Bidoup Núi Bà sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới

09:01, 21/01/2015

Một trong những hoạt động khá nổi trội thuộc chương trình nghiên cứu khoa học của Vườn trong năm qua là việc hợp tác với Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và Ủy ban Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận VQG Bidoup Núi Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tổng kết năm 2014, ông Lê Văn Hương - GĐ Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà - cho biết: Một trong những hoạt động khá nổi trội thuộc chương trình nghiên cứu khoa học của Vườn trong năm qua là việc hợp tác với Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và Ủy ban Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận VQG Bidoup Núi Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến nay, về cơ bản, hồ sơ đã hoàn tất và rất có thể, trong một ngày gần nhất, khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang của tỉnh Lâm Đồng sẽ được UNESCO chính thức công nhận. Trong thời gian trước mắt - những ngày đầu năm mới 2015 này, địa phương cùng với các cơ quan chức năng trung ương tiếp tục xúc tiến những công việc còn lại để khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang sớm được công nhận.
 
Ông Lê Văn Hương - GĐ VQG Bidoup Núi Bà: “Khi được công nhận, khu dự trữ sinh quyển Lang Biang có tổng diện tích lên đến 260.000ha, trong đó, vùng lõi là VQG Bidoup Núi Bà
Ông Lê Văn Hương - GĐ VQG Bidoup Núi Bà: “Khi được công nhận, khu dự trữ sinh quyển Lang Biang có tổng diện tích lên đến 260.000ha, trong đó, vùng lõi là VQG Bidoup Núi Bà

Nếu được công nhận, khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang của Lâm Đồng sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam - sau các khu sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Đồng Nai, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và đảo Kiên Giang, miền tây Nghệ An, mũi Cà Mau và cù lao Chàm. Cũng theo ông Lê Văn Hương, bắt đầu từ tháng 8.2013, Lâm Đồng đã bắt tay vào việc lập hồ sơ cùng với việc tiến hành các thủ tục pháp lý để đề nghị UNESCO công nhận VQG Bidoup Núi Bà của tỉnh là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
 
Vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang là VQG Bidoup Núi Bà hiện nay. Kết quả khảo cứu của cơ quan chức năng cho thấy, VQG Bidoup Núi Bà hiện có hơn 2.000 loài thực vật và khoảng 400 loài động vật; trong đó có 127 loài có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã được công nhận, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (trước đó được gọi là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên) là “có phần” của Lâm Đồng (cùng với hai tỉnh lân cận là Đồng Nai và Bình Phước). Còn nay, nếu khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang chính thức được công nhận thì Lâm Đồng là địa phương gần như duy nhất “sở hữu” nó. Theo ông Hương, VQG Bidoup Núi Bà thực ra chỉ là phần lõi của khu dự trữ sinh quyển Lang Biang. Bởi, theo hồ sơ lập trình lên tổ chức UNESCO, khu dự trữ sinh quyển Lang Biang có diện tích lên đến 260.000ha; bao gồm trước nhất là vùng lõi gần 70.000ha hiện đang thuộc quyền quản lý của VQG Bidoup Núi Bà, vùng đệm hơn 85.000ha và vùng chuyển tiếp gần 117.700ha. Toàn bộ 260.000ha này nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương (vùng lõi) và các địa phương lân cận là TP Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương (vùng đệm và vùng chuyển tiếp). Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang thì mọi điều kiện để khu vực này trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được đáp ứng 7 điều kiện đặt ra cho một khu dự trữ sinh quyển thế giới, đó là: “Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những khu vực phát triển có các mức độ tác động khác nhau (gradiation) của con người. Khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao. Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng. Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển. Khu vực đó có đủ những phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thông qua: (a) vùng lõi có diện tích đủ lớn, được thiết lập bởi pháp luật, hoặc một vùng được dành riêng cho việc bảo tồn lâu dài; (b) vùng đệm được xác định rõ ràng, bao quanh hoặc kết nối với (các) vùng lõi, nơi dành cho các hoạt động hài hòa với bảo tồn; (c) vùng chuyển tiếp dành cho việc khuyến khích và tạo ra các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững. Có bố trí các cơ cấu quản lý để huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và khối tư nhân để thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển. Cơ chế thực hiện quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận, bao gồm: (a) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (b) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn khu dự trữ sinh quyển; (c) có một cơ chế hoặc đội ngũ quản lý được thành lập để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (d) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo”. 
 
Trong một hội nghị được tổ chức mới đây, đại diện Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam cho rằng: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang có giá trị như một sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, kết nối giữa văn hóa bản địa Tây Nguyên với rừng - không gian sinh tồn của các cư dân bản địa.
 
Khắc Dũng