Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Ấn Độ

06:05, 21/05/2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với Nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Sinh thời và cả khi đã đi xa, Hồ Chí Minh luôn nhận được những tình cảm thắm thiết bằng những lời ngợi ca đẹp nhất của những người yêu mến Người khắp năm châu. Một trong những tình cảm đặc biệt là tấm lòng của các tầng lớp lãnh đạo và người dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 
 Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Khi còn hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều bài viết về đất nước Ấn Độ. Đặc biệt, năm 1942 - 1943, Nguyễn Ái Quốc, lúc này với tên gọi Hồ Chí Minh đang bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ, được tin Jawaharlal Nehru - Thủ tướng Ấn Độ cũng đang bị giam giữ, Người đã gửi tới Nehru một bài thơ với những tình cảm cảm động:
 
Gửi Nê-ru:
I.
“Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù.
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau.
II.
Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,
Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần,
Tôi chốn lao tù người bạn hữu
Anh, trong gông xích bọn cừu nhân”.
 
Ngày 10/10/1954, những người lính Cụ Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô. Đúng 7 ngày sau, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vui mừng đón vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm: Thủ tướng Nehru. Thủ tướng Nước Cộng hòa Ấn Độ là người đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên thăm Việt Nam. Chuyến thăm của ngài Thủ tướng Ấn Độ đã mang tới tình cảm thắm thiết và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho đất nước và dân tộc Việt Nam. 
 
Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam, năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi thăm chính thức Nước Cộng hòa Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang từ Việt Nam sang một vòng hoa và một cây đào để đặt và trồng trên mộ của nhà cách mạng Ấn Độ Motilan Neru. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo điều này với Thủ tướng Jawaharlal Nehru ông đã thật sự xúc động. Ông nói: “Hồ Chí Minh gặp cha tôi ở thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Cũng trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958, Thủ tướng Jawaharlal Nehru thay mặt Tổng thống Ấn Độ Praxat đọc lời chào mừng: “Tôi rất vui mừng được hoan nghênh Hồ Chủ tịch... Chúng ta hoan nghênh Chủ tịch, một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do...”.
 
Trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên này, một cử chỉ của Hồ Chủ tịch đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân Ấn Độ, đó là câu chuyện về chiếc thảm đỏ ngai vàng. Hồ Chí Minh là quốc khách của Ấn Độ nên trong buổi đón tiếp Người tại cuộc mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ trải sẵn tấm thảm đỏ để tiếp đón Hồ Chủ tịch nhưng Người đã dứt khoát từ chối bước đi trên tấm thảm đó. Không chỉ vậy, các bạn Ấn Độ còn chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bục danh dự. Đó là một chiếc ngai vàng rất đồ sộ, lộng lẫy. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu được sắp sẵn một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi đó, đích thân Thủ tướng Nerhu đã mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó nhưng Người đã kiên quyết từ chối. Hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường chứng kiến điều này đều sửng sốt nhìn nhau. Họ đứng cả lên để xem hai vị lãnh tụ của hai nước nhường nhau chiếc ghế vàng, và rồi cuối cùng chẳng ai chịu ngồi lên chiếc ngai ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Trong khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: "Hồ Chí Minh muôn năm!", “Hồ Chí Minh muôn năm!". Thủ tướng Nehru đã phát biểu: “Thật là một điều vĩ đại trên thế giới đối với một con người tầm cỡ như vậy mà lại có sự khiêm tốn, sự khiêm tốn ấy đã cuốn hút tình yêu mãnh liệt từ mọi người... Vị khách hôm nay là có một, ông rất bình dị, khiêm tốn và hiền từ, mới nhìn mọi người yêu mến ngay”.
 
Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời lẽ đẹp đẽ, trân trọng nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại cho tự do”. 
 
Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. UNESCO cũng kêu gọi các nước thành viên tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã có những hoạt động khác nhau để tưởng niệm và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
Ấn Độ là một trong những nước đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh những tình cảm đặc biệt nhất với rất nhiều các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh Người diễn ra ở khắp các diễn đàn, khắp mọi nơi. Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Ủy ban Quốc gia kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chandra Sekha làm Chủ tịch. Chính phủ Ấn Độ quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách long trọng nhất, lâu nhất với thời gian từ 19/5/1990 đến 19/5/1991. Cho tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ nước ngoài được Chính phủ Ấn Độ tổ chức kỷ niệm long trọng nhất. 
 
Tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh theo thời gian vẫn không hề phai nhạt. Nhà báo - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 khẳng định: “Bác Hồ - Thần tượng của tôi”. Geetesh Sharma khẳng định: “Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt vào những năm 1950 đến 1970, Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tâm điểm chú ý của giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị ở Ấn Độ. Đây là thời điểm có rất nhiều bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau về Hồ Chí Minh, đặc biệt ở bang Tây Bengal, nơi có hàng loạt bài thơ và bài báo ca ngợi Người. Những tác phẩm của Người và quyển Nhật ký trong tù đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ đã tạo nguồn cảm hứng cho độc giả. Thật vậy, đối với chúng tôi, tình cảm luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của Việt Nam, Việt Nam đồng nghĩa với Hồ Chí Minh.
 
Tình hữu nghị thủy chung trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru xây dựng trên một nền tảng vững chắc là hòa bình, hữu nghị và tình bạn, trải qua bao biến cố của thời gian, lịch sử vẫn mãi xanh tươi, bền vững. Tình cảm của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng hậu chân tình như buổi ban đầu.
 
VŨ TRUNG KIÊN