Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc

04:08, 19/08/2021

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào từng là "Thủ đô Khu giải phóng", "Trung tâm Thủ đô Kháng chiến" trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945...

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào từng là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng rất anh dũng của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 5/2012.
 
Đoàn khách cựu chiến binh Hà Nội dâng hương tại nhà tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Nguồn: Bảo tàng Tuyên Quang)
Đoàn khách cựu chiến binh Hà Nội dâng hương tại nhà tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Nguồn: Bảo tàng Tuyên Quang)
 
Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Sơn Dương, phía Đông huyện Yên Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang, Tân Trào là tên gọi chung của cả khu căn cứ cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Đây là một vùng đất rộng lớn có địa hình đồi núi đa dạng, trùng điệp và khá hiểm trở. Sinh sống lâu đời ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí sống quần tụ bên nhau trong các thung lũng, ven sông, suối và trên các triền núi
 
Khu căn cứ có tổng diện tích tự nhiên trên 530 km2. Xung quanh khu căn cứ có nhiều dãy núi cao bao bọc và được che phủ dưới tán rừng già, rậm rạp, lại có sông, suối, chảy qua. Trên núi có nhiều hang, động có sức chứa vài chục đến vài trăm người, rất thuận lợi cho việc chiến tranh du kích, xây dựng phát triển lực lượng và cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm, nhằm bảo toàn lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã sớm nhìn thấy thế mạnh “nhân hòa, địa lợi” ở đây nên đã chọn vùng này làm căn cứ địa chủ yếu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (1)
 
* * *
 
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là nơi có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam. Là căn cứ địa cách mạng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Đây cũng là địa bàn chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1954), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận ở, làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 
 
Ngược dòng lịch sử về lại nơi đây trong những ngày đầu tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Pác Bó (Cao Bằng). Hội nghị đã quyết định những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của dân tộc Việt Nam và có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Việt Bắc. Đặc biệt là khu cách mạng Tân Trào đã trở thành căn cứ địa vững chắc, đây cũng chính là nhân tố quyết định để Bác Hồ dời căn cứ Pác Bó ề Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
 
Ngày 4/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó tới trưa ngày 21/5/1945 đến Tân Trào, Bác dừng chân nghỉ tại đình Hồng Thái, rồi vào ở tạm với gia đình ông Nguyễn Tiến Sự (Chủ nhiệm Việt Minh của làng Kim Long) tại làng Kim Long. Sau đó, để đảm bảo an toàn, bí mật Bác chuyển lên ở và làm việc tại một căn lán nhỏ trên rừng Nà Lừa (lán Nà Lừa).
 
Ngày 4/6/1945, chấp hành chỉ thị của Bác và Tổng bộ Việt Minh, Hội nghị cán bộ toàn Khu được tổ chức. Hội nghị quyết định thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh, Tân Trào là Thủ đô lâm thời khu giải phóng. Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc tại một căn lán làm tạm trên rừng Nà Lừa với gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các chiến khu. Sau khi phân tích, bàn bạc, Hội nghị đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến...” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra bản Quân lệnh số I, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.
 
Tại cây đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa đọc Bản Quân lệnh số I làm lễ xuất quân Nam tiến, đây là lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam (Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân). Cùng ngày, Quốc dân Đại hội cũng được tổ chức, khai mạc tại đình Tân Trào, thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước. Từ đây lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong cả nước, tỉnh Tuyên Quang là địa phương khởi nghĩa vũ trang và được giải phóng sớm nhất trong cả nước (ngày 17/ 8/1945).
 
Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập, hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/946, đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam lại nhất tề đứng lên đánh giặc, với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
 
Đầu năm 1947, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành dời Thủ đô Hà Nội trở lại Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khu căn cứ cách mạng Tân Trào một lần nữa trở thành căn cứ địa chủ yếu của cả nước, được chọn làm “Trung tâm Thủ đô kháng chiến” lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. (2)
 
Khu căn cứ cách mạng Tân Trào “Thủ đô Khu giải phóng, Trung tâm Thủ đô Kháng chiến”, đã được công nhận là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào với 177 di tích (18 di tích, cụm di tích là Di tích lịch sử quốc gia, và 30 Di tích lịch sử cấp tỉnh). Nơi đây có những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử Việt Nam như: lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lấu, Vực Hồ, Thác Dẫng, ATK Kim Quan,...
 
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào hiện nay do Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang trực tiếp quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị. Nơi đây là một trong những địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng và điểm du lịch văn hóa, sinh thái đầy ấn tượng của vùng Việt Bắc. Du khách khi tới đây, sau khi dâng hoa tại lán Nà Lừa, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc (từ tháng 6/1945 đến tháng 8/1945), sẽ được các cô thuyết minh viên “sơn nữ” duyên dáng trong trang phục truyền thống dân tộc giới thiệu và hướng dẫn tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng. Theo ông Lý Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang, hàng năm khu di tích đón trên 80.000 lượt khách đến tham quan. Đặc biệt, trong đó có nhiều đoàn là đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ, các đoàn khách ngoại giao quốc tế, các tỉnh, thành trong nước đến tham quan. Ngoài hoạt động đón tiếp phục vụ khách tham quan, ở đây còn tổ chức một số hoạt động sự kiện, giáo dục truyền thống như kết nạp Đảng, Đoàn, Đội cho các cơ quan, trường học trong tỉnh. Tổ chức các tua du lịch trải nghiệm như đi mảng (bè) trên sông, suối, tham quan làng bản, thưởng thức ẩm thực dân tộc, hát then,... khi khách có nhu cầu. 
 
(1), (2) trong bài có tham khảo tư liệu của đồng nghiệp Bảo tàng Tuyên Quang cung cấp
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ