(LĐ online) - Ông Phan Vấn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Đề tài "Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây"...
(LĐ online) - Ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Đồng cho biết: Đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” của 2 nữ sinh Lê Nguyễn Hoàng Ngân (2001), Phan Lê Thảo Phương (2002) học sinh lớp 12A Trường THPT Đơn Dương vừa đoạt Huy chương Vàng tại Triển lãm quốc tế IEYI dành cho các nhà sáng tạo trẻ (International Exhibition for Young Inventors) diễn ra tại Indonesia vào cuối năm 2019.
|
Ngân (bên phải) và Phương tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2018. Ảnh: Tiền Phong |
Triển lãm IEYI là hoạt động giới thiệu các công trình sáng tạo kỹ thuật dành cho các nhà sáng tạo trẻ trên thế giới được tổ chức lần đầu tiền tại Nhật Bản vào năm 2004 và được các nước, các tổ chức quốc tế luân phiên tổ chức hàng năm. IEYI 2019 có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hàng trăm đề tài tham dự. Tại triển lãm, các em đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, học hỏi về những xu hướng công nghệ mới để phát triển sáng kiến của mình trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Hội đồng giám khảo bao gồm các giáo sư, các nhà khoa học có uy tín của các nước tham dự triển lãm đã làm việc khách quan, công tâm và lựa chọn ra được những sáng chế xứng đáng để trao giải theo các tiêu chí đặt ra là tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng cao vào sản xuất và đời sống.
Được biết, với 6 đề tài nghiên cứu tham dự triển lãm lần này, đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam đã mang về 5 huy chương (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng) và 1 giải đặc biệt dành cho công trình xuất sắc (do Trung Quốc và Nhật Bản trao tặng). Cụ thể, 2 HCV đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” của 2 em Lê Nguyễn Hoàng Ngân - Phan Lê Thảo Phương (Lâm Đồng); phần mềm “Chào lớp 1” của 3 em Phạm Việt Tùng, Đoàn Mạnh Đức, Bùi Đại Hiếu (cùng sinh năm 2004, Hà Nội). 2 HCB đề tài “Máy xúc điều khiển từ xa ứng dụng công nghệ thực tế ảo” của em Nguyễn Bật Dũng (sinh năm 2000, Sơn La); “Thiết bị cảnh báo sớm lũ lụt và sạt lở đất” của 2 em Bùi Quang Hiến, Lê Thái Trường Minh (cùng sinh năm 2003, Ninh Bình). 1 HCĐ đề tài “Robot thí nghiệm hóa học” của 2 em Giang Quốc Hoàn, Đỗ Hữu Toàn (cùng sinh năm 2000, Ninh Bình). Giải đặc biệt “Robot tái mô phỏng hóa hành động” của em Diệp Gia Đăng (sinh năm 2000, Cần Thơ). Ngoài ra, các nhóm tác giả trẻ còn có thêm giải đặc biệt do MaCao, Malaysia, Thái Lan trao tặng.
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất màng sinh học từ phế phẩm tơ tằm chiếu xạ để bảo quản trái dâu tây” của 2 nữ sinh Lê Nguyễn Hoàng Ngân, Phan Lê Thảo Phương xuất sắc đoạt HCV quốc tế là niềm vinh dự, tự hào lớn khẳng định khả năng sáng tạo của học sinh Lâm Đồng đã vươn ra tầm quốc tế. Nghiên cứu của các em đã mở ra hướng bảo quản trái dâu tây và các loại nông sản khác sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học, kéo dài thời gian tươi lâu đến 7 ngày, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Trước đó, đề tài của các em đã được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng trao giải đặc biệt, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam trao giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh và cấp toàn quốc vì tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại hiệu quả thiết thực.
QUỲNH UYỂN