏi các đảo ở Biển Đông; rạng sáng ngày 11/4, Đoàn C75 xuất kích.
Để giữ bí mật, các tàu cải dạng thành tàu đánh cá nước ngoài; bộ đội cùng vũ khí trang bị giấu trong các khoang tàu, hầm hàng, trên rải lưới đánh cá cùng một số cán bộ chiến sĩ trong vai “ngư dân”. Hành trình gần 500 hải lý trên biển phải đối mặt với tàu chiến, trực thăng đối phương, tàu phải ngược lên phía bắc mấy tiếng đồng hồ để đánh lừa địch, sau đó nhằm thẳng đích đầu tiên là đảo Song Tử Tây.
Ngày 13/4, kế hoạch đánh chiếm các đảo được báo cáo về Tổng hành dinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay và nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay”.
Đúng 4h30’ ngày 14/4, lực lượng Đoàn C75 đổ bộ lên đảo Song Tử Tây và chủ động khai hỏa bằng loạt đạn DKZ. Địch chống trả nhưng hỏa lực của ta dội lửa hỗ trợ kịp thời cho đặc công, bộ binh xông lên chiếm giữ mục tiêu. Đến 5h sáng, toàn bộ địch trên đảo bị tiêu diệt và bắt sống; lá cờ giải phóng lần đầu tiên tung bay trên cột cờ đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Tiếp tục hành trình giải phóng các đảo còn lại ở Trường Sa, rạng sáng 25/4/1975, các mũi quân của Đoàn C75 bí mật đổ bộ và tiến công địch trên đảo Sơn Ca. Địch bắn trả rời rạc. Chúng nhanh chóng bị tiêu diệt và bị bắt sống toàn bộ.
Mất Song Tử Tây và Sơn Ca, cùng lúc tình hình đất liền đang diễn biến hết sức bất lợi, địch buộc phải rút quân khỏi các đảo còn lại ở Trường Sa. Nhận được tin trinh sát kỹ thuật này, các bộ phận Đoàn C75 khẩn trương thực hiện phương án chiếm lĩnh: 11h30 ngày 27/4 đổ bộ giải phóng đảo Nam Yết; 10h30 ngày 28/4 tiếp tục đổ bộ giải phóng đảo Sinh Tồn và đảo An Bang; 9h30 ngày 29/4 giải phóng đảo Trường Sa Lớn.
Cùng với việc giải phóng và làm chủ các đảo quan trọng trên quần đảo Trường Sa, Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục chiếm giữ các đảo như Hòn Sập (sau này đặt tên Phan Vinh), Trường Sa Đông (Đá Giữa), Sinh Tồn Đông (Grigan), Bãi Thuyền Chài và một số đảo, đá khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó ở duyên hải miền Trung, song song với việc giải phóng Huế, Đà Nẵng và các địa phương khác, Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường phương tiện, kịp thời có mặt phối hợp với lực lượng bộ binh truy kích địch và chiếm giữ các cửa biển Thuận An (Huế), cửa biển Hội An, bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)... Đồng thời dọc duyên hải Nam Trung Bộ, được sự hỗ trợ của Hải quân nhân dân Việt Nam, quân dân các địa phương tiến công và nổi dậy làm chủ các đảo, quần đảo ven bờ.
Tại cù lao Chàm, rạng sáng ngày 30/3/1975, lực lượng Thị đội Hội An sử dụng tàu đánh cá của ngư dân uy hiếp địch và gọi loa buộc chúngđầu hàng, giải phóng cù lao Chàm.
Tại cù lao Ré (Lý Sơn), ngày 31/3/1975 quân dân địa phương tiến công và nổi dậy giải phóng huyện đảo. Tại cù lao Xanh (Quy Nhơn, Bình Định) ngày 14/4/1975 quân dân tại chỗ nổi dậy làm chủ xã đảo.
Tại cù lao Thu (Phú Quý) ngày 27/4/1975, các đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam (tàu 643 Đoàn 125), đặc công nước Quân khu 5 (Tiểu đoàn 407), Trung đoàn 95, phối hợp lực lượng địa phương tổ chức trận đánh ác liệt bằng hỏa lực mạnh và giành quyền làm chủ toàn bộ quần đảo này.
Tại Côn Đảo, được tin Sài Gòn giải phóng, sáng 1/5/1975, lực lượng tù nhân nổi dậy, hình thành lực lượng vũ trang tình nguyện, tấn công Chi khu quân sự Bến Đầm và các vị trí thuộc sân bay Cỏ Ống; đến 18:00 đã hoàn toàn làm chủ Côn Đảo, kịp lúc các tàu Hải quân nhân dân Việt Nam ra chi viện, truy quét địch trên đảo Hòn Cau và các đảo khác thuộc Côn Đảo.
Tại Phú Quốc, chiều 30/4/1975 nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng ngàn quần chúng và tù nhân nổi dậy phá khám, giải phóng đảo Ngọc.
Tại đảo Thổ Chu, nghe tin Sài Gòn thất trận, quân lính Việt Nam Cộng hòa trên đảo chạy về đất liền hoặc theo tàu ra nước ngoài; quần chúng nhân dân nổi dậy cắm cờ giải phóng.
Tại các cảng biển lớn như Cam Ranh, Vũng Tàu, từ ngày 27 đến 29/4/1975, Quân chủng Hải quân điều các lực lượng vào đánh chiếm, chặn các cửa biển và ngăn không cho tàu chiến và máy bay địch chi viện từ hướng biển.
Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng (từ 14-29/4/1975), phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đất liền, Đoàn C75 thực hiện chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa cùng với việc giải phóng toàn bộ các đảo, quần đảo miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Đây được coi như “cánh quân thứ 6”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 28/4, Quân uỷ Trung ương điện trực tiếp cho các tàu trên các đảo: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược", bởi việc giải phóng và làm chủ biển đảo Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa đã kịp thời ngăn chặn các thế lực nước ngoài đang nhòm ngó và tranh chiếm biển đảo của Việt Nam ngay từ năm 1975.
Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa non sông thu về một mối - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập đã liền một dải từ Bắc vào Nam, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ đây cũng toàn vẹn từ đất liền đến hải đảo.
Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Hải quân nhân dân Việt Nam làm chủ các vùng biển đảo Việt Nam từ gần bờ đến xa bờ, thực thi bảo vệ chủ quyền biển đảo trên toàn bộ biển đảo quốc gia Việt Nam thống nhất.
(Theo chinhphu.vn)