Đặt nợ nước lên trên thù nhà

06:06, 11/06/2020

Câu chuyện bắt đầu từ những người con của Trần Lý. Trần Lý chính là ông nội của vị vua mở đầu nhà Trần là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Trần Lý sinh ra 3 người con, trong đó 2 con trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và con gái là Trần Thị Dung.

Câu chuyện bắt đầu từ những người con của Trần Lý. Trần Lý chính là ông nội của vị vua mở đầu nhà Trần là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Trần Lý sinh ra 3 người con, trong đó 2 con trai là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và con gái là Trần Thị Dung.
 
Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
 
Trong số 6 người con của Trần Thừa có 2 người con trai chính là nguyên nhân khởi nguồn của câu chuyện này, đó là Trần Liễu và Trần Cảnh.
 
Em gái Trần Thừa là Trần Thị Dung lấy Thái tử Sảm của nhà Lý - vua Lý Huệ Tông - nên bà trở thành hoàng hậu của nhà Lý. Lý Huệ Tông và bà không có con trai và chỉ sinh được 2 người con gái là Thuận Thiên và Chiêu Thánh (tức Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng - vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý).
 
Lớn lên, Thuận Thiên được gả cho Trần Liễu, Chiêu Hoàng được sắp xếp lấy Trần Cảnh. Như vậy có nghĩa họ là anh em con cô, con cậu ruột lấy nhau. Hai anh em ruột con của người anh ruột (con Trần Thừa) lấy 2 chị em ruột con của người em ruột (con Trần Thị Dung). Dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, năm 1224, Lý Chiêu Hoàng khi ấy mới 7 tuổi ta (sinh năm 1218) đã được vua cha là Lý Huệ Tông nhường ngôi cho. Cũng dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, năm 1225, Lý Chiêu Hoàng cưới chồng là Trần Cảnh (tức anh nhà bác ruột, cùng tuổi với Lý Chiêu Hoàng) và ngay trong năm ấy, lại dưới bàn tay “đạo diễn” của ông chú họ là Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng chính thức nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh khi ấy mới 8 tuổi. Trần Cảnh lên ngôi vua mở đầu triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam 1225 - 1400. 
 
Năm 1237, tức 12 năm sau ngày cưới Lý Chiêu Hoàng, bởi Lý Chiêu Hoàng chưa sinh được con trai để nối ngôi, Thái sư Trần Thủ Độ đã bắt chị ruột của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên khi ấy đang là vợ của Trần Liễu - anh ruột Trần Cảnh - và gả cho Trần Cảnh trong lúc bà đang mang thai 3 tháng với Trần Liễu. Cũng bởi câu chuyện này mà Trần Liễu sau đó làm phản nhưng bị thua và suýt nữa bị Trần Thủ Độ chém đầu, chính người em ông là vua Trần Thái Tông đã đứng ra che chở và xin cho ông. Cuối cùng, ông được phong An Sinh Vương và ban cho thái ấp. Cũng bởi mối thâm thù này mà khi sinh ra Trần Quốc Tuấn, ông đã tìm các thầy giỏi về dạy cho con trai với mong muốn sau này sẽ phục thù cho cha, cướp lại ngôi vua từ tay dòng thứ. Trước khi mất, ông dặn lại con trai là Trần Hưng Đạo rằng nếu con không cướp được ngôi vua về cho nhà ta thì dưới suối vàng cha không thể nào nhắm mắt được.
 
Trước tình hình đất nước phải đối mặt với quân thù, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, gia đình, Trần Quốc Tuấn chủ động và đó chính là câu chuyện ông tự tay tắm gội cho Trần Quang Khải nổi tiếng trong lịch sử. Tuy cùng là các bậc lương đống của triều đình nhưng họ là anh em chú bác ruột. Một lần, ông đem chuyện này hỏi con trai là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Trần Quốc Nghiễn đã thưa với cha rằng dẫu khác họ cũng không ai làm vậy huống gì anh em cùng một họ. Lại một hôm, ông đem chuyện này hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Quốc Tảng khuyên cha hãy nhân cơ hội này giành lại ngôi vua. Quá tức giận, ông rút gươm kể tội con trai và cho rằng Quốc Tảng là loạn thần tặc tử. Trần Quốc Nghiễn đã dập đầu xin cha tha tội cho em, ông đồng ý tha cho nhưng truyền lệnh sau khi ông mất đậy nắp quan tài mới cho Quốc Tảng vào viếng. 
 
Khi giặc Nguyên vào cướp nước ta, Trần Quốc Tảng được giao trấn giữ Hải Ninh - An Bang và có công lao lớn, vì vậy năm 1289, ông được phong làm Tiết độ sứ. Tương truyền, địa danh Cửa Ông ở Quảng Ninh hiện nay chính là tên người dân gọi ông một cách tôn kính. Tại phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh hiện nay có đền Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng và nhiều vị tướng thời Trần. Cũng ở ngôi đền này hiện còn lăng mộ ông (xung quanh nơi ông mất còn nhiều điều chưa rõ ràng). 
 
Lúc bấy giờ trên thế giới chỉ có 2 quốc gia đã chiến thắng quân Nguyên vang dội, đó là Nhật Bản và nước Đại Việt của vua tôi, quân dân nhà Trần. Tất nhiên, chiến thắng vĩ đại của Nhân dân Đại Việt trong thế kỷ XIII có công lao to lớn của cả dân tộc. Thế nhưng, chính những hành động vô cùng cao thượng, gạt bỏ thù riêng vì lợi ích quốc gia dân tộc của Đức Hưng Đạo Vương chính là nguyên nhân quan trọng cấu kết lòng dân trong nước để vua tôi, cha con, anh em, toàn dân triệu người như một kết thành khối đoàn kết vĩ đại vùng lên nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước. Tổng kết 3 lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thắng lợi, Hưng Đạo Đại Vương đã kết luận, chiến thắng vĩ đại này là do “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”.
 
Cũng bởi tấm lòng cao thượng vô song tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc mà sau khi qua đời, Nhân dân đã tôn Ngài thành Thánh - Đức Thánh Trần. Trong tâm thức của người Việt, Ngài là cha của dân tộc: “Tháng Tám giỗ Cha (Trần Hưng Đạo), tháng Ba giỗ Mẹ (Liễu Hạnh - NV)”.
 
VŨ TRUNG KIÊN