Cảm biến độ ẩm có khả năng phân hủy sinh học giúp người nông dân xác định khu vực nào trong trang trại cần được tưới nước bằng cách truyền đi một tín hiệu thay đổi tùy theo độ ẩm của nền đất.
Cảm biến độ ẩm có khả năng phân hủy sinh học giúp người nông dân xác định khu vực nào trong trang trại cần được tưới nước bằng cách truyền đi một tín hiệu thay đổi tùy theo độ ẩm của nền đất.
Ảnh minh họa |
Các nhà khoa học Nhật Bản vừa chế tạo thành công cảm biến độ ẩm có khả năng phân hủy sinh học sử dụng trong ngành nông nghiệp.
Nhóm nghiên cứu do ông Kasuga Takaaki thuộc Đại học Osaka dẫn đầu đã chế tạo một bảng mạch cảm biến được làm chủ yếu từ các sợi cellulose siêu nhỏ.
Thiết bị này sẽ cho phép người nông dân xác định khu vực nào trong trang trại của họ cần được tưới nước bằng cách truyền đi một tín hiệu thay đổi tùy theo độ ẩm của nền đất.
Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn cảm biến sẽ phân hủy trong khoảng 40 ngày. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn chứa lượng nhỏ kim loại không phân hủy và cần sử dụng nguồn năng lượng từ bên ngoài để hoạt động.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ khắc phục được các nhược điểm trên khi thương mại hóa sản phẩm này.
Đài truyền hình NHK dẫn lời nhà nghiên cứu Kasuga cho biết trong tương lai, các cảm biến này sẽ giúp thúc đẩy công nghệ vạn vật kết nối (IoT) trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vậy, hoạt động canh tác nông nghiệp sẽ được quản lý một cách hiệu quả hơn.
(Theo TTXVN)