Hoàn chỉnh kỹ thuật bảo quản rau sau thu hoạch ở Đà Lạt

04:05, 28/05/2013

Sau gần một năm điều tra, nghiên cứu, tập hợp ý kiến của các chuyên gia và nhà nông, chính quyền thành phố Đà Lạt đang hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật bảo quản rau sau thu hoạch để chính thức chuyển giao rộng rãi cho người sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn trong quý 3/2013.

Sau gần một năm điều tra, nghiên cứu, tập hợp ý kiến của các chuyên gia và nhà nông, chính quyền thành phố Đà Lạt đang hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật bảo quản rau sau thu hoạch để chính thức chuyển giao rộng rãi cho người sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn trong quý 3/2013.

Rau thu hoạch rửa sạch, cắt bỏ phần rễ và phần ngọn, đóng vào rổ nhựa thoáng khí
Rau thu hoạch rửa sạch, cắt bỏ phần rễ và phần ngọn, đóng vào rổ nhựa thoáng khí


Kỹ sư Nguyễn Đình Thiện, Phó Phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết: Hàng năm Đà Lạt gieo trồng khoảng 7.122ha rau các loại, đạt tổng sản lượng thu hoạch gần 213 ngàn tấn. Thị trường trong nước vẫn chiếm khối lượng tiêu thụ rau Đà Lạt nhiều nhất với tỷ lệ 95% (80% thị trường các tỉnh miền Nam; 15% thị trường các tỉnh miền Trung); còn lại tỷ lệ 5% xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á. Một trong những nguyên nhân rau Đà Lạt vẫn chiếm khối lượng lớn tiêu thụ “thị trường gần” ở trong nước và xuất khẩu do chưa ứng dụng đồng bộ kỹ thuật giảm tổn thất sau thu hoạch trên diện rộng, chưa giữ được rau tươi trong một thời gian dài vận chuyển bằng đường bộ, đường biển…

Để góp phần nâng cao giá trị rau Đà Lạt đến với những thị trường xa hơn từ trong nước đến nước ngoài, từ tháng 6/2012, UBND thành phố Đà Lạt bắt đầu triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói rau sau thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Sau gần một năm phối hợp thực hiện cùng với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia cùng các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rau, tổ chức hội nông dân cơ sở, nhiều nhà nông “lão luyện” ở vùng rau Đà Lạt, đến gần cuối tháng 5/2013, Dự án này đã đi vào các “công đoạn” hoàn chỉnh quy trình bảo quản rau sau thu hoạch. Bên cạnh đó, Đà Lạt còn chọn HTX Nông nghiệp Anh Đào (hàng năm sản xuất và tiêu thụ hàng ngàn tấn rau về các siêu thị cao cấp trong nước) làm mô hình điểm, kết hợp với việc đúc kết kinh nghiệm thực tế thu hoạch, sơ chế rau của nông dân từ các khu vực sản xuất tập trung trên địa bàn.

Quy trình trên được triển khai qua 2 giai đoạn chính là thu hoạch và xử lý sản phẩm. Theo đó, thời gian thu hoạch rau phải vào lúc sáng sớm và chiều tối, nhưng không phải lúc trời mưa; trước khi thu hoạch rau phải kết thúc việc phun thuốc, bón phân từ 7 - 10 ngày. Người lao động khi thu hoạch rau nên mang bao tay, cắt móng tay, không đeo trên tay các trang sức nhẫn, lắc… vì dễ gây “tổn thương cơ học” cho rau; dụng cụ để cắt, nhổ rau thu hoạch như dao, kéo phải sắc bén, không rỉ sét; các dụng cụ chứa rau quả nên sử dụng rổ nhựa hoặc rổ tre, gỗ với nhiều lỗ thông hơi thoáng khí, ở giữa 4 bề mặt tiếp xúc giữa rau quả với vật liệu nhựa (hoặc gỗ, tre) phải lót giấy (hoặc bao tải).

Về kỹ thuật thu hái được áp dụng với 3 loại rau khác nhau. Với rau ăn lá, thường dùng kéo hoặc dao nhọn cắt sát gốc, sau đó loại bỏ các lá già úa, sâu bệnh. Với rau ăn trái (như dâu tây) thường thu hái bằng tay, để lại phần cuống nhỏ trên trái để giữ được tươi lâu hơn. Với rau ăn củ (cà rốt, khoai tây…), sau khi thu hoạch (đào hoặc nhổ) cần làm sạch đất, cắt bỏ phần thân phía trên. Khi chất hàng và bốc dỡ hàng rau cần thao tác nhẹ nhàng, không nên quăng, kéo giật mạnh các rổ hàng nông sản; nên sử dụng những tấm vải nhạt màu hoặc giấy bìa carton che chắn rau từ lúc lưu trữ trên đồng ruộng đến lúc vận chuyển trên xe.

Giai đoạn xử lý các loại củ, quả rau tươi, nấm tươi… sau khi thu hoạch theo quy trình chà xát làm sạch đất bằng tay, hoặc sử dụng máy sùi bọt khí (bán rộng rãi trên thị trường) để rửa với công suất 1 tấn/giờ; sau đó dùng máy quay ly tâm làm khô ráo. Có thể bảo quản trong kho khoảng 4 tháng ở nhiệt độ từ 25 - 35 độ C (đối với khoai mỡ) và khoảng 5 tuần ở nhiệt độ 15 độ C (đối với khoai tây); sử dụng phương pháp tạo màng phủ sáp hay màng phủ sinh học (được chiết xuất từ vỏ tôm) để phủ bên ngoài làm chậm tốc độ mất nước của rau; cũng có thể đặt rau vào trong kho với những thùng xốp không có nắp, đến khi đạt nhiệt độ lạnh từ 7 - 10 độ C thì đậy nắp lại để tránh bị bốc hơi nước.

“Các giai đoạn bảo quản rau sau thu hoạch nêu trên, chúng tôi sẽ sắp xếp lại và trình UBND thành phố Đà Lạt ban hành chính thức vào khoảng tháng 7/2013, sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo để chuyển giao cho nông dân trên các vùng rau Đà Lạt. Tất cả hộ gia đình trồng rau Đà Lạt đều có thể trang bị các máy móc, dụng cụ vận hành quy trình này vì với số vốn đầu tư ở mức khá “phổ thông”…”- chủ Dự án, kỹ sư Nguyễn Đình Thiện nói.

VĂN VIỆT