(LĐ online) - Di tích Cát Tiên sau 4 mùa khai quật được tiến hành với sự phối hợp giữa Bảo tàng Lâm Đồng với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã kết thúc với Hội thảo khoa học Cát Tiên lần thứ nhất năm 2001. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra những nhận định khái quát…
[links()]
Kỳ III: Cuộc khai quật “chữa cháy” và trận lũ lịch sử
(LĐ online) - Di tích Cát Tiên sau 4 mùa khai quật được tiến hành với sự phối hợp giữa Bảo tàng Lâm Đồng với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã kết thúc với Hội thảo khoa học Cát Tiên lần thứ nhất năm 2001. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra những nhận định khái quát…
|
TS Bùi Chí Hoàng - người đứng thứ 2 (từ trái sang phải) và tác giả Đoàn Bích Ngọ (nữ) cùng các cán bộ khảo cổ đang tác nghiệp tại hiện trường khai quật lò gạch cổ trên cánh đồng Bảy Mẫu. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Cuộc hội thảo khoa học này đã hội tụ được đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học thuộc các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trong cả nước như: Cục Bảo tồn bảo tàng - Bộ VHTT-DL, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Hội Sử học Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng, Trung tâm thiết kế tu bổ di tích trung ương, một số bảo tàng trong nước tham gia. Từ kết quả khai quật, hội thảo bước đầu đã có những đánh giá về giá trị khoa học, văn hóa - nghệ thuật cũng như tầm quan trọng của di tích Cát Tiên trong vấn đề nghiên cứu lịch sử vùng văn hóa Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tiếp nối sau đó, từ năm 2002 đến năm 2006, Bảo tàng Lâm Đồng lại tiếp tục phối hợp với Trung tâm khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục chương trình khai quật nghiên cứu Di tích Cát Tiên. Thời gian này huyện Cát Tiên đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt hơn trước. Cuộc sống của bà con xóm núi vùng di tích Cát Tiên cũng ổn định hơn, đã có nhiều căn nhà xây cấp 4 thay cho những mái nhà tranh vách ván sơ sài trước đây. Nhà anh chị Cẩm cũng vậy nhưng tính xởi lởi, mến khách của gia chủ thì vẫn không hề thay đổi.
Để công việc được thực hiện với tiến độ nhanh tránh mùa mưa, Trung tâm khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Bảo tàng Lâm Đồng đã huy động hết toàn lực tham gia. Ở Trung tâm khảo cổ thuộc Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, ngoài các lãnh đạo và cán bộ kỳ cựu như các anh: Đào Lin Côn giám đốc Trung tâm khảo cổ, anh Bùi Chí Hoàng Phó giám đốc Trung tâm khảo cổ, anh Nguyễn Văn Long (Ba Long), anh Bùi Xuân Long (Long vẽ) còn có các bạn trẻ: Nguyễn Khánh Trung Kiên (nay là Phó Viện Trưởng Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Nguyễn Quốc Mạnh (nay là Phó giám đốc Trung tâm khảo cổ thuộc Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ); rồi Quỳnh, Chinh, Phong, Kính, Phượng. Phía Bảo tàng Lâm Đồng có anh Vũ Nhất Nguyên giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, chị Phạm Thị Hải Phó giám đốc Bảo tàng và tôi Đoàn Bích Ngọ (Đoàn Thị Ngọ) - Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Lâm Đồng, chị Hồ Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo Tàng, anh Lương Nguyên Minh - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo Tàng, anh Lạc, anh Toàn, chị Nguyệt và các em Đức Hà, Đức Hải, Nguyễn Văn Hường (sau này là Phó Tổng biên tập Báo Giao thông, Phó Tổng biên tập Tạp chí Giao thông vận tải), về sau có thêm Minh Ngọc, Xuân Dũng.
Sáng nào cùng vậy, vừa ăn cơm, anh Đào Lin Côn vừa phân công cho các thành viên trong đoàn, từ việc chuyên môn, đến giám sát nhân công để ra công trường ai cũng tự chủ động với nhiệm vụ của mình.
* * *
Giữa lúc công việc khai quật đang đồng loạt mở ra trên diện rộng tại khu vực trung tâm gồm các gò: Gò IIC, IID, Gò III để tranh thủ kết thúc trong mùa khô thì nhận được tin báo của chính quyền địa phương: khi làm đường liên thôn đi qua khu vực di tích ở xã Đức Phổ đã phát hiện nhiều gạch vỡ và một mảnh vỡ từ một tấm bia đá có khắc văn tự. Bảo tàng Lâm Đồng đã cùng đoàn cán bộ Trung tâm khảo cổ làm báo cáo Sở VHTT Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm đồng làm tờ trình gửi Bộ VHTT xin cấp phép khai quật khẩn cấp đối với di tích Đức Phổ thuộc khu di tích Cát Tiên. Vào cuối năm 2003, một cuộc khai quật khẩn cấp mang tính chữa cháy (không có trong kế hoạch) đối với di tích Đức Phổ được gấp rút tiến hành.
|
Ông Vũ Nhất Nguyên giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng (người đứng dầu tiên từ phải qua trái) đang trao đổi với các nhà khảo cổ tại hiện trường khai quật Di tích Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Đây cũng là giai đoạn khó khăn thử thách nhất đối với đoàn chúng tôi, bởi lúc này trên công trường khai quật tại khu trung tâm vẫn chưa dứt điểm. Trước đó anh chị em trong đoàn công tác của Trung tâm khảo cổ thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lâm Đồng đã phải căng mình dưới nắng ngoài hiện trường cả tháng trời nên đã rất mệt mỏi. Bây giờ mở thêm điểm khai quật mới lại cách xa nơi ở, sinh hoạt của đoàn. Lúc này tôi (Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Lâm Đồng) và chị Thủy kế toán, được Giám đốc Nguyên giao nhiệm vụ dẫn quân xuống đổi ca cho đoàn của Phó giám đốc Phạm Thị Hải và anh Lương Nguyên Minh lúc đó là Phó trưởng phòng nghiệp vụ về lại Đà Lạt. Xuống tới nơi, sau khi trao đổi với lãnh đạo đoàn khảo cổ để tiến hành khai quật Đức Phổ, thấy tình thế lúc này rất khó khăn bắt buộc phải thay đổi địa điểm, chia sẻ quân số. Chiều hôm đó tôi và anh Bùi Chí Hoàng, hai anh em chở nhau bằng xe máy đi khảo sát trong xóm gần điểm di tích cần khai quật để nắm lại hiện trạng và tìm chỗ đóng quân. Lúc này cũng là lúc cao điểm của mùa khô, trong thôn lại đang làm đường nên cây cối, nhà cửa phủ đầy bụi đất, chỉ cần một cơn gió nhẹ, một chiếc xe chạy qua là bụi bay mù trời, không khí khô nóng như đang đi trong sa mạc. Các giếng nhà dân cũng cạn kiệt không đủ nước dùng cho sinh hoạt. Chỉ mới đi dạo quanh một vòng mà khi quay ra, cả hai anh em quần áo, đầu tóc đã phủ đầy bụi đỏ bazan. Trên đường về, anh Hoàng bảo tôi: “Chắc phải thuê xe chở anh em đi làm thôi, tình hình này sợ mọi người không trụ nổi em à. Anh thấy anh Côn, anh Long và mấy đứa mệt mỏi lắm rồi…”
Thật may, một lần nữa, anh Ba Nhung đã ra tay “cứu giúp”. Anh Ba Nhung là tên gọi thân mật của anh Trần Đình Nhung, lúc đó là Bí thư huyện ủy Cát Tiên. Anh là chủ tịch đầu tiên của huyện khi mới thành lập, mà anh cũng chính là người đã mời bằng được đoàn Viện Khảo cổ học Việt Nam xuống thăm và khảo sát di tích Cát Tiên từ những ngày đầu để đi đến quyết định đưa Cát Tiên vào chương trình Khảo cổ học Tây Nguyên. Anh là người sống rất tình cảm, nhiệt tình và tâm huyết với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt rất quan tâm đến văn hóa, thường hay tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi mỗi khi xuống địa bàn huyện công tác. Mặc dù bận việc nhưng đợt khai quật nào anh cũng tới thăm đoàn. Lần nào ra thăm anh cũng chu đáo có chút quà khi thì thùng bia, ít kẹo bánh để động viên đoàn và bà con đang khai quật ngoài công trường.
Sáng hôm sau tôi lấy xe máy chở chị Thủy lên huyện. Vừa vào tới nơi thì gặp anh Ba Nhung. Khi tôi trình bày tình cảnh khó khăn, cấp bách mà đoàn đang gặp phải, anh liền gọi anh Vinh - Chánh văn phòng Huyện ủy sắp xếp cho chúng tôi mượn luôn mấy phòng của nhà khách Huyện ủy cho đoàn ở trong thời gian khai quật. Sau đó anh còn nhường xe cho chúng tôi để chở đoàn ra hiện trường cho đỡ mệt vì thấy sự bơ phờ mệt mỏi của mọi người nhất là lực lượng của Trung tâm khảo cổ, Viện KHXH vùng Nam Bộ phơi nắng gần 40 ngày không được thay ca.
Cuộc khai quật di tích Đức Phổ diễn ra trong vòng 10 ngày dưới bụi đất và nắng nóng gay gắt; đã thu được kết quả mĩ mãn đó là phát hiện được một số lượng hiện vật với nhiều chủng loại khác nhau với việc xuất lộ kiến trúc tháp chính, qua đó xác định được phạm vi của di tích để kịp thời khoanh vùng bảo tồn tránh bị xâm hại.
* * *
Ngày rời khỏi Cát Tiên trong đợt khai quật cuối cùng với đoàn Trung tâm khảo cổ thuộc Viện KHXH vùng Nam Bộ cuối năm 2006 với cuộc khai quật chạy lũ, một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi.
Vào dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2006, sau khi đã kết thúc công việc khai quật di chỉ Phù Mỹ, đào thám sát tìm được dấu vết con đường cổ dọc sông Đồng Nai. Đây cũng cũng là lúc chúng tôi hoàn tất việc khai quật và lấp bảo quản đối với các lò gạch cổ trên cánh đồng Bảy Mẫu. Bầu trời Cát Tiên lúc này bắt đầu u ám, mưa dày lên và nặng hạt dần, chỉ sau một đêm cánh đồng ngập trắng xóa, nước ngoài sông dâng lên liếm dần từng vạt cỏ sát mé đường từ khu di tích vào trung tâm huyện. Rắn rết bò cả lên đường, ngoài rắn nước còn có cả những con hổ mang bành, đầu chúng cứ múa may lắc lư, khiến ai yếu bóng vía thấy chắc cũng phải chết khiếp. Cả đoàn hối hả thu dọn đồ đạc, đóng gói hiện vật. Dự tính làm 2 chuyến chuyển quân ra quốc lộ 20 rồi chia tay, người về Đà Lạt, người xuôi thành phố Hồ Chí Minh. Nào ngờ xe chạy ra ngả nào cũng tắc tị vì nước lên nhanh quá phải quay về. Dòng sông Đồng Nai, bình thường vốn cũng chẳng hiền hòa, giờ nước từ thượng nguồn Đạ Đờng lại ào ạt đổ về cuộn lên trông thật đáng sợ.
|
Bộ Linga - yoni phát hiện tại di tích Đức Phổ (thuộc khu di tích Cát Tiên). Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng |
Trước tình hình đó, anh Vũ Nhất Nguyên chỉ đạo cho anh Nam lái xe chở tôi và chị Thủy ra chợ Đạ Lây mua gạo, thực phẩm khô đủ dùng ít nhất 1 tuần cho cả đoàn gần 20 người để chuẩn bị “cố thủ” trên Gò IA - Đồi Khỉ, điểm cao nhất trong khu di tích (50m). Sau khi đã chuẩn bị xong, tình cờ có một chiếc xe tải (KAMAZ) chạy qua, bác tài cho biết xe mới chở heo thịt vào huyện xong, là xe tải gầm cao nên vẫn đi ngon lành qua được chỗ ngập. Thấy vậy hai nhà lãnh đạo Bảo tàng và Trung tâm khảo cổ học là Vũ Nhất Nguyên và PGS-TS Bùi Chí Hoàng đưa ra quyết định chớp nhoáng thuê luôn chiếc “xe heo” để chuyển quân ra quốc lộ 20. Một lần nữa mọi người lại tất bật khiêng đồ đạc lên thùng xe sau khi đã được bác tài lót tạm cho tấm bạt lõng bõng nước mưa. Tôi và chị Thủy là nữ duy nhất trong đoàn nên được ưu tiên ngồi trên buồng lái với bác tài, ấy vậy mà cũng có lúc nước xâm xấp ngay dưới chân. Xe chạy ra đến thị trấn huyện Đạ Tẻh, tôi liếc nhìn hai bên đường thấy trong nhà dân đồ đạc nổi lềnh bềnh vì không dọn kịp. Từ đó nhiều đoạn đường bị ngập sâu quá, bác tài phải thuê thuyền chở chúng tôi qua rồi chạy tiếp. Nhớ lại cảnh ấy, tôi thấy vừa thương mọi người vừa buồn cười. Quần áo ai cũng vừa ướt vừa bốc mùi phân heo; có người không biết bơi nên mặt cắt không ra máu khi thuyền chòng chành trên dòng nước lụt chảy xiết…
Đã không ít người thân và bạn bè từng hỏi tôi và các đồng nghiệp, thắc mắc sao phải chọn cho mình cái nghiệp bảo tồn bảo tàng, suốt đời đeo đuổi việc sưu tầm và theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật gì cho cực vậy. Ừ, có lẽ một phần do đam mê nhưng thực tế khi vào nghề chúng tôi lại bị cuồn hút với những trải nghiệm, những kỷ niệm, buồn vui thấm đẫm tình người khi tác nghiệp. Khám phá những vùng đất, con người nơi đã đi qua. Đối với Cát Tiên cũng vậy, nắng gió cao nguyên, cũng không giấu được vẻ đẹp hùng vĩ đầy bí ẩn của núi rừng Tây Nguyên giàu huyền thoại như hút hồn chúng tôi về nơi ấy. Rồi những kỷ niệm về sự sẻ chia nghiệp vụ trên hiện trường, những khó khăn trong sinh hoạt, gắn kết tạo nguồn vui trong công việc, nuôi dưỡng tâm hồn và tinh thần bằng những buổi đi câu cá trên bè bên sông Đồng Nai, ngắm bình minh ló rạng bên kia rừng Cấm những ngày cuối tuần, hoặc tản bộ ngắm “mảnh trăng cuối rừng” khi Cát Tiên chưa hoàn toàn có “điện thay sao”. Đi công trường về cơm xong đã tháo ủng leo ngay lên xe chạy ra tận thị trấn huyện bên Đạ Tẻh hát karaoke,…
Vui nhất là sự chan hòa, bình đẳng không phân biệt ranh giới, học hàm, học vị, cán bộ, nhỏ to gì sất. Tối tối để giết thời gian bày trò đánh cờ, đánh bài với hình phạt vui sát phạt nhau tuốt, nhẹ thì quệt nhọ, nặng thì quỳ gối, đội hết rổ rá, nồi niêu, hoặc “đánh kinh tế” phạt tiền mua gà nấu cháo đêm gọi là “bồi dưỡng sức dân”, tái sinh “chất xám” cho ngày mai tiếp tục “chiến đấu”...
(Còn tiếp)
Kỳ cuối: Gò Ông Định và tấm bia đá bí ẩn
ĐOÀN BÍCH NGỌ