Thời gian qua, người tiêu dùng đã chứng kiến sự rệu rã của Smartphone (điện thoại thông minh) Asanzo, thiếu nguồn lực của Bphone, thậm chí bị "xóa tên" như Mobiistar… Tuy vậy, một số tập đoàn lớn trong nước vẫn "ôm mộng" đầu tư và phát triển Smartphone, điển hình là Vsmart của Tập đoàn Vingroup. Liệu Smartphone thương hiệu Việt sẽ đi về đâu trước áp lực của các thương hiệu quốc tế?
Thời gian qua, người tiêu dùng đã chứng kiến sự rệu rã của Smartphone (điện thoại thông minh) Asanzo, thiếu nguồn lực của Bphone, thậm chí bị “xóa tên” như Mobiistar… Tuy vậy, một số tập đoàn lớn trong nước vẫn “ôm mộng” đầu tư và phát triển Smartphone, điển hình là Vsmart của Tập đoàn Vingroup. Liệu Smartphone thương hiệu Việt sẽ đi về đâu trước áp lực của các thương hiệu quốc tế?
Smartphone thương hiệu Việt |
Lụi tắt… dần
Cách nay vài năm, thị trường trong nước hết sức kỳ vọng trước sự ra đời Smartphone thương hiệu Việt của BKAV với sản phẩm Bphone. Một sản phẩm được xem là thuần Việt từ nghiên cứu đến sản xuất. Thế nhưng, trong khi hầu hết các thương hiệu Smartphone trên thế giới mỗi năm ra một mẫu mới thì Bphone đang dừng lại. Năm 2019, BKAV không ra mắt thế hệ Bphone tiếp theo mà dự kiến dời qua 2020.
Một thương hiệu khác trong làng điện thoại di động Việt cũng nên nhắc đến là Asanzo, vốn cũng đã cho ra đời một vài sản phẩm. Nhưng Asanzo, với sự nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, thiếu minh bạch xung quanh các vấn đề liên quan đến thuế… khiến doanh nghiệp này rơi vào khó khăn. Những chiếc Smartphone thương hiệu Asanzo S6 với giá chưa đến 2,5 triệu đồng vừa ra mắt vào giữa tháng 11-2019 cũng không còn mấy hút khách.
Thời điểm giữa năm 2019, người tiêu dùng lấy làm tiếc khi một thương hiệu điện thoại di động do người Việt làm chủ, vận hành cũng dần lụi tắt, đó là thương hiệu Mobiistar. Vào cuối tháng 6-2019, Mobiistar thông báo rời khỏi Ấn Độ sau một năm gia nhập thị trường này. Đối tác sản xuất duy nhất của Mobiistar tại Ấn Độ có tên VSun Technologies đã nộp đơn phá sản vào ngày 19-5 và sa thải toàn bộ nhân viên. Điều này dẫn đến sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng của Mobiistar tại Ấn Độ. Nguyên nhân của sự phá sản này có một phần ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
VSun Technologies vốn là nhà đầu tư Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại, mất tính thanh khoản tại Trung Quốc, kéo theo sự sụp đổ của Mobiistar ở Ấn Độ. Vì vậy, giấc mơ đưa Mobiistar về Việt Nam để khẳng định một tên tuổi thương hiệu Việt cũng thành… mây khói.
Vẫn kỳ vọng
Nhìn lại thị trường điện thoại di động năm 2019, chỉ thấy sự “ngự trị” của các thương hiệu từ nước ngoài. Nhưng trong bối cảnh này, thương hiệu Việt lại xuất hiện một cái tên mới, đáng chú ý: Vsmart của Tập đoàn Vingroup, được đầu tư bài bản, từ nghiên cứu đến thiết kế và sản xuất theo mô hình của các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Xây dựng trên diện tích 15,2ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), giai đoạn 1, nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart có công suất 23 triệu máy/năm; giai đoạn 2 nâng công suất lên 34 triệu máy/năm và công suất cao nhất 125 triệu máy/năm. Theo ghi nhận, công nghệ của Vsmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao bởi sự hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất thế giới như Qualcomm, Google, ArcSoft, DxO…
Thị trường trong nước đang kỳ vọng vào một Smartphone thương hiệu Việt vừa chất lượng cao vừa hợp lý về giá cả. Mới đây, Vingroup đã tạo ra cú sốc trên thị trường khi quyết định tặng cư dân là chủ sở hữu các sản phẩm bất động sản mang thương hiệu Vinhomes một chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart.
Theo ước tính, sẽ có tới hơn 100.000 cư dân Vinhomes được tặng điện thoại Vsmart nhân dịp năm mới. Hay trước đó, đầu tháng 11-2019, giảm giá đến 50% cho dòng máy Vsmart Live, từ 6,99 triệu đồng, chỉ còn 3,49 triệu đồng (bản 4GB RAM) và từ 7,79 triệu đồng giảm còn 3,79 triệu đồng (bản 6GB RAM).
Với những gì đã đầu tư và với diễn tiến thị trường, hiện giới công nghệ trong nước đặt kỳ vọng vào thương hiệu Vsmart có thể lấp khoảng trống của các thương hiệu như Mobiistar, Bphone, Asanzo.
(Theo sggp.org.vn)