Cuối tháng 3/2015, tại Đà Lạt, Hội thảo khoa học Hệ điều dưỡng khu vực phía Nam đã công bố 5 báo cáo khoa học, trong đó, có đề tài thú vị là: trị liệu bằng mỹ thuật cho người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hoặc chấn thương não.
Cuối tháng 3/2015, tại Đà Lạt, Hội thảo khoa học Hệ điều dưỡng khu vực phía Nam đã công bố 5 báo cáo khoa học, trong đó, có đề tài thú vị là: trị liệu bằng mỹ thuật cho người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hoặc chấn thương não.
|
Đề tài nghiên cứu về đánh giá chương trình nhóm trị liệu bằng mỹ thuật thu hút sự quan tâm thú vị tại hội thảo |
Tác giả nghiên cứu là cử nhân Lê Khánh Điền và người hướng dẫn - Christine Sheard - giảng viên âm ngữ trị liệu (Đại học Macquarie, Sydney, Úc) đánh giá tính hiệu quả của chương trình “Nhóm trị liệu bằng mỹ thuật” được tổ chức tại Đơn vị ngữ âm trị liệu - Bệnh viện An Bình - Tp.HCM.
Các rối loạn giao tiếp thường gặp ở người lớn sau đột quỵ hoặc chấn thương não bao gồm: mất ngôn ngữ, rối loạn vận ngôn và mất dùng lời nói chủ ý. Chương trình “Nhóm trị liệu bằng mỹ thuật” triển khai từ cuối tháng 12/2013 đến nay tại Bệnh viện An Bình - Tp.HCM. Tác giả nghiên cứu cho biết ý tưởng thiết lập chương trình này xuất phát từ trải nghiệm thực tế 3 tháng tu nghiệp tại Sydney, đặc biệt khi quan sát nhóm “Art Express Group” tại Bệnh viện War Memorial và đề án “Thiết lập các nhóm mất ngôn ngữ dựa vào cộng đồng” tháng 9/2012. Chương trình này giúp cho người có rối loạn giao tiếp tăng cường kỹ năng giao tiếp xã hội song song với chương trình điều trị phục hồi các rối loạn về ngôn ngữ. Những người rối loạn giao tiếp điều trị ngoại trú tại Bệnh viện An Bình được hướng dẫn tham gia điều trị trong cả 2 chương trình nhằm phục hồi toàn diện khả năng giao tiếp, sự hòa nhập xã hội và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của họ.
Mỹ thuật nói chung, hội họa nói riêng có thể tạo thuận lợi cho việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và xã hội, diễn tả ý tưởng và cảm xúc, làm giảm sự căng thẳng và lo lắng, đạt được sự cảm nhận bên trong của mỗi cá nhân, giúp cho cuộc sống có ý nghĩa hơn; học hoặc học lại một kỹ năng về mỹ thuật, giúp có được niềm vui và hạnh phúc khi hoàn thành tác phẩm của mình. Nhóm trị liệu bằng mỹ thuật cho người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hoặc tổn thương não tại Bệnh viện An Bình - Tp.HCM do các sinh viên Khoa Mỹ thuật - Đại học Sài Gòn đảm trách. Trước khi bắt đầu chương trình, các sinh viên mỹ thuật được huấn luyện về khái niệm đột quỵ tác động như thế nào lên giao tiếp và cách giao tiếp với bệnh nhân một cách hiệu quả. Với phương pháp trị liệu này, người rối loạn giao tiếp tham gia lớp học trung bình 2 giờ/tuần, mỗi buổi trị liệu có từ 6-11 bệnh nhân và 2-6 sinh viên mỹ thuật hướng dẫn.
Người rối loạn giao tiếp đánh giá lớp mỹ thuật đã có tác động tích cực đối với họ như là: tạo thêm cơ hội để gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người (85,7%); tự tin hơn (100%); giao tiếp tốt hơn (100%); kỹ năng vẽ tốt hơn (100%). Tác giả nghiên cứu phân tích: Người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ hoặc chấn thương não chủ yếu giao tiếp với người thân trong gia đình, ít có cơ hội đi ra ngoài tiếp xúc và giao tiếp với người khác; họ có thú vui giải trí tại nhà như xem TV, nghe nhạc, đọc báo, chơi game, tuy nhiên những hoạt động này không có đối tác giao tiếp tương tác, vì vậy gần như không giúp cho người rối loạn giao tiếp có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp. Đến với lớp học trị liệu bằng mỹ thuật, bệnh nhân yêu thích và gắn kết với chương trình, họ trông đợi đến ngày thứ sáu hàng tuần để tham gia nhóm hội họa - mỹ thuật, học cách tô màu, nặn đất sét tạo hình, học vẽ tranh, làm thiệp chúc mừng Noel, năm mới và tham gia rất đều đặn. Tranh của bệnh nhân còn được bệnh viện mở phòng triển lãm ghi nhận thành quả của họ vào cuối năm 2014. Sự thoải mái trong giao tiếp với mọi người trong nhóm như: sinh viên mỹ thuật, thầy thuốc, người bệnh và không khí vui tươi trong mỗi buổi học trị liệu bằng mỹ thuật cho thấy cơ hội giao tiếp gia tăng và sự tự tin của bệnh nhân trong một môi trường tương tác hỗ trợ từ sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau.
Nghiên cứu đi đến kết luận, “nhóm trị liệu bằng mỹ thuật” giúp tạo ra môi trường có tính tương tác tích cực, gia tăng cơ hội và khả năng giao tiếp, hỗ trợ người rối loạn giao tiếp có cảm giác tốt và cảm giác đạt được một điều gì đó trong cuộc sống, tự tin hơn, khả năng giao tiếp tốt hơn, là cầu nối hòa nhập xã hội, từ đó có thể tin rằng sẽ dẫn đến chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe tốt hơn. Tác giả nghiên cứu hy vọng chương trình “nhóm trị liệu bằng mỹ thuật” sẽ đánh thức cộng đồng về cuộc sống có ý nghĩa của người rối loạn giao tiếp và mô hình này sẽ nhân rộng đến các bệnh viện khác ở Tp.HCM và trong cả nước. Hơn nữa, sự tham gia thiện nguyện của sinh viên mỹ thuật mở ra triển vọng khả thi cho việc tổ chức những nhóm trị liệu tương tự. Cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của những người rối loạn giao tiếp sau đột quỵ và chấn thương não, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ từ cộng đồng để tạo ra môi trường hỗ trợ thích hợp nhằm khuyến khích sự tái hòa nhập xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
DIỆU HIỀN