Già làng Tây Nguyên

02:10, 21/10/2021

Hồi niên thiếu, đọc những bộ sử thi, những thiên truyện cổ của đại ngàn Tây Nguyên, một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi là hình ảnh các vị già làng khả kính...

Hồi niên thiếu, đọc những bộ sử thi, những thiên truyện cổ của đại ngàn Tây Nguyên, một trong những ấn tượng sâu sắc của tôi là hình ảnh các vị già làng khả kính. Hình bóng họ hiện lên lừng lững giữa buôn làng. Đầu đội mũ giắt lông chim quý, miệng ngậm tẩu thuốc, gương mặt quắc thước, già ngồi oai vệ giữa trung tâm nhà rông. Già làng là hiện thân của những đại thụ vững chãi, những hiền nhân thông thái của rừng già...
 
Kỳ I: Quyền lực dưới bóng cây nêu
 
Từ khi được sống cùng không gian đại ngàn, thâm nhập vào đời sống đồng bào, tôi đã hiểu thêm về các vị già làng. Các già làng không có trong tay cây quyền trượng, nhưng họ có uy tín, có sự hiểu biết sâu sắc, có các bộ “luật tục” làm công cụ để điều hành, phân xử những đúng sai, tốt xấu của cộng đồng. Trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên, dưới bóng cây nêu ngàn năm, già làng thực sự là một “thiết chế” quyền lực; nhìn vào uy tín người già của làng nào sẽ biết được làng đó mạnh mẽ hay yếu ớt…
 
Già làng, nhân tố quan trọng trong việc trao truyền vốn văn hóa truyền thống
Già làng, nhân tố quan trọng trong việc trao truyền vốn văn hóa truyền thống
 
Chắc không mấy ai quên hình ảnh cụ Mết, già làng của làng Xô Man ở vùng Bắc Tây Nguyên trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành, tác phẩm văn học viết năm 1965, khắc họa sự vùng lên của đồng bào thiểu số chống lại Mỹ - Ngụy. Từ nguyên mẫu có thực, qua ngòi bút của một nhà văn cùng sống và chiến đấu với đồng bào, cụ Mết được tạc lên như là một cây xà nu bất khuất, tràn đầy sức sống, là linh hồn của làng. Hình ảnh cụ Mết trong mắt Tnú ngày anh từ đơn vị bộ đội trở về thăm làng: “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn...”. Lời nói của cụ thì thực sự là một mệnh lệnh có sức nặng như dao chém đá: “Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông!...”. Cụ Mết là hình ảnh tiêu biểu của một già làng, một thủ lĩnh Tây Nguyên lãnh đạo đồng bào mình vùng lên chiến đấu...
 
Theo dòng lịch sử, cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược nước ta, cũng như khắp mọi miền đất nước, chúng dựng lên bộ máy cai trị trong các buôn làng Tây Nguyên. Nhiều già làng dẫn đồng bào trốn vào rừng sâu, bất hợp tác với giặc. Nhiều già làng, tù trưởng người Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Ho kêu gọi Nhân dân không làm tay sai cho kẻ thù, tổ chức làng buôn chiến đấu. Từ khi có Đảng lãnh đạo thì vai trò của họ càng được phát huy. Già làng trở thành tấm gương sáng, dẫn đầu đoàn cháu con tiếp lương, tải đạn, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng và trực tiếp cầm vũ khí diệt thù. Họ không tiếc máu xương, của cải, sức lực, ra sức vận động dòng họ, cộng đồng đóng góp cho cách mạng. Ở Bắc Tây Nguyên, già làng Stơr đã kêu gọi cả buôn làng sát cánh bên Anh hùng Núp cùng “đất nước đứng lên” đánh đuổi giặc Pháp. Ở vùng Nam Tây Nguyên, già làng Điểu Đoi chỉ huy đội du kích S’tiêng đánh thắng nhiều trận, trong đó lập chiến công lớn trong trận chống càn lực lượng Mỹ dùng trực thăng vận và hỏa lực hạng nặng hòng tiêu diệt căn cứ kháng chiến của ta giữa núi rừng Bờ Xa Lu Xiêng. Ở vùng đại ngàn bất khuất, kiên trung này từng có rất nhiều già làng như thế...
 
* * *
 
Trong xã hội Tây Nguyên ngày xưa, già làng là người có uy tín, người biết giải mã các giấc mơ của lũ làng, người thay dân làng đối thoại với thần linh, tìm kiếm sự phù trợ và che chở của Yàng đối với đồng bào trong các biến động. Hành xử mỗi ngày, già làng biết cách lựa chọn phương án thông minh nhất, đúng đắn nhất, phù hợp nhất nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng. Đó là người có tiếng nói quyết định trong việc tìm đất lập làng, chọn mở bến nước, người đưa ra mệnh lệnh chiến tranh, giải quyết vấn đề dịch bệnh hay là “cầm trịch” xử lý các vấn đề lớn nhỏ phát sinh mỗi ngày. Già làng đại diện trong các cuộc giao tiếp đối ngoại, cất lên tiếng nói thể hiện chính kiến của mình cũng là thông điệp chung của buôn làng với các cộng đồng bên ngoài. Trong xã hội cổ truyền, khi “thiết chế làng” là đơn vị xã hội cao nhất thì già làng chính là “vua” của làng. Theo ngôn ngữ bản địa thì “pơtao”, “bua” hay “kuang” thì cũng có nghĩa tương tự là “người có quyền lực cao nhất”. Người được chọn làm già làng là một vinh dự lớn lao nhưng cũng phải tiếp nhận một sứ mệnh cực kỳ quan trọng. Vì vậy, họ xứng đáng là niềm kiêu hãnh của buôn làng này với buôn làng khác, ngay cả trước thần linh, núi rừng, thiên nhiên...
 
 Khi xác định vị trí, vai trò của già làng là người quyết định sự thịnh suy của làng, thì sự kiện chọn già làng là một “nghị sự” quan trọng. Đó là diễn đàn thể hiện cao nhất tinh thần xây dựng và cố kết cộng đồng. Chọn già làng tốt thì đời sống của buôn làng tốt. Già làng thiếu uy tín, tri thức và sự khôn ngoan thì làng sẽ chịu thiệt thòi. Luật tục và các bài ca dao của các tộc người Tây Nguyên có rất nhiều nội dung về mục đích và tiêu chí chọn già làng. Xin trích dẫn một bài hát mang nội dung đó của người Ê Đê. Cách thể hiện giản dị theo tư duy của đồng bào nhưng nội dung bài hát đã nói lên mối quan tâm và trách nhiệm cao đối với sự kiện lớn của buôn làng: “Nhóm lửa dân làng tụ họp/ Gọi hết anh em chim tơlang/ Thần linh buôn làng/ Anh em nội ngoại/ Về hết mẹ kia/ Về hết cha này/ Về hết ông bà/ Về hết gái góa/ Về hết con côi/ Về hết dâu rể/ Hội họp giữa làng...”. Dân làng cũng rất dân chủ trong bàn bạc, tranh luận và lựa chọn. Theo quan điểm của người Ê Đê, người được chọn làm già làng không những “vừa lòng dân” mà còn đúng ý của thánh thần, thiên nhiên, cỏ cây, núi nước: “Hãy bàn bên dưới/ Hãy cãi bên trên/ Nào bàn cùng anh/ Nào cãi cùng chị/ Có gì cứ nói!/ Hãy chọn người ưa/ Sao vừa cây đa, ngọn nước/ Sao đúng cây sung trước làng/ Chọn nên người coi sóc anh em/ Coi khắp cả dân làng...”. Cứ như thế, già làng được suy tôn một cách tự nhiên… 
 
* * *
 
Ngày xưa, các dân tộc bản địa Tây Nguyên sống theo hình thức cộng đồng khép kín, đơn vị xã hội cơ bản cao nhất trong xã hội cổ truyền còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay là làng. Làng ở Tây Nguyên (boom trong tiếng Mơ Nông, buôn trong tiếng Ê Đê hay Cơ Ho, Mạ; plai trong tiếng Gia Rai, veil trong tiếng Cơ Tu, plei trong tiếng Chu Ru...) là một chỉnh thể. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng cao, thì đó là tính cộng đồng làng, thậm chí “tính làng” còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững, quy củ. Làng được điều hành bằng già làng và “hội đồng già làng” - tập hợp những người hiền minh nhất của làng. Hội đồng già làng từng quản lý, điều hành mọi hoạt động của làng bằng một “hệ thống luật pháp” cổ truyền đặc biệt: luật tục. Cho đến nay, luật tục Tây Nguyên vẫn tồn tại song hành cùng luật pháp và những mặt tích cực vẫn được phát huy giá trị trong quản lý xã hội. Già làng chính là người nắm trong tay cán cân quyền năng đó, và những điều luật tục quy định đã tạo nên quyền lực của già làng. Điều đặc biệt, quyền uy của già làng không mang tính bạo lực, cường quyền mà nó tự nhiên đến, tự nhiên được cộng đồng chọn trao bởi lòng ngưỡng mộ, tôn kính. Cách đây mấy năm, được tham gia nhóm nghiên cứu đề tài về luật tục, chúng tôi cảm nhận rõ hơn, việc điều hành xã hội bằng luật tục trong thiết chế cổ truyền là một biểu hiện độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Khi chưa có luật pháp, công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội chính là hệ thống tập quán pháp luật này. Ðó là một hệ thống văn bản truyền miệng bằng văn vần chế định tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội và được cả cộng đồng triệt để chấp hành. Như đã nói, người chỉ huy toàn bộ sự tuân thủ hệ thống luật tục của cộng đồng chính là già làng. Bởi vậy, mỗi già làng là một kho báu về tri thức bản địa, kinh nghiệm sản xuất và ứng xử, là kết tinh tất cả sự cao quý và giỏi giang của một người đàn ông tài hoa trong bộ tộc. Ngày xưa, khi chưa có cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể thì tất cả chuyện lớn, chuyện nhỏ trong buôn làng đều do một tay già làng phán quyết. Từ chuyện trộm gà, mất lợn, tranh chấp đất đai, vợ chồng cãi nhau, con cái vô lễ với cha mẹ, loạn luân, ngoại tình…thì người dân đều tìm đến nhờ già làng phán xử.
 
Già làng cũng từng là nhân vật thay mặt cộng đồng quyết định mọi cuộc tiếp xúc, mọi sự thỏa thuận. Thời xưa, tiếng nói của già làng không phải là tiếng nói duy nhất nhưng có giá trị cao nhất của buôn làng. Vì vậy, các nhà cai trị khi tiếp cận với Tây Nguyên thì thường chọn con đường đầu tiên là gặp gỡ, kết thân với các già làng. Vương quốc Chăm Pa hay triều đình nhà Nguyễn, thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ đều có chung thủ đoạn. Chỉ đến khi việc “kết nghĩa” với các già làng không thành, không đạt được mục đích thì các thế lực xâm lăng mới dùng tới súng đạn. Người Pháp là cáo già thực dân. Hồi xâm chiếm Tây Nguyên, Pháp mị dân bằng cách lập các “tòa án sắc tộc”. Họ cho các già làng, quan lại xứ Thượng ngồi ghế xét xử các tội dân sự, còn “pháp luật nhà nước” thì quan Pháp cầm nhằm trừng trị các đối tượng phản kháng. Bảo Đại về nước lãnh ghế Quốc Trưởng và thiết lập cơ chế “Hoàng triều Cương thổ” năm 1949, ông ta cũng dành cho các già làng giữ vị trí trong cơ cấu quyền lực như một cách thu phục những người đứng đầu cộng đồng thiểu số… 
 
Hồi đầu thế kỷ, các nhà khảo cứu dân tộc học, nhất là các vị người Pháp, khi tiếp cận văn hóa Tây Nguyên, những nhân vật đầu tiên ở các buôn làng mà họ cần tiếp xúc, xin phép tìm hiểu chính là già làng. Tham khảo tài liệu của các học giả như H.Maitre, G.Condominas, Sabatier, J.Dournes rồi Nguyễn Đổng Chi, Phan Đăng Nhật, Đặng Nghiêm Vạn, Tô Ngọc Thanh... thì hầu như trong mỗi câu chuyện đều hiện lên những cuộc giao lưu với các vị già làng. Già làng chính là người mở cánh cửa buôn làng, cánh cửa văn hóa tộc người bằng sự hiểu biết hệ thống tri thức bản địa sâu sắc, bằng cách ứng xử bặt thiệp, hiền minh. Bởi vậy, khi chưa chung bếp lửa, chưa chung cần rượu say ngả say nghiêng, chưa chung píp thuốc phà khói mù trời với già làng thì đừng nói đến việc dừng chân mà hỏi chuyện với bất cứ người dân nào trong buôn. Viết báo ở vùng Tây Nguyên, bản thân chúng tôi cũng thấu hiểu điều đó. Sẽ chưa thể là khách quý của buôn làng khi chưa được già làng thân thiện dắt tay ra đứng dưới gốc cây nêu trong ánh mắt gần gũi, cởi mở dần của những người đồng bào đang thấp thoáng trong các cửa sổ nhà dài...
(CÒN TIẾP)
 
UÔNG THÁI BIỂU