Người lưu giữ những giống lan rừng Việt Nam

09:03, 12/03/2015

(LĐ online) - Cách Đà Lạt hơn 10km vườn lan rừng của anh An ngụ tại thôn Định An là điểm đến thăm quan lý thú cho những người yêu lan rừng. Vườn lan này có gần 300 loài lan được anh chăm chút nhân giống hoàn toàn theo phương thức tự nhiên.

(LĐ online) - Cách Đà Lạt hơn 10km vườn lan rừng của anh An ngụ tại thôn Định An là điểm đến thăm quan lý thú cho những người yêu lan rừng. Vườn lan này có gần 300 loài lan được anh chăm chút nhân giống hoàn toàn theo phương thức tự nhiên.
 
Là người còn khá trẻ (31 tuổi), nhưng anh Nguyễn Hoàng An (106, thôn Định An, xã  Hiệp An) đã có kinh nghiệm sưu tầm chăm sóc lan rừng hơn 20 năm. Từ khi 10 tuổi, anh đã mê những nhánh lan rừng của bố trồng sau vườn. Tuy nhiên, để có được vườn lan rừng rộng hơn 2000 2 như ngày hôm nay anh đã phải trải qua rất nhiều gian khổ.
 
Anh Nguyễn Hoàng An bên những giò phong lan
Anh Nguyễn Hoàng An bên những giò phong lan

Anh An cho biết, mặc dù đam mê từ nhỏ nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn anh đã phải tích góp từng đồng để mua lan về tự mày mò chăm sóc. Ban đầu, do không biết chế độ chăm sóc cũng như đặc tính của từng cây lan nên nhiều cây bị chết, lúc đó anh tiếc đứt ruột, nhất là những dòng lan quý. Với sự đam mê, suốt thời gian dài anh đã dành thời gian tìm hiểu và học hỏi những người đi trước, và bây giờ, anh đã có được cơ ngơi là vườn lan khá quy mô. Đến thăm vườn lan rừng của anh trong những ngày giáp Tết, mọi người càng khâm phục về “độ khủng” khi có đến vài chục loại lan đang đua nhau khoe sắc. Đặc biệt, có những giò lan nở đến cả vài ngàn bông rợp cả khu vườn. Theo anh An, chăm sóc lan rừng vừa dễ vừa khó, dễ vì lan rừng có sức đề kháng cao hơn lan cấy mô, song khó vì phải am hiểu từng loại lan để có chế độ chăm sóc hợp lý. Quả thực đối với chúng tôi, khi bước vào vườn lan của anh như bước vào khu rừng đầy hoa, biết bao nhiêu là hoa lan được cấy ghép trên nhiều chất liệu khác nhau, như gỗ, dớn, chậu, gỗ lũa… Hơn nửa vườn lan là lan rừng, trong số đó nhiều loài hiện rất hiếm gặp. Anh Nguyễn Hoàng An cho biết: “Tôi đã phải mày mò nghiên cứu để nhân giống theo cách tự nhiên như ở trong rừng mà không cần phải dùng phương pháp cấy mô, như vậy thì cây lan mới giữ được vẻ đẹp tự nhiên như vốn có. Mặc dù vậy, để có được những ngọn lan giống cũng không kém vất vả như trồng lan thương phẩm lấy hoa”. 
 
Những giò lan đua nhau khoe sắc đang góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng lan rừng này. Không những chăm sóc sưu tầm lan rừng, anh còn rất tận tình chỉ bảo kỹ thuật trồng lan, cách thuần hóa lan cho những người cùng đam mê nữ hoàng sắc đẹp.
 
Theo anh An cho biết, hiện nay nhiều giống lan rừng đang dần bị tuyệt chủng do nạn khai thác cạn kiệt để xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, nguồn lan giống ngày càng khan hiếm. Do đó, anh phải cố gắng nhân giống các loại lan quý để tạo con giống trước khi cung cấp lan thành phẩm.
 
Nguyễn Huy Khuyến