Không thể quên ơn Liên Xô

06:05, 07/05/2020

22 giờ 43 phút ngày 8/5/1945 theo giờ Berlin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9/5 theo giờ Moskva), tại Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được ủy nhiệm của nước Đức Quốc xã đã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện...

22 giờ 43 phút ngày 8/5/1945 theo giờ Berlin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9/5 theo giờ Moskva), tại Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được ủy nhiệm của nước Đức Quốc xã đã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện. Sự kiện trọng đại này đánh dấu kết thúc một chương bi thảm nhất của lịch sử nhân loại: kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cuộc chiến tranh được đánh giá là tàn khốc nhất, đẫm máu nhất, đau thương nhất, quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 
 
Lãnh tụ Liên Xô Stalin (thứ hai từ phải sang) phát biểu tại lễ duyệt binh diễn ra trên Quảng trường Đỏ. Ảnh tư liệu
Lãnh tụ Liên Xô Stalin (thứ hai từ phải sang) phát biểu tại lễ duyệt binh diễn ra trên Quảng trường Đỏ. Ảnh tư liệu
 
Chiến tranh thế giới lần thứ hai là chiến thắng của phe Đồng minh chống phát xít. Tuy nhiên, rõ ràng, Liên Xô là quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất, là nước chịu thiệt hại lớn nhất. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô có ý nghĩa quyết định đối với ngày chiến thắng 9/5. Trong tổng số gần 75 triệu quân của phe Đồng minh bị chết trong cuộc chiến này, riêng Liên Xô đã chiếm 34,4 triệu người. 
 
Ngày 23/8/1939, đại diện Liên Xô là Bộ trưởng Ngoại giao Molotov đã ký với Ngoại trưởng Đức Quốc xã là Joachim von Ribbentrop hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô. Theo hiệp ước này, các bên thỏa thuận cam kết không tấn công lẫn nhau và giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào... Tuy nhiên, rạng sáng ngày 22/6/1941, Quân đội Đức Quốc xã theo lệnh của Adolf Hitler xóa bỏ hiệp ước này và tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu.
 
Ngày chiến thắng 9/5 là kết quả của sự hy sinh cao cả, lòng dũng cảm vô song của quân và dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh tụ Stalin. Để đi tới ngày chiến thắng, Hồng quân và người dân Liên Xô đã phải sống 1.418 ngày đêm trong bối cảnh khó khăn chồng chất trước sự tấn công, bao vây của quân thù. Đức Quốc xã đã huy động lực lượng tinh nhuệ nhất gồm 190 sư đoàn với trên 5,5 triệu quân, 4,3 nghìn xe tăng - thiết giáp, 47.000 pháo, gần 5.000 máy bay, 192 tàu chiến tấn công Liên Xô. Trong cuộc chiến đấu vĩ đại để bảo vệ đất nước, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã để lại những câu chuyện về lòng quả cảm vô song của chủ nghĩa anh hùng vệ quốc, nhất là trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva và Stalingrad. 
 
Moskva là một trong những trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân Liên Xô kéo dài trong 7 tháng. Đức Quốc xã đã huy động trên 70 sư đoàn với gần 2 triệu quân nhằm mục tiêu chiếm được thủ đô Moskva. Khi quân Đức đã gần chiếm được mục tiêu, họ đã vấp phải sự kháng cự hết sức mãnh liệt của quân Liên Xô, và chịu nhiều mất mát. Ngày 7/11/1941, khi quân Đức còn cách thủ đô Moskva gần 30 km, giữa lúc thành phố Moskva đang trong tình thế vô cùng hiểm nghèo ấy, một cuộc duyệt binh đặc biệt đã được diễn ra trên Quảng trường Đỏ. Trên lễ đài của Quảng trường Đỏ hôm ấy là hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Stalin bình thản cùng các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Liên Xô. 28.500 người lính Hồng quân, 140 khẩu pháo, 160 xe tăng, 232 chiến xa đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử này. Những đoàn chiến sỹ Hồng quân, những xe tăng lăn bánh trên Quảng trường Đỏ, duyệt binh xong tiến thẳng ra mặt trận. Đầu năm 1942, quân Đức đã bị đẩy lui hẳn khỏi Moskva, Liên Xô đã giành thế thượng phong.
 
Cùng với cuộc chiến bảo vệ Moskva, cuộc chiến đấu ngoan cường của Hồng quân và nhân dân Liên Xô trong chiến dịch Stalingrad từ ngày 23/8/1942 đến ngày 2/2/1943 đã góp phần quyết định cho ngày chiến thắng phát xít ngày 9/5. Cả thành phố Stalingrad bị quân thù bao vây, đường tiếp tế bị cắt đứt, dưới mưa bom và đạn pháo, trong giá rét và đói khát, mỗi người dân được cấp phát khẩu phần 125 gram bánh mì mỗi ngày suốt những tháng mùa Đông khắc nghiệt nhất của giai đoạn cuối năm 1941 đầu năm 1942. Hàng trăm nghìn người dân Leningrad đã bị chết đói, hàng chục nghìn người thiệt mạng do bom đạn, song thành phố anh hùng không chịu khuất phục. Trận đánh bảo vệ Stalingrad là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới với gần 1,2 triệu người, bao gồm binh lính Hồng quân và dân thường hy sinh, chết và thương vong. Đây là trận đánh được giới quân sự thế giới cho rằng đã làm xoay chuyển cục diện Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mùa Hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô đã đẩy lùi toàn bộ quân đội phát xít ra khỏi lãnh thổ Liên Xô và tấn công vào sào huyệt cuối cùng của chủ nghĩa phát xít, giải phóng Berlin, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai trên chiến trường châu Âu.
 
Ngày chiến thắng phát xít 9/5 không chỉ chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, không chỉ tiêu diệt một chủ nghĩa quái thai mà còn có tác dụng to lớn cứu loài người thoát khỏi họa diệt chủng. Chiến thắng vĩ đại và sự hy sinh vô cùng lớn của quân và dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã khơi nguồn, tiếp thêm sức mạnh cho các dân tộc trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập. Đối với Việt Nam, với chiến thắng 9/5 và đặc biệt là chiến thắng của Hồng quân Liên Xô với phát xít Nhật đã thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh để Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng lên giành lại độc lập.
 
VŨ TRUNG KIÊN