Thống nhất đất nước 30/4: Sự cộng hưởng của nhiều nhân tố tổng hợp (kỳ cuối)

06:05, 02/05/2021

Thống nhất đất nước 30/4 là sự cộng hưởng từ nhiều nhân tố, là công lao, xương máu của mọi giới đồng bào, của đồng bào các dân tộc, tôn giáo. 

[links()]
Thống nhất đất nước: kết tinh từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào
 
Thống nhất đất nước 30/4 là sự cộng hưởng từ nhiều nhân tố, là công lao, xương máu của mọi giới đồng bào, của đồng bào các dân tộc, tôn giáo. 
 
Nhân dân chào đón Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Nhân dân chào đón Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
 
Những tên tuổi các chức sắc tôn giáo đã trở thành quen thuộc với các giới đồng bào trong các cuộc đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước như Hòa thượng Thích Quảng Đức, Thượng tọa Thích Trí Quang, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan v.v... Cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo đã làm cho cả thế giới bàng hoàng. Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã phải thốt lên rằng chưa có bức ảnh nào ám ảnh ông một cách khủng khiếp như vậy. Thượng tọa Thích Trí Quang là người có tác động quan trọng đến việc nhận chức và nhanh chóng đầu hàng của ông Dương Văn Minh vào trưa ngày 30/4/1975. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan thì là một người đặc biệt, người mà như ông Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã viết: “Trong phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước ở thành phố Sài Gòn anh được biết đến như một người xung trận quả cảm, đồng hành với trí thức, học sinh, sinh viên, phật tử và đồng bào nói chung”.
 
Giữa đô thành Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh đã xuất hiện hàng loạt những phong trào của trí thức miền Nam lên án chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Các phong trào tiêu biểu nổi tiếng có thể kể tới như: “Phong trào hòa bình”, “Ủy ban cứu tế và bảo vệ tính mạng, tài sản của dân chúng”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ”, “Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống”, “Phong trào dân tộc tự quyết”, “Ủy ban vận động hòa bình”, “Lực lượng quốc gia tiến bộ”, các phong trào đấu tranh của người Hoa ở Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris đã ra đời, đó là “Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris” quy tụ rất nhiều tên tuổi lớn của giới trí thức miền Nam v.v...
 
Trong mỗi người Việt Nam đều chảy chung dòng máu yêu nước của cha ông truyền lại từ ngàn xưa, vì vậy, có thể vì lý do này hay lý do khác, đã có lúc họ đứng ở chiến tuyến khác nhau. Thế nhưng, khi gặp những điều kiện thuận lợi, tinh thần yêu nước trong mỗi người Việt Nam lại sống lại và giúp họ có những quyết định sáng suốt. Hành động thức thời của ông Dương Văn Minh khi sớm đầu hàng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần giữ cho một Sài Gòn nguyên vẹn. Những người trong chính quyền Dương Văn Minh như Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phụ tá, sau là quyền Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định Triệu Quốc Mạnh, Bộ trưởng Thông tin Lý Quý Chung v.v... là những người đã xuất hiện rất đúng lúc, trong một thời điểm quyết định góp phần làm cho cuộc chiến vốn đã khốc liệt bớt mất mát, khổ đau v.v...
 
Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đến ngày thống nhất nước nhà, Người “sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta”. Còn nhớ, sau ngày 30/4/1975, vừa đặt chân xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam đã nói: “Thắng lợi này là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng ai”. Tinh thần ấy cũng là phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định Trần Văn Trà trong buổi tiếp và trả tự do cho toàn bộ nội các Dương Văn Minh ngày 2/5/1975: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại... Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại”. Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây cũng không một thế lực nào có thể khuất phục và chia cắt đất nước Việt Nam. 
 
Tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được trui rèn trong những thử thách mất còn của đất nước sẽ là những giá trị tiềm tàng tạo nên sức mạnh khi Tổ quốc lâm nguy. Đại đoàn kết dân tộc, sự vững mạnh và phát triển không ngừng của đất nước, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế sẽ là sức mạnh vĩ đại để Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.
 
HỒNG PHÚC