(LĐ online) - Chuyện "kho báu", kho tiền cổ mà chúng tôi đề cập trong bài viết trước ít nhiều đã cung cấp những giả thiết thú vị về những dấu tích Chăm Pa trên vùng đất Tây Nguyên....
[links()]
Bài 2: Ủy thác lịch sử
(LĐ online) - Chuyện “kho báu”, kho tiền cổ mà chúng tôi đề cập trong bài viết trước ít nhiều đã cung cấp những giả thiết thú vị về những dấu tích Chăm Pa trên vùng đất Tây Nguyên. Tuy nhiên, chứng tích về mối quan hệ giữa người Chăm với đồng bào thiểu số bản địa còn hiển hiện ở nhiều địa điểm khác; đặc biệt là những cứ liệu về sự ủy thác lịch sử mà người Chăm gửi gắm cho người Chu Ru trong cơn nguy biến. Điều hết sức ý nghĩa là đến thời điểm này, đồng bào Chu Ru ở vùng hạ lưu sông Đa Nhim vẫn chưa quên sự nương nhờ đầy tin tưởng của những người Chăm anh em từ thời ly loạn…
|
Một số cổ vật còn lại tại đền Sópmadronhay |
Những cuộc truy dấu ký ức
Để có thêm thông tin cho bài viết, chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, người đã có quá trình khảo sát rất kỹ và đã có những công bố khoa học về nội dung này. Theo bà Ngọ, các tài liệu cũ cho biết, trước đây ở Lâm Đồng chính thức có ba địa điểm chứa bảo vật của vương triều Chăm Pa mà cả ba nơi này đều là không gian sinh sống tập trung của đồng bào Chu Ru, men theo dòng sông Đa Nhim thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đó là buôn Lơbui nay thuộc huyện Đơn Dương; đền Krayo và đền Sópmadronhay nay thuộc xã Đà Loan, huyện Đức Trọng. Theo bà Ngọ, truyền thuyết của đồng bào Chu Ru vùng Tà Hine, Tà Năng còn kể rằng, có cả những kho báu Chăm được chôn dấu dưới các chân thác Gou Gar, Jrai Blang; tất nhiên, điều này không dễ kiểm chứng…
Cũng như các kho tàng bảo vật của các vua chúa, quý tộc Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận, các kho tàng chứa bảo vật Chăm ở Lâm Đồng đã nhiều lần được các nhà sử học người Pháp tới khảo sát trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ví như, năm 1902, hai nhà khảo cứu H.Parcentier và I.M.E Durand đã đến thăm hai ngôi đền nói trên. Trước khi đến, họ đã tới Phan Rí nhờ một bà cựu Công chúa Chăm dẫn đường thì người Chu Ru mới dám mở cửa đền. Năm 1905, qua bài khảo cứu “Letresor des Rois Chams” trong tập kỷ yếu “EC cole Francaise Détrêeme Orient”, tác giả Durand đã công bố về các kho tàng nói trên. Năm 1929 - 1930, nhà khảo cổ học M’Ner (cũng là người ghi nhận kho tiền cổ Păng Tiêng) tới thăm các kho tàng này và đã viết bài về các bảo vật lưu giữ tại đây và đăng trong kỷ yếu của Viện Viễn Đông bác cổ, tập 30. Năm 1955, nhà dân tộc học Jacques Dounes, trong cuốn “En sui vant la piste des hounes sur les hauts plateaux du Vietnam”, cũng đã đề cập khá chi tiết về kho báu Chăm ở vùng Tuyên Đức cũ tức Lâm Đồng ngày này.
Nhưng theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, cuộc khảo sát kỹ lưỡng nhất về kho tàng bảo vật Chăm Pa này thuộc về đoàn của GS. Nghiêm Thẩm - Chánh sự vụ, Viện Khảo cổ phụ trách Bảo tồn Cổ tích của VNCH vào tháng 12 năm 1957. Trong chuyến khảo sát này, đoàn của ông Nghiêm Thẩm đã tới cả ba địa điểm: Buôn Lơbui, đền Krayo và đền Sópmadronhay. Theo mô tả của ông Nghiêm Thẩm vào thời điểm đó thì ở Lơbui có ba điểm cất giữ các báu vật Chăm: Một nơi chứa các đồ vật quý, một nơi để đồ sứ và một nơi để y phục. Bảo vật ở đây cũng không có nhiều. Đựng trong một giỏ tre có 4 cái chén bằng bạc, mấy chiếc chén nhỏ bằng đồng và ngà voi. Ngoài ra, còn có 2 cái vành mũ của vua, một cái bằng bạc và một cái bằng vàng pha đồng. Các đồ sứ như bát, đĩa được đặt trong một cái hố đào sẵn ở trong một căn nhà riêng biệt. Chủ yếu ở đây là những chén bát sứ thông dụng của người Chăm. Còn y phục thì phần nhiều đã bị mục nát. Đồng bào Chu Ru ở buôn Lơbui cho biết, hằng năm đến tháng 7, tháng 9 theo lịch của người Chăm (tức là tháng 9 và tháng 11 dương lịch), thì những đại diện người Chăm từ Bình Thuận lên làm lễ cúng tại những nơi chứa đồ vàng bạc, y phục và đồ sứ ở buôn này…
Bảo vật ở đền Krayo thì hồi năm 1903, ông Durand tới xem qua và công bố sơ bộ vào năm 1905. Khi đoàn ông Nghiêm Thẩm tới đây khảo sát và kiểm kê các bảo vật đã so sánh, đối chiếu với số liệu mà ông Durand từng đưa ra trước đây thì có một số không khớp. Trong khi Durand thấy có 7 chiếc hộp Klon bằng vàng và khoảng 60 đồ bạc, thì đoàn ông Nghiêm Thẩm ghi nhận có tới 20 hộp Klon bằng vàng. Có lẽ tại ông Durand không được xem hết những hộp vàng trong đó đựng những hộp nhỏ hơn. Theo công bố của Durand thì có 8 giỏ tre đựng đồ vàng bạc nhưng lúc này (1957) chỉ còn 6 giỏ. Ngoài ra, còn có 3 miếng vàng lá hình chữ nhật có chạm trổ hoa văn, trong đó có một miếng chạm trổ rất đẹp và tinh vi để phủ lên trên hia và một số vật dụng khác bằng kim khí gồm 56 chiếc và 24 khẩu súng dài, 1 khẩu súng ngắn. Ngoài các đồ kim khí kể trên còn có nhiều đồ vải vóc gồm có triều phục Việt Nam và kiểu Chăm đựng trong rương gỗ. Riêng kho tàng tại đền Sópmandronhay, theo báo cáo của ông Nghiêm Thẩm thì các bảo vật ở đây có thể chia làm 5 loại: Binh khí, tự khí (đồ thờ - trong loại này có những đồ bằng vàng, bạc có chạm trổ), dụng cụ giao thông và y phục; trong đó, có đồ Chăm và triều phục của triều đình Việt Nam. So sánh thực tế với tài liệu của Durand, ông Nghiêm Thẩm khẳng định, kho tàng này chính là “kho tàng Lavan” như cách gọi của ông Durand. Đối chiếu với tài liệu trên, phái đoàn Viện Khảo cổ còn phát hiện thiếu 6 hay 7 đồ vàng, nhưng những đồ vàng này mất trong trường hợp nào thì dân làng Sóp cũng không ai nhớ rõ.
Ngoài các bảo vật kể trên, tại đền Sópmadronhay, GS. Nghiêm Thẩm và các cộng sự của mình còn tìm thấy một số con dấu và triện bằng chữ Hán. Các con dấu và triện này có thể chia làm hai loại. Loại thứ nhất là những con dấu thuộc về hành chính thường dùng cuối đời Lê đầu đời Nguyễn. Loại thứ hai là những con dấu mang chức tước và tên của những người được phép sử dụng con dấu đó.
Xác thực chủ nhân kho báu
Từ những thông tin trên các con dấu và ấn tín tìm thấy trên đền Sópmadronhay, sau khi tra cứu sử liệu, phái đoàn của ông Nghiêm Thẩm cho rằng, những con dấu và ấn tín trên đây là của một phiên vương Chăm tên là Môn Lai Phu Tử. Lý giải này bám theo lịch sử nhà Nguyễn, trong Đại Nam thực lục chính biên và Đại Nam chính biên liệt truyện có chép: Năm Canh Tuất 1790, con vua Chăm ở trấn Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử đem liên thuộc và dân chúng theo vua Gia Long đánh quân Tây Sơn. Sau được phong chức Chưởng cơ và được lấy tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu. Nhưng ít lâu sau đó, Chiêu phạm tội và bị cách chức. Có lẽ, sau đó Môn Lai Phu Tử đã mang theo những người thân thuộc lên miền núi lánh nạn và sống với đồng bào Chu Ru. Vì vậy, mới thấy các ấn tín, triều phục và đồ dùng bằng vàng, bạc của phiên vương này tại đền Sópmadronhay thuộc đất buôn Sóp của người Chu Ru.
Từ xưa, các bảo vật Chăm vẫn được con cháu các vua Chăm giữ. Nhưng khi Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt) cùng dư đảng nổi lên chống lại triều đình nhà Nguyễn vào năm 1831, chiếm ba tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết, một số con cháu của vua Chăm đã cộng tác với Khôi nên đã tạo nên biến cố. Cuộc nổi loạn thất bại, quân triều đình đã thẳng tay tàn sát dân Chăm. Bởi thế, một bộ phận phải phiêu dạt qua đất Campuchia, một bộ phận khác dắt díu nhau lên miền núi lánh nạn. Họ sống trà trộn cùng đồng bào thiểu số bản địa; trong đó, có người Chu Ru. Khi đi, họ mang theo những báu vật của tổ tiên, mà những gì sót lại trong các buôn làng và đền thờ đã thể hiện điều đó. Đến năm 1840, vua Thiệu Trị ban chiếu chiêu an “tha tội cho người Chăm” và truy phong cho một dòng dõi vua Chăm là Poklongkahul. Tuy vậy, con cháu vua Chăm vẫn gửi cho đồng bào Chu Ru trên miền thượng du này cất giữ và thờ cúng giúp những hộp Klon - phần quan trọng nhất trong hài cốt của tổ tiên họ. (Theo phong tục của người Chăm theo đạo Bàlamon thì sau khi chết, xác người được hỏa thiêu và giữ lại 9 mảnh xương trán. Những mảnh xương này được để trong các hộp Klon. Hộp Klon của vua được các con cháu cất giữ trong nhà cho đến khi xây được tháp thờ và khi tháp thờ hoàn tất, hộp Klon sẽ được chôn dưới chân tượng trong tháp - PV). Bởi biến cố lịch sử khôn lường, những hộp Klon được hậu duệ vương triều cuối cùng của Chăm Pa ủy thác cho người Chu Ru cất giữ đã không bao giờ được trở về chôn vào chân tháp ở quê nhà…
|
Cảnh đồng bào Chu Ru cúng đền Karyo thờ Vua và Hoàng hậu Chăm Pa |
Khảo sát của Bảo tàng Lâm Đồng
Theo bà Đoàn Bích Ngọ, những bảo vật của vương triều Chăm Pa cất dấu ở buôn Lơbui hiện nay không còn nữa. Nhưng hai ngôi đền cổ hiện vẫn tồn tại ở vùng Đà Loan của huyện Đức Trọng. Bảo tàng Lâm Đồng đã có cuộc khảo sát, kiểm kê phổ thông đối với hai ngôi đền này.
Đền Sópmadronhay nằm giữa rừng sâu. Đền được làm bằng những cây gỗ tròn nhỏ, mái lợp tranh, xung quanh được che bằng những tấm liếp lồ ô. Trong đền có hai gian, có gác ở hai bên, bên phải thờ ông, bên trái thờ bà. Theo số liệu kiểm kê, trong bộ đồ thờ, ngoài 2 cái bát lớn bằng đồng màu đen thường dùng để đựng nước cúng, còn có 15 hiện vật bằng gốm sứ (chủ yếu là gốm hoa lam). Đặc biệt, trong đó có một chiếc tô bên ngoài có những ô viết chữ Hán và một liễn sứ men trắng vẽ lam. Thầy cúng Za Theng cho biết, trước đây còn có nhiều đồ dùng bằng vàng, bạc, có cả kho y phục bằng lụa của người Chăm. Ông Za Theng cũng nói rằng, trước khi đặt ở địa điểm này, đền Sópmadronhay đã được chuyển chỗ năm lần, bởi theo tục lệ thì cứ 50 năm chuyển chỗ một lần…
Đền Krayo cũng được làm bằng các vật liệu sẵn có ở rừng với kiến trúc sơ sài. Đền thờ vua Chăm Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua. Theo lời kể của dân làng, trước đây đền có cả kho đựng đồ đạc và y phục của vua Chăm. Ngày trước có những họp Klon bằng vàng, mỗi hộp có ba lớp từ lớn đến nhỏ đựng tro và xương trán của vua và hoàng hậu, 500 chiếc chén và 4 mâm thờ bằng bạc, một vương miện bằng vàng, 4 rương quần áo có viền vàng và 52 cây súng. Nhưng tất cả đều bị mất dần. Tại thời điểm kiểm kê, đền Krayo chỉ còn lại 18 cây súng dài và ngắn, một chiếc bình bằng bạc, 5 cái bát lớn nhỏ men trắng vẽ lam; một chén nhỏ men màu trắng đục xung quanh có hoa văn hình cánh sen, giữa thân có vẽ rồng ba móng.
Theo lời kể của người địa phương, vào rất nhiều năm trước, có bà Ma Thèm (vốn dòng dõi vua Chăm) ở Bình Thuận vẫn mang lễ vật lên cúng ở đền, nhưng sau này con cháu của bà không còn xuất hiện. Dù người Chăm ít khi liên hệ nhưng người Chu Ru chưa bao giờ quên những ủy thác từ thời tổ tiên. Chị Ma Nguyệt, trưởng thôn Sóp (xã Đà Loan) nói với chúng tôi rằng, đồng bào Chu Ru quê chị vẫn luôn coi hai ngôi đền Krayo và Sópmadronhay là hai cơ sở thờ tự thiêng liêng, họ vẫn tổ chức cúng tế trang trọng theo tục lễ xưa…
(Bài 3: Cảm nhận và sử liệu)
UÔNG THÁI BIỂU