Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường học do nhóm sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập cách đây 114 năm...
Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường học do nhóm sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập cách đây 114 năm. Với việc áp dụng những nội dung chương trình mới vào dạy học, Đông Kinh Nghĩa Thục được coi như một cuộc đổi mới trong lịch sử nền giáo dục nước nhà đầu thế kỉ XX.
•
KHAI SINH TỪ TRÀO LƯU DUY TÂN, CẢI CÁCH ĐẦU THẾ KỈ XX
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam đã có những biến đổi hết sức quan trọng. Thực dân Pháp đã hoàn thành công cuộc xâm lược và đặt ách thống trị lên ba miền của đất nước. Việt Nam trở thành một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện bên cạnh quan hệ sản xuất phong kiến đã tồn tại hàng thế kỷ. Sự biến chuyển này đặt ra cho đất nước những nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Đó là, nhiệm vụ duy tân, xóa bỏ sự đình trệ phong kiến châu Á để phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa Âu Mĩ và nhiệm vụ chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trước những đòi hỏi của lịch sử, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tư tưởng đều đặt ra yêu cầu phải cải cách, đổi mới. Các sĩ phu yêu nước tiến bộ đã bắt đầu đoạn tuyệt với đường lối cứu nước của các nghĩa sĩ Cần Vương. Họ nhận thấy rằng muốn đánh đuổi thực dân Pháp không chỉ hạn chế trong những hình thức khởi nghĩa vũ trang như trước đây mà còn kết hợp với nhiều biện pháp mới về chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục. Tiến hành một cải cách xã hội sâu rộng trong đông đảo quần chúng. Lòng yêu nước, ý thức về con đường cứu nước, cứu dân của họ không còn bám giữ vào tư tưởng “trung quân ái quốc”, trung thành với một ngôi vua anh minh, vua là nước, cứu dân là cứu nước. Họ chuyển sang ý thức về chủ nghĩa quốc gia, dân tộc vì lợi ích chung của nhiều triệu đồng bào trong cả nước. Đây là bước chuyển biến về tư tưởng hết sức trọng đại. Từ việc từ bỏ con đường cứu nước theo ý thức hệ phong kiến, các nhà nho tiến bộ đã đến với tư tưởng dân chủ tư sản và lựa chọn con đường canh tân, cải cách để cứu nước, giành độc lập, tự do. Đại diện cho trào lưu tư tưởng này là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Đông Kinh Nghĩa Thục là minh chứng rõ rệt của cuộc vận động cải cách trong lĩnh vực giáo dục và từng bước tạo ảnh hưởng vào trong các lĩnh vực khác của đời sống để đạt mục tiêu chung của cuộc duy tân cải cách đầu thế kỉ XX ở nước ta là: khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh.
•
TRỞ THÀNH CUỘC ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM TRONG THẾ KỈ XX
Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường tư thục do các sĩ phu tiến bộ như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền thành lập. Trường bắt đầu hoạt động từ tháng 3/1907. Đông Kinh Nghĩa Thục được đánh giá “đúng như tên gọi của nó trước hết là một trường học hoàn toàn bất vụ lợi được lập ra vì nghĩa lớn. Nghĩa lớn ấy nằm chính trong tôn chỉ sáng láng của phong trào Duy Tân “khai dân trí”, mở mang và nâng cao dân trí để từ đó đi đến “chấn dân khí”, tạo nên không khí mới cho dân tộc và “hậu dân sinh” đưa đất nước phát triển phồn vinh cùng năm châu bốn biển.
Khác với nền giáo dục và khoa cử nho giáo từ lâu được gói gọn trong một khuôn hình ổn định, nhằm đào tạo các thế hệ kẻ sĩ để làm quan hoặc làm thầy, các nho sĩ tiến bộ của Đông Kinh Nghĩa Thục mặc dù được đào tạo trong nền khoa cử cũ, học thuộc làu kinh sách của Khổng giáo và đã quá quen với luận lí của Khổng Tử. Nhưng đến lúc này, họ nhận ra rằng nền giáo dục nho giáo đã kìm hãm con người trong mớ văn chương hỗn độn, xa rời thực tế, trọng văn khinh võ, không thiết thực và không có tác dụng nhiều đối với đời sống xã hội. Vì vậy, các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương học thực dụng, thực nghiệm, thoát khỏi sự học cũ với thói quen “tử viết”, “thi vân”, đào tạo nhân tài, đào tạo con người có sáng kiến, chuộng thực tế và biết nhắm đến đối tượng rõ ràng. Việc học này được người đương thời tán thưởng và được áp dụng tại các trường học ở khắp dải miền Trung và áp dụng trong Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Nội dung học trong Đông Kinh Nghĩa Thục bao gồm lịch sử, địa lý, cách trí, vệ sinh... Trường dạy cả ba loại chữ Pháp, Hán, quốc ngữ, đặc biệt ưu tiên chữ quốc ngữ, coi “chữ quốc ngữ là hồn của nước, phải đem ra tỉnh trước dân ta, sách Âu Mĩ sách Chi Na, chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường...” (Huỳnh Thúc Kháng - Chiêu hồn nước). Ngoài việc giảng dạy chính thức nhà trường còn tổ chức biên soạn, dịch thuật một số sách báo thấm đượm tinh thần duy tân, các buổi diễn thuyết, bình văn thể hiện tinh thần đổi mới và yêu nước. Như thế, với tất cả những nội dung và chương trình hoàn toàn mới mẻ và phần nào đáp ứng được nhu cầu của lịch sử nước nhà lúc bấy giờ, Đông Kinh Nghĩa Thục có thể được coi như một cuộc duy tân cải cách giáo dục đầu tiên của thế kỉ XX ở Việt Nam.
Hơn một thế kỉ đã qua, tư tưởng khai dân trí thông qua giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn còn nguyên giá trị. Lịch sử đã thay đổi nhiều, nhưng triết lý “hóa dân cường quốc” để đạt tới văn minh và tiến bộ của Đông Kinh Nghĩa Thục luôn mang tính thời sự và lặp lại. Đất nước độc lập và đang trên đường đổi mới của chúng ta hôm nay vẫn coi “giáo dục, khoa học kĩ thuật và công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Đặc biệt, nền giáo dục của cả nước hiện nay đang thực hiện cuộc đổi mới căn bản toàn diện nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc” (Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI). Nhìn vào mục tiêu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục ngày nay có thể khẳng định rằng Đông Kinh Nghĩa Thục của 114 năm về trước không chỉ dừng lại ở một trường học mà là một cuộc duy tân đổi mới của nền giáo dục nước nhà mang nhiều bài học kinh nghiệm quý giá và nhiều giá trị lịch sử cho đến ngày nay.
KIM NGÂN