Thẻ bài - hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập ''Báu vật triều Nguyễn tại Đà Lạt''

05:11, 25/11/2021

Cùng với các loại ấn tín, hốt ngọc, thẻ bài cũng là một vật dụng thuộc nhóm biểu trưng cho địa vị, quyền lực của vua chúa và các thành viên trong thời kỳ phong kiến trước đây.

Cùng với các loại ấn tín, hốt ngọc, thẻ bài cũng là một vật dụng thuộc nhóm biểu trưng cho địa vị, quyền lực của vua chúa và các thành viên trong thời kỳ phong kiến trước đây.
 
Thẻ bài của vua Khải Định
Thẻ bài của vua Khải Định
 
Thẻ bài được làm bằng chất liệu khác nhau, có thể bằng vàng, bạc, ngọc và cũng có thể bằng gỗ. Tuỳ theo công năng của từng chiếc thẻ mà cách gọi khác nhau: bội bài (bài để đeo), tín bài (bài làm tín vật), lệnh bài (bài giao việc). Dưới các triều đại phong kiến trước đây, thẻ bài thường được phân thành 2 loại chính. Một loại thẻ bài được sử dụng như vật ban thưởng công trạng dành cho các đối tượng là các vị đại thần, vương công và người có công với đất nước, triều đình, thường đi kèm theo đó là những ân huệ nhất định dành cho người được ban thưởng. Một loại khác được coi là “vật dụng” đặc biệt để phân biệt địa vị, phẩm hàm của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, còn có loại thẻ bài được dùng như “giấy thông hành” đi lại trong cung cấm hay được coi như “giấy ủy nhiệm” giao việc của cấp trên cho cấp dưới trong giới quan lại. 
 
Trong bộ sưu tập hiện vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng, nhóm hiện vật biểu trưng cho quyền lực không nhiều, ngoài một chiếc hốt ngọc là một trong những vật biểu trưng cho địa vị, quyền lực của quan lại thường được cầm trên tay mỗi khi thiết triều thì chỉ có 3 thẻ bài, nhưng lại là những báu vật độc đáo, tiêu biểu. Tất cả các thẻ bài này đều thuộc “bội bài” là loại bài dùng đeo và để phân biệt danh tính, phẩm hàm, địa vị, chức phận của vua quan triều Nguyễn. Trong đó, gồm có thẻ bài của vua Khải Định, vua Bảo Đại khi còn là “Đông cung hoàng thái tử” và của bà Từ cung Thái hậu dùng để đeo thể hiện địa vị và cũng là phục sức trong các dịp đại lễ quan trọng. 
 
 Các thẻ bài đều được làm bằng ngọc màu trắng đục và chạm khắc hoa văn hình kỷ hà, hình rồng rất tinh xảo. Thẻ bài gồm 2 phần đầu thẻ và thân thẻ. Đầu thẻ được tạo tác hình đầu hổ phù, phía dưới hơi eo thắt và có dây đeo được kết bằng sợi kim loại màu vàng. Phần thân thẻ được làm hình chữ nhật gắn liền với phần đầu để buộc dây đeo. Trên mặt trước và mặt sau của thẻ bài vua Khải Định có khắc nổi dòng chữ Hán nạm vàng “Đại Nam thiên tử” và “Khải Định trân bảo”. Điều đó giúp khẳng định rõ chủ nhân của thẻ bài này là Khải Định - vua của nước Đại Nam. 
 
Trên thẻ bài của Bảo Đại, mặt trước có khắc dòng chữ “Đông cung Hoàng thái tử” và mặt sau là “Khải Định trân bảo”. Đây là chiếc thẻ bài do vua Khải Định ban cho Thái tử Vĩnh Thụy, người sẽ kế nghiệp sau này.
 
Một chiếc thẻ bài khác có khắc dòng chữ: “Sủng tuy tứ phương” có nghĩa là: “Vỗ về bốn phương”. Mặc dù nội dung chữ trên thẻ không cho biết danh phận cụ thể của chủ nhân mà chỉ nói đến việc chăm lo đời sống trong Hoàng cung và hiểu theo nghĩa rộng là cho cả muôn dân trong nước. Nên chiếc thẻ này chỉ có thể là của bà Từ cung Thái hậu. Chiếc thẻ bài này có dạng hơi nhỏ và mỏng hơn so với hai thẻ bài của vua Khải Định và Thái tử Vĩnh Thụy nói trên. Hình rồng trang trí cũng đơn giản và hơi khác biệt. 
 
Qua đặc điểm, phong cách trang trí, kỹ thuật chế tác cùng những thông tin trên thẻ bài cho thấy đây là những báu vật cung đình triều Nguyễn hết sức quí giá, độc bản, được chế tác trong khoảng thời gian từ 1922 đến 1925 (tức thời điểm Hoàng tử Vĩnh Thụy được phong “Đông cung Hoàng thái tử” cho đến trước khi vua Khải Định qua đời). Được biết, hiện nay, những thẻ bài này đang được Bảo tàng Lâm Đồng gìn giữ bảo quản và trưng bày tại Cung Nam Phương Hoàng hậu để phục vụ khách tham quan.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ