Cách đây 70 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, trong Khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập...
Cách đây 70 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, trong Khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc suốt bảy thập kỷ qua, đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
|
Phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 |
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trong muôn vàn khó khăn thuở ban đầu của nước Việt Nam độc lập, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau ngày toàn quốc kháng chiến đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến.
Ngày 21/4/1950, trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một mốc son lịch sử trong sự phát triển của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Như vậy, sau hơn 30 năm đấu tranh đòi tự do ngôn luận và tự do lập hội, kể từ Bản yêu sách của Nguyễn Ái Quốc lên tiếng mạnh mẽ với các nước Đồng minh tại Hội nghị Véc-xây, Pháp (tháng 6/1919), từ đây, những người làm báo Việt Nam chính thức có tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của mình, tập hợp dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, góp sức cùng toàn dân kháng chiến, kiến quốc, vì ngày mai tươi sáng của dân tộc. Ngay trong năm 1950, Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam làm thành viên chính thức.
Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí hoạt động và phát triển, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng.
Việc Đảng ta chỉ đạo thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam ngay tại chiến khu Việt Bắc, trong những ngày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, thành lập Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam (năm 1961) trong vùng giải phóng miền Nam đấu tranh chống chế độ tàn bạo Mỹ - Diệm đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, coi trọng vai trò của báo chí nói chung và tổ chức Hội Nhà báo nói riêng đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta.
Tại Đại hội lần thứ II (ngày 16 và 17/4/1959), Hội Những người viết báo Việt Nam đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 7/7/1976, Hội nghị thống nhất hội nhà báo hai miền và lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
Ra đời trong khói lửa chiến tranh, gắn bó với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Nhân dân tin yêu, đùm bọc, 70 năm qua, tổ chức Hội và đội ngũ hội viên - nhà báo cả nước đã không ngừng lớn mạnh.
Qua 10 nhiệm kỳ đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần và ý chí cách mạng, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng. 70 năm đội ngũ những người làm báo tập hợp dưới mái nhà chung Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Hơn 400 nhà báo đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với Nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trong tiến trình phát triển 70 năm qua, hoạt động của tổ chức Hội và của giới báo chí luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước; sự tin cậy, giúp đỡ quý báu của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện vai trò, chức năng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí và hoạt động của Hội.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, tất cả các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí và toàn thể đội ngũ những người làm báo càng khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt Nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và Nhân dân.
(Theo Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam)