Đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ hạt nhân

09:03, 02/03/2015

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được đưa vào ứng dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm gần đây.

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được đưa vào ứng dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm gần đây.
 
Là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có Lò phản ứng đang hoạt động nên theo tiến sỹ Nguyễn Trọng Ngọ, Phó Viện trưởng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt là công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời triển khai các ứng dụng trong nghiên cứu vào thực tiễn để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Trong năm 2014 Viện đã bắt đầu xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên. Đó là nhóm nghiên cứu về vật lý và động học vò phản ứng; nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân trên kênh ngang của vò phản ứng; nhóm quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường; nhóm nghiên cứu điện tử hạt nhân đo lường và điều khiển lò phản ứng; nhóm nghiên cứu các quá trình môi trường; nhóm an toàn bức xạ và nhóm quản lý, xử lý thải phóng xạ. 
 
Điều  chế đồng vị phóng xạ chống ung thư tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
Điều chế đồng vị phóng xạ chống ung thư tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt
 
Trong năm 2014 vừa qua, Viện đã đạt được một số kết quả nghiên cứu mới khá nổi bật. Trước nhất là các nghiên cứu về vật lý lò phản ứng, tính toán thiết kế cơ cấu tới hạn đa mục tiêu sử dụng nước nhẹ làm chậm và nhiên liệu có độ giàu thấp (từ 1,6% - 5% U - 235). Nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân trên kênh ngang của Lò phản ứng đã nghiên cứu tiết diện nơtron toàn phần và bắt bức xạ sử dụng các dòng nơtron phin lọc trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Viện cũng thực hiện các nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ tiền khuếch đại dùng cho hệ điều khiển Lò phản ứng, sử dụng các buồng ion hóa neutron của Nga; thiết lập các hệ phin lọc nơtron và cấu hình các hệ phổ kế Gamma trên các kênh thực nghiệm nằm ngang của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Trong lĩnh vực y tế, Viện đã thực hiện việc nghiên cứu, đưa ra quy trình công nghệ sản xuất đồng vị phóng xạ Lu-177 cùng công nghệ sản xuất một số dược chất phóng xạ phục vụ trong chẩn đoán điều trị ung thư đầu, cổ. Trong nghiên cứu về an toàn bức xạ hạt nhân, Viện đã thực hiện việc định liều chiếu ngoài bằng TLD dùng bột CaSO4: Dy. Nghiên cứu này đã được Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân kiểm tra quy trình và kết quả; sắp đến Viện sẽ bắt đầu triển khai các ứng dụng này. Viện cũng thực hiện việc xây dựng một số tiêu chuẩn cơ sở về phân tích sai hình độ lớn nhiễm sắc thể để  phục vụ công tác định liều sinh học. Trong lĩnh vực môi trường, Viện thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ môi trường để xác định tốc độ xói mòn trên quy mô lưu vực rộng ở vùng Tây Nguyên, đồng thời cũng nghiên cứu bổ sung cơ sở dữ liệu phóng xạ nhân tạo trong môi trường Việt Nam. Trong nông nghiệp, Viện đã nghiên cứu xây dựng qui trình chế tạo chế phẩm Oligochitosan cắt mạch bằng bức xạ Gamma để ứng dụng trong phòng bệnh và tăng trọng cho gà; nghiên cứu khả năng đột biến và chọn lọc các dòng biến dị có triển vọng của giống hoa lan Nhện hoang dại bằng phương pháp chiếu xạ Gamma kết hợp kỹ thuật nuôi cấy Invitro. Viện cũng thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam theo hướng triệt tiêu hạt bằng biện pháp xử lý đột biến để nâng cao khả năng cạnh tranh của loại cây trồng này trên đất Đồng Nai. Viện cũng có bước tiến lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân với các thiết bị hướng dẫn thực hành trên lò phản ứng. Cho đến nay, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tiếp tục được vận hành an toàn với nhiên liệu độ giàu thấp. Trong năm 2014, Lò vận hành 12 đợt dài ngày với tổng thời gian hoạt động 1.481 giờ ở công suất định danh nhằm chiếu xạ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt và các thí nghiệm nghiên cứu kết hợp khác. Doanh thu từ triển khai kỹ thuật và dịch vụ trong năm 2014 của Viện đạt 24,6 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp tích cực của các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, Trung tâm An toàn bức xạ, Trung tâm Phân tích.
 
Chỉ tính trong năm 2014, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã có 15 công trình được đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành quốc tế,14 công trình được ấn loát trong nước, 25 báo cáo khoa học ở các hội nghị quốc tế và trong nước. Trong tháng 3/2014, Viện được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba nhân kỷ niệm 30 năm ngày khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
 
Theo đánh giá của Viện, các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật và dịch vụ ứng dụng từ các nghiên cứu, các chương trình hợp tác quốc tế đã từng bước nâng cao trình độ của cán bộ tại Viện, góp phần tạo tiềm lực để ngành Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện dự án Trung tâm khoa học - công nghệ hạt nhân với lò phản ứng đa mục tiêu sắp đến; đặc biệt là việc tham gia vào dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sắp đến, trong đó có công tác đào tạo nhân lực.
 
Theo tiến sỹ Nguyễn Trọng Ngọ, thời gian tới, Viện vẫn tiếp tục duy trì các hướng nghiên cứu đặc thù của mình như công nghệ lò phản ứng nghiên cứu; sử dụng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị ung thư; nghiên cứu vật lý hạt nhân trên kênh ngang của lò phản ứng, nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân và liên quan; nghiên cứu chế tạo các chế phẩm mới dùng kỹ thuật bức xạ; nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp và sinh học môi trường; nghiên cứu và chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân... Trong ứng dụng, Viện sẽ đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực đặc thù và là thế mạnh của Viện lâu nay như sản xuất, cung cấp đồng vị phóng xạ; dịch vụ phân tích mẫu; dịch vụ đo liều cá nhân và kiểm chuẩn thiết bị; quan trắc và đánh giá tác động môi trường; sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp. Cùng đó, Viện cũng sẽ mở rộng thêm các hướng có tiềm năng như đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, chứng nhận VietGAP.ª
 
VIẾT TRỌNG