(LĐ online) - Gần trọn cuộc đời làm việc, tôi gắn với Bảo tàng Lâm Đồng trong vai trò một chuyên viên bảo tồn. Đã cùng đồng nghiệp tham gia nhiều dự án, nhưng có lẽ, những cuộc thám sát, khai quật Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Cát Tiên là để lại trong tôi những ấn tượng quý giá nhất...
[links()]
(LĐ online) - Gần trọn cuộc đời làm việc, tôi gắn với Bảo tàng Lâm Đồng trong vai trò một chuyên viên bảo tồn. Đã cùng đồng nghiệp tham gia nhiều dự án, nhưng có lẽ, những cuộc thám sát, khai quật Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Cát Tiên là để lại trong tôi những ấn tượng quý giá nhất. Mở trang nhật ký cá nhân từ gần ba mươi năm trước, xin được ghi lại dòng ký ức một thời, những câu chuyện bây giờ mới kể..
Kỳ I: Cát Tiên, ấn tượng buổi đầu
Đầu tháng 4 năm 1996, vừa ló mặt lên cơ quan sau chuyến sưu tầm hiện vật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Trọng về, anh Vũ Nhất Nguyên - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, gọi tôi vào dặn dò: “Em chuẩn bị đi Cát Tiên nhé! Mai đi cùng với Bình, Thủy, Toàn, Lạc xuống trước, vài hôm nữa đoàn khảo cổ vào anh sẽ xuống sau.” Biết là đi tiền trạm sẽ vất vả nhưng tôi vẫn rất hăm hở vì đây là lần đầu tiên tham gia khai quật khảo cổ mà lại là tại di tích Cát Tiên xa xôi với bao câu chuyện bí ẩn mà ngay từ ngày bước chân vào cơ quan tôi đã từng được nghe các đồng nghiệp nhiều năm gắn bó với nơi đây trong những chuyến công tác điền dã dân tộc học kể nhiều về nó…
|
Đoàn cán bộ Trung tâm khảo cổ học, thuộc Viện KHXH vùng Nam Bộ và cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Lâm Đồng đang thám sát Di tích Đức Phổ năm 1985. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Di tích Cát Tiên được những người dân đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới phát hiện và báo cho chị Đinh Thị Nga, Hồ Thị Thanh Bình là hai cán bộ bảo tàng đi sưu tầm hiện vật dân tộc Mạ ở buôn Go gần đó đến khảo sát. Cuối năm 1985, Bảo tàng Lâm Đồng đã kết nối với Trung tâm Khảo cổ (thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, sau gọi là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tiến hành điều tra, thám sát ở một số điểm tại xã Đồng Nai và xã Quảng Ngãi. Đoàn đã có báo cáo sơ bộ về di tích Đức Phổ (lúc đó chưa gọi là di tích Cát Tiên, tên di tích Cát Tiên là sau này do đoàn của Viện Khảo cổ học Việt Nam đặt khi chính thức tổ chức khai quật). Tiếp đến là đoàn của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam do anh Vũ Quốc Hiến vào khảo sát nhưng rồi cũng không thấy hồi âm. Cũng có thể là do thời gian này đất nước còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp…
Di tích nằm giữa vùng rừng núi heo hút, xa xôi, giao thông khó khăn, Cát Tiên cũng là một huyện mới được tách ra chưa ổn định. Lúc này xung quanh khu vực phát hiện di tích chỉ có vài buôn làng của người Mạ, Stiêng và rải rác năm, bảy nóc nhà tranh tạm bợ của những người dân di cư tự do đến khai hoang, lập nghiệp. Mãi gần 10 năm sau khi được phát hiện, năm 1994 di tích mới được quan tâm chú ý đưa vào chương trình khai quật quy mô, dài hơi, sau cuộc khảo sát của đoàn cán bộ Viện khảo cổ học Việt Nam do Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh và tiến sĩ Lê Đình Phụng vào thực hiện đề tài Khảo cổ học Tây Nguyên, một trong 3 đề tài quan trọng thuộc chương trình nghiên cứu khảo cổ học Tây Nguyên - Trường Sa - Nam Bộ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện.
* * *
Xe chở đoàn chúng tôi xuất phát từ Đà Lạt lúc 6h sáng mà ì ạch mãi 2h chiều mới tới được Cát Tiên. Dọc đường đi tôi cố gợi chuyện hỏi mấy anh chị đường vào Cát Tiên dạo này thế nào còn khó không, nhưng ai cũng tủm tỉm cười bảo khắc đi khắc biết. Xe chạy qua địa phận huyện Đạ huoai nơi có núi Lu Bu với một cột đá cao sừng sững (mà sau này trong chuyến khảo sát đầu tiên về vùng Cát Tiên giáo sư Trần Quốc Vượng đã gọi đây là núi Chúa của khu thánh địa và khối đá đó chính là Linga - parva tự nhiên của vùng địa văn hóa Nam Tây Nguyên) được chừng 1km thì rẽ phải vào theo con đường đất, rải đá cấp phối. Từ đây, xe cứ lắc lư, thi thoảng lại chồm lên như con ngựa bất kham khi rơi vào những “ổ voi”. Bác tài cứ như làm xiếc với chiếc vô lăng, còn chúng tôi thì cố ôm chặt lưng băng ghế trước cho đỡ xô vào nhau. Kính chắn gió đã được đóng kín vì bụi tràn vào mặc dù lúc này trong xe rất nóng nực, ngột ngạt. Ấy vậy mà từ đây các anh chị đồng nghiệp của tôi mới chịu mở miệng, chỉ trỏ và cắt nghĩa các địa danh “nổi tiếng” lâu nay trên đường vào di tích. Đây là “Dốc Mạ ơi” tên nghe như một tiếng kêu thảnh thốt. “Cậu Ba” (biệt danh chúng tôi đặt cho anh Toàn, một cán bộ sưu tầm dày dạn kinh nghiệm và xông xáo của Bảo tàng) đưa tay vỗ vai tôi, này em biết không ngày trước bà con người Huế vào đây khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, ngày nào cũng phải leo qua con dốc cao mệt quá nên thốt lên hai tiếng “Mạ ơi!”, từ đó thuận miệng mọi người gọi vui sau dần thành quen. Mà đúng thật, con dốc rất cao, đi bộ thì cũng phải mỏi gối, chân chồn, gần đó có xã Đạ Lây phần đông là bà con gốc Huế sinh sống. Tiếp đến là “Dốc Khỉ” nơi đồi núi hai bên đường có nhiều đàn khỉ sinh sống, chúng thường mò ra vui đùa tự nhiên không có vẻ gì sợ sệt thậm chí nghe kể có con còn dám nhảy lên gánh, gùi của người qua đường cướp lấy đồ ăn. Rồi “Dốc Đá mài”, nơi có loại đá xám xanh, những người dân đi khai hoang thường dừng chân mài dao, rựa, công cụ lao động hoặc mang về làm đá mài,...
|
Một góc thung lũng nơi tập trung nhiều đền tháp của di tích Cát Tiên năm 1996. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Vượt qua Dốc Khỉ cũng là đã vào địa phận khu trung tâm của di tích (xã Quảng Ngãi). Xe dừng lại giữa lưng chừng một thung lũng. Trong lúc mọi người bước ra khỏi xe, quạt lấy quạt để và hít hà chút không khí bên ngoài sau mấy tiếng đồng hồ bí bức, tôi tranh thủ quan sát thấy mình đang đứng giữa một thung lũng hẹp, xung quanh bao bọc bởi những đồi núi bạt ngàn nứa và lồ ô đan xen với một ít cây rừng. Trong thung, dọc theo hai bên đường rải rác 5 -7 nóc nhà lá thấp thoáng giữa những vườn điều xơ xác trong cái nắng của mùa khô Tây Nguyên. Đây đó mấy con bò mẹ trốn nắng dưới gốc cây cất tiếng “ùm... bò.” gấp gáp gọi con. Không khí cứ như đông lại với cái nóng hầm hập. Mặc dù thấm mệt, nhưng mọi người giục nhau tranh thủ chuyển đồ đạc vào nhà. Chủ nhà là anh Triệu Văn Cẩm, một gia đình người Tày từ miền Bắc di cư vào đây sinh sống. Căn nhà của anh đã được Bảo tàng thuê mượn làm “đại bản doanh” cho đoàn công tác.
Thấy chúng tôi xuống, anh chị Cẩm đã nhờ thêm mấy người hàng xóm cũng là bà con người Tày ở phía Bắc vào, lấy mấy tấm ván xẻ gác trên xà nhà xuống kê sạp nằm cho đoàn ở hai gian ngoài. Nhà tuy tuềnh toàng nhưng được cái gia chủ khá vui vẻ, xởi lởi nên mọi người cảm thấy khá thoải mái. Nghỉ ngơi một lúc, chúng tôi bắt tay vào công việc. Người lo liên hệ địa phương tuyển nhân công, người lo chuẩn bị công cụ: bay, cuốc, xẻng, ra đồi chặt nứa, lồ ô đan sọt, làm cáng tre khiêng đất đào khảo cổ. Mấy người nữ dọn dẹp sắp xếp chỗ ăn ở, hậu cần cho đoàn hơn chục người. Chuyện cơm nước thì tuyển luôn chị chủ nhà và cô Vân hàng xóm làm nghề hàng xáo khá nhanh nhẹn, hoạt bát và quen việc chợ búa. Vân có khuôn mặt khá duyên với đôi má lúm đồng tiền xinh xắn, cô vốn là gái xứ Thanh theo chồng vào lập nghiệp ở vùng đất mới…
Đêm đầu tiên nằm lăn lóc trên sạp ván vừa thô ráp lại cứng ngắc, khi toàn thân đã được “mát xa” mấy tiếng đồng hồ trên xe, lại chưa quen với cái nóng hầm hập bí bách giữa thung lũng, tôi không tài nào ngủ được mặc dù cả ngày rất mệt. Đêm đó tôi đã được thưởng thức một bản hợp ca đầy đủ âm thanh của núi rừng. Từ tiếng hú dài của các loài thú, vượn, vọoc, tiếng chim vạc, sếu, bìm bịp từ bên kia rừng Cấm vọng sang xen với tiếng tắc kè trên mái nhà, tiếng côn trùng ngoài vườn, chao ơi đủ cả, đôi lúc cũng cảm thấy rờn rợn. Ánh đèn măng sông treo bên chái nhà hắt vào cũng không đủ sáng để cho tôi bớt sợ, nằm mà còn lo chẳng may nó vụt tắt. Ừm! không nhắm mắt được thì nằm ngắm sao trời, tôi bắt đầu tìm thú vui để quên những gì đang diễn ra trong đêm. Mà cũng vui thật, đây đúng là “khách sạn ngàn sao”, nhà lợp tranh kiểu gì mà nhiều chỗ cứ thưa hở trống hoác nhìn thấy cả sao trời. Vách mang tiếng thưng mà cũng thể “lộng phong lộng nguyệt”. Thế này thì “chỗ nào cũng mát”, tôi trộm nghĩ rồi lại cười thầm biết đâu đây là một sáng kiến, chủ đích của chủ nhà để đối phó với khí hậu khắc nghiệt…
* * *
Ngày hôm sau anh Vũ Nhất Nguyên cùng đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam từ Hà Nội vào gồm có Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh, tiến sĩ Lê Đình Phụng, tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông và anh Cường họa sĩ đã xuống di tích để chuẩn bị cho khai quật đợt 2.
|
Quang cảnh phía Bắc Di tích Cát tiên sông Đồng Nai nhin từ Gò IA Năm 1996. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Vừa cơm nước xong, để tranh thủ thời gian cho cuộc khai quật, Phó giáo sư Chinh đã vội vã giục mọi người đi khảo sát lại toàn khu vực có di tích để xác định chọn điểm tiến hành khai quật trước. Tuy hồi đó tuổi đã ngoại lục tuần, nhưng giáo sư Chinh trông vẫn khá khỏe mạnh, dáng người thấp đậm đi đứng rất nhanh nhẹn. Cởi bỏ đôi giày Tây, thọc vội đôi bốt nhựa, phút chốc đã thấy ông có mặt ở trước đoàn. Mặc dù đã trải qua một đêm không ngủ nhưng tôi vẫn cố bám theo đoàn vì đây cũng là dịp trải nghiệm, khám phá cái bí ẩn của “chốn thiêng” mà lâu nay mới chỉ là sự khởi nguồn.
Di tích Cát Tiên lúc này mặc dù đã qua một mùa khai quật chính thức và khá qui mô do Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện nhưng sự xuất lộ của các phế tích vẫn còn quá khiêm tốn giữa không gian mênh mang của một khu thánh địa bị vùi chôn, lãng quên trong lòng đất dưới tán cây rừng và dưới lớp phù sa bồi lấp của dòng Đạ Đờng không mấy hiền hòa trong mùa mưa lũ giữa đại ngàn Nam Tây Nguyên. Mấy điểm đã khai quật ở đây lúc này mới chỉ như con tem trên mình con voi vậy. Theo chân Phó giáo sư Chinh và các anh trong đoàn khảo sát lại hiện trường khu di tích, tôi nhận thấy ở đây từ những đợt khảo sát trước các nhà khảo cổ đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng và đã tiến hành đánh số, đặt tên kí hiệu cho các điểm có dấu vết kiến trúc trên các gò đất nổi lên giữa thung lũng và các đồi núi trong khu vực, theo trục từ Đông sang Tây. Chỉ riêng ở khu vực xã Quảng Ngãi đã có tới 7 cụm di tích, ngoài ra các di tích khác ở xã Đức Phổ cũng đã được khảo sát đánh số. Nhưng chỉ mới có một số điểm di tích đã được bóc lộ gần như đầy đủ diện mạo của phế tích đền tháp như: Gò IIA, Gò IIB, Gò V, còn tất cả những nơi khác thì đang chìm trong cảnh hoang tàn với ngổn ngang những cấu kiện kiến trúc như thanh ốp cửa, mi cửa, ngõng cửa, bộ ngẫu tượng Linga-Yoni bằng đá xám nằm nửa chìm nửa nổi bị cỏ, cây rừng che phủ.
Dưới ánh hoàng hôn nhạt nắng của rừng chiều trong tôi chợt trào lên một cảm xúc rất lạ. Tôi cảm thấy mình như đang lạc vào miền cổ tích trong không khí linh thiêng của một khu thánh địa hoành tráng đang hiện hữu chẳng khác nào một Mỹ Sơn hoặc là một Ăngcovat. Đây phải chăng cũng là duyên nợ giữa tôi, các đồng nghiệp của tôi và các nhà khảo cổ với - khu thánh địa Cát Tiên, với mảnh đất nơi này hơn 25 năm có lẻ về sau…
(Xem tiếp kỳ sau)
Kỳ II: Bí ẩn “kho thiêng” và bộ ngẫu tượng “kỷ lục”
ĐOÀN BÍCH NGỌ