Di tích Cát Tiên - chuyện bây giờ mới kể (kỳ cuối)

04:08, 08/08/2021

(LĐ online) - Đầu tháng 8 năm 2006, song song với việc khai quật 4 lò gạch cổ trên cánh đồng Bảy Mẫu thôn 1, xã Quảng Ngãi, tiến sĩ Đào Lin Côn và tiến sĩ Bùi Chí Hoàng quyết định mở một loạt hố thám sát dọc theo dải đất bên tả ngạn sông Đồng Nai...

[links()]
 
Kỳ cuối: Gò Ông Định và tấm bia đá bí ẩn 
 
(LĐ online) - Đầu tháng 8 năm 2006, song song với việc khai quật 4 lò gạch cổ trên cánh đồng Bảy Mẫu thôn 1, xã Quảng Ngãi, tiến sĩ Đào Lin Côn và tiến sĩ Bùi Chí Hoàng quyết định mở một loạt hố thám sát dọc theo dải đất bên tả ngạn sông Đồng Nai. Bắt đầu từ gò Ông Định (còn gọi là Gò 8) đến Tập đoàn 10 thuộc xã Quảng Ngãi dài gần 2km, song song với con đường vào trung tâm huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng…
 
Lối cửa chính của tháp tại Gò Ông Định sau khi bóc lộ. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Lối cửa chính của tháp tại Gò Ông Định sau khi bóc lộ. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Trong lúc anh em đo đạc, mở hố thám sát, tôi và anh Bùi Chí Hoàng được anh Nguyễn Tơ là nhân viên tổ bảo vệ di tích dẫn đường đi khảo sát dọc theo bờ sông Đồng Nai hướng lên phía thượng nguồn Đạ Đờng. 
 
Gia đình anh Tơ đã di cư từ ngoài Quảng Ngãi vào lập nghiệp ở vùng này từ năm 1984. Vốn từng là một võ sĩ nên anh có vóc dáng khá cao lớn, làn da ngăm, bước đi chắc nịch, với cây dao rựa sắc lẻm anh phăm phăm đi trước phát những cây dại, dây leo vướng dọc lối đi. Vừa đi anh vừa kể cho chúng tôi nghe về sự hoang vắng của vùng đất này khi mới vào khai hoang lập nghiệp. Ngày ấy đường đi lại rất khó khăn, xung quanh rừng núi heo hút, nhà nhà cách xa nhau. Mỗi xóm chỉ có dăm bảy nhà, người Huế ở cùng người Huế, người Quảng ở cùng người Quảng. Khi đi ngang qua Gò 8 còn được gọi là gò Ông Định, tôi hỏi sao có tên “gò Ông Định”, anh Tơ liền kể cho chúng tôi biết rằng khi mới vào đây lập nghiệp, thấy cái gò cao nhô lên giữa đồng cỏ gia đình ông Định đã chọn cất nhà trên gò ở, về sau khi đoàn khảo cổ đến khảo sát mới dời xuống phía dưới xóm thuộc tập đoàn 3, xã Quảng Ngãi. Anh Tơ còn kể cho chúng tôi nghe về cái chết thương tâm và hơi li kỳ của anh Định con (nhà có hai cha con đều đặt tên Định). 
 
Chuyện là, hồi đó nhà ông Định ngoài nghề nông còn làm nghề đánh cá trên sông Đồng Nai, anh Định là một trong những người đánh cá giỏi trong vùng. Một buổi sáng sớm như thường lệ, anh ra sông đi đánh cá về để kịp cho người nhà đi chợ bán. Không ngờ đó là buổi sáng định mệnh của đời anh. Trong khi đánh cá bị mìn nổ trên tay, anh bị thương nặng ngã xuống sông, được mấy người cũng đang đánh cá gần đấy vớt lên võng gánh đi trạm y tế cấp cứu. Trên đường đi, mọi người hỏi sao khi đánh cá không ném để mìn nổ trên tay? Anh nói rằng ngày hôm đó ra sông anh gặp đàn cá chép vàng rất lớn và đông, đây là đàn cá mà nhiều người đánh cá trên sông Đồng Nai từng gặp nhưng chưa ai đánh được. Anh vội lấy mìn đốt dây cháy chậm nhưng “khi giơ lên để ném xuống đàn cá thì thấy đó là một đoàn người”. Trong giây phút lưỡng lự anh đã để mìn nổ trên tay nên bị thương ngã nhào xuống nước…Anh Tơ còn kể thêm, do mọi người phải khiêng trên võng đi bộ đường rừng quá xa nên anh Định đã mất trước khi đến được trạm y tế, và cái tên gò Ông Định (gò số 8 trong quần thể Di tích Cát Tiên) bắt nguồn từ việc đỉnh gò 8 từng là nền ngôi nhà cũ của gia đình ông Định…
 
Tiến sĩ Đào Lin Côn đang chỉ đạo khai quật tại Gò Ông Định (người mặc bộ đồ trắng, đội nón lá đứng giữa gần nhóm khiêng đất). Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Tiến sĩ Đào Lin Côn đang chỉ đạo khai quật tại Gò Ông Định (người mặc bộ đồ trắng, đội nón lá đứng giữa gần nhóm khiêng đất). Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
* * *
 
Tiếp tục ngược bờ sông Đồng Nai lên hướng thượng nguồn, từ Tập đoàn 3 đến Tập đoàn 10 thuộc xã Quảng Ngãi, chúng tôi có ghé thăm gặp gỡ một số hộ dân sống ở đây, trong đó có ông Đoàn Quốc. Qua cuộc trò chuyện được biết, ông Quốc là người gốc Quảng Ngãi vào lập nghiệp và cũng làm nghề đánh cá trên sông Đồng Nai ngày ấy. Ông còn cho chúng tôi biết thêm về những người đánh cá và đàn cá chép vàng. Hồi đó vào mùa khô, nước cạn, những người đánh cá biết lặn giỏi thường lặn xuống vực sông nằm bên tả ngạn sông đồng Nai, nơi dòng nước uốn lượn ôm lấy bờ sông nơi sát với khu vực di tích Cát Tiên để tìm nơi ẩn náu của đàn cá chép vàng và họ đã nhìn thấy một tấm bia đá lớn có khắc chữ nằm sâu dưới đáy vực nước… 
 
Từ câu chuyện của anh Tơ và ông Quốc, tôi chợt nhớ tới những lần ngồi trò chuyện với những nhân công là người dân trong vùng. Họ cho biết, trước đây đã từng nghe những người đi săn đồ cổ, đào phá những gò tháp ở khu vực di tích Cát Tiên bây giờ, kể rằng: Khi đào ở đây họ gặp rất nhiều tượng đá, cứ tưởng trong đó có vàng nên đã đập vỡ rồi vứt bỏ, đẩy xuống sông Đồng Nai. Phải chăng tấm bia đá này là có thật và nó cũng đã chung số phận như những tượng đá vô tội nói trên?!...Tấm bia đá mang theo những thông điệp quí giá về Thánh địa tôn giáo của một vương quốc cổ xưa đầy bí ẩn đã từng tồn tại cả ngàn năm trước đã bị những kẻ bất lương đẩy xuống vực sâu, tôi xót xa nghĩ mà lòng dấy lên nỗi buồn, tiếc nuối vô hạn…
 
GS. Trần Quốc Vượng (người mặc áo ghi lê) cùng các nhà khoa học nghiên cứu tại hiện trường di tích Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
GS. Trần Quốc Vượng (người mặc áo ghi lê) cùng các nhà khoa học nghiên cứu tại hiện trường di tích Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
* * *
 
Sau hơn 30 năm từ khi được phát hiện (1985) đến nay, dẫu đã tiến hành nhiều đợt khai quật, nghiên cứu với những hội thảo khoa học, Di tích Cát Tiên được biết đến như một “đô thị tôn giáo” của vùng đất phương Nam, nằm giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Một khu thánh địa ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, khoa học, nghệ thuật riêng biệt, độc đáo của một nền văn hóa của cư dân cổ, một vương quốc độc lập, ngoài những nét tương đồng với một số nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ khác như văn hóa Óc Eo, Chăm Pa. Thánh địa Cát Tiên đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997. Đến năm 2014 được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Công việc khai quật và nghiên cứu về di tích Cát Tiên hiện nay vẫn đang được tiếp tục để khám phá, giải mã những điều bí ẩn của một khu thánh địa bị vùi chôn trong lòng đất hơn ngàn năm trước.
 
Với tôi, cứ mỗi lần về lại Cát Tiên, thăm di tích thả bộ dọc bờ sông, vẫn không quên ngắm dòng nước cuộn chảy với những con xoáy mang nặng phù sa đổ về nơi vực sâu, nơi có chăng tấm bia đá mang theo thông điệp về chủ nhân bí ẩn của khu thánh địa Cát Tiên. Một nền văn hóa đã có một thời ánh lên tỏa sáng ở vùng đất Nam Tây Nguyên giàu huyền thoại đang bị chôn vùi trong lớp phù sa, trầm tích dưới dòng sông. Tấm bia mà trong câu chuyện vô tình tôi đã được nghe kể trong chuyến khảo sát về di tích 15 năm trước qua những người dân nơi đây từ những buổi đầu đi khai hoang lập ấp, lòng lại đau đáu không nguôi vì tiếc nuối…
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ