Cách mạng hay kháng chiến thời nào cũng vậy, có hai nhân tố cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi...
Cách mạng hay kháng chiến thời nào cũng vậy, có hai nhân tố cực kỳ quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Đó là lãnh đạo tổ chức và sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của toàn dân. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta.
Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh tư liệu |
Trần Quốc Tuấn chỉ ra nguyên nhân căn bản làm nên thắng lợi của quân dân đời Trần thế kỷ XIII trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên là "vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức". Nguyễn Trãi từng nghe "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" đi tới đúc kết trong Bình Ngô đại cáo: "Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp. Hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con". Ông tổng kết: chở thuyền là dân, lật thuyền là dân. Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Thời Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung trong các cuộc chiến đấu, lúc thắng lúc bại, nhưng rồi cuối cùng vẫn thắng vì dân ta đoàn kết và kiên gan.
Từ khi Đảng ra đời, đoàn kết gắn với lãnh đạo tổ chức. Phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương những năm 1936 - 1939, bên cạnh những ưu điểm lớn, cũng để lại bài học kinh nghiệm quý báu về lòng dân và đoàn kết như nhận xét của Bác Hồ: "Nó dạy cho chúng ta rằng: Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi". Với chính sách của Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, một luồng gió mới về đoàn kết được thổi đến. Những cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Đô Lương cho thấy đồng bào ta quyết nối gót tổ tiên, dù hy sinh cũng phải phá tan xiềng xích, giành tự do độc lập. Nhưng việc lớn chưa thành mà nguyên nhân như Bác Hồ chỉ ra là không phải vì đế quốc mạnh, mà vì cơ hội chưa chín và dân ta chưa hiệp lực đồng tâm.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng ta và Bác Hồ quyết định "thay đổi chiến lược". Để phù hợp với tình hình mới và xuất phát từ thực tiễn, mà thực tiễn lớn nhất từ khi dân ta chịu ách áp bức một cổ hai tròng của Pháp - Nhật là yêu cầu, nguyện vọng bức thiết của nhân dân. Đảng ta nhận định cuộc cách mạng trước mắt của Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp giành tự do độc lập. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc.
Hội nghị Trung ương 8 đã đem lại sinh khí và nguồn năng lượng mới cho đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi Pháp, Nhật, khôi phục độc lập tự do, Bác Hồ kêu gọi dân ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn. Nhấn mạnh làm thế nào có lợi cho việc đánh thắng Pháp - Nhật, Đảng ta xác định điều cốt yếu là phải có một phương pháp làm sao đánh thức được lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam. Tên gọi của mặt trận phải thể hiện được một mãnh lực dễ hiệu triệu và có thể thực hiện được trong tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, Bác Hồ quyết định tên gọi mặt trận đó là Việt Nam độc lập đồng minh, nói tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, giành lại độc lập.
Bài học xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, rút kinh nghiệm từ thực tiễn; xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân được Bác Hồ vận dụng khi thành lập, tổ chức và triển khai hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Người xác định sự thống nhất và sức mạnh của Việt Minh không phải trên hình thức và lý thuyết, mà giá trị và hiệu quả là căn cứ vào hành động, mà hạt nhân là cứu quốc. Từ đó các tổ chức cứu quốc được thành lập như: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Văn nhân cứu quốc, Giáo viên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Học sinh cứu quốc, Nhi đồng cứu vong. Đảng cũng chủ trương mở rộng tổ chức trong các tầng lớp khác có thể có ít nhiều tinh thần yêu nước, căm thù giặc Pháp - Nhật, thành thực cứu nước, cứu dân, muốn giải phóng dân tộc, như cai ký, đốc công, phú nông, địa chủ. Đó có thể là tổ chức Ủng hộ quỹ Việt Minh, hay Phú hào cứu quốc.
Việt Minh công bố 10 chính sách vừa ích quốc vừa lợi dân, có những điểm chung cho quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân, có những điểm đấu tranh cho quyền lợi của từng giai cấp. Vì thế Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và phát triển rất mau, rất mạnh. Đảng cũng phát triển và giúp cho anh em trí thức tiến bộ thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam để thu hút thanh niên trí thức và công chức Việt Nam.
Nhận rõ vai trò, sức mạnh của đoàn kết, trong Kính cáo đồng bào (6/1941), Bác nhấn mạnh chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Người tha thiết kêu gọi: "Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm". Kết thúc bài thơ Mười chính sách của Việt Minh (1941), Người viết: "Khuyên ai xin nhớ chữ đồng, /Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh".
Giữa tháng 8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng nô nức, hừng hực khí thế khởi nghĩa. Đảng họp hội nghị toàn quốc ở Tân Trào khẳng định cơ hội tốt cho dân tộc ta giành độc lập đã tới và quyết định chương trình hành động. Đại hội quốc dân họp nhất trí chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Chương trình của Việt Minh.
Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc đồng bào gia nhập Việt Minh, đoàn kết chung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của đất nước được phát huy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; trở thành bài học quý giá làm nên thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, đang hiện hữu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Từ Kính cáo đồng bào của Nguyễn Ái Quốc 80 năm trước (6/1941) đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy. Cả nước đồng lòng chung sức, tất cả vì miền nam ruột thịt, tâm điểm là TP Hồ Chí Minh thân yêu, với tinh thần "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự chung sức đồng lòng của toàn dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta tin tưởng sự nghiệp "chống dịch như chống giặc" nhất định sẽ thắng lợi trong một thời gian không xa.
(Theo nhandan.com.vn)