Kỳ lạ 'dòng sông máu' như trên sao Hỏa

06:01, 03/01/2020

Với đặc điểm 'không giống ai' và màu đỏ như máu, sông Rio Tinto được so sánh với các địa điểm khác trong hệ Mặt trời được cho là có chứa nước như sao Hỏa hay vệ tinh Europa của sao Mộc...

Với đặc điểm 'không giống ai' và màu đỏ như máu, sông Rio Tinto được so sánh với các địa điểm khác trong hệ Mặt trời được cho là có chứa nước như sao Hỏa hay vệ tinh Europa của sao Mộc...
 
Người dân Tây Ban Nha gọi sông Rio Tinto là sông Đỏ hoặc sông Tinto
Người dân Tây Ban Nha gọi sông Rio Tinto là sông Đỏ hoặc sông Tinto
 
Rio Tinto là một dòng sông nổi tiếng tại Tây Ban Nha, thu hút hàng triệu du khách và các nhà khoa học khắp thế giới đến thăm mỗi năm vì làn nước màu đỏ kỳ lạ như máu.
 
Sông Rio Tinto nằm ở phía tây nam Tây Ban Nha, bắt nguồn từ vùng núi Andalusia chảy theo hướng nam-tây nam đến vịnh Cádiz tại Huelva. Dòng sông này dài 100km nhưng gần 50km chảy qua thị trấn Niebla lại có màu đỏ tươi như máu. Khi đi qua thị trấn này, nước sông trở lại màu trong như mọi con sông khác.
 
Rất nhiều câu chuyện được thêu dệt giải thích cho màu đỏ của đoạn sông này. Có người tin rằng thị trấn Niebla bị mắc một lời nguyền nào đó khiến "thần linh" nổi giận; lại có người cho rằng đây là nơi một "con rồng" đã ngã xuống sau cuộc chiến bảo vệ thị trấn.
 
Người dân Tây Ban Nha gọi sông Rio Tinto là sông Đỏ hoặc sông Tinto
Người dân Tây Ban Nha gọi sông Rio Tinto là sông Đỏ hoặc sông Tinto
 
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học thì màu đỏ của đoạn sông này không phải là điều gì quá kỳ bí mà là hệ quả của sự tác động giữa các chất hóa học với nhau.
 
Trên thực tế, con sông này nằm trong vành đai Pyrit. Khu vực này có số lượng lớn quặng đồng, sắt, vàng, bạc cùng nhiều khoáng sản khác lắng đọng trong kỷ Than Đá (358.9 - 298.9 triệu năm trước). 
 
Cách bờ sông chỉ 20km cũng là mỏ khai thác khoáng sản lớn trong hàng nghìn năm. Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên, người Tartess và người Norman đã bắt đầu khai thác khoáng sản ở đây.
 
Tiếp sau đó là người Hi Lạp, La Mã khai thác rồi mỏ bị bỏ hoang trong hàng nghìn năm sau đó. Mãi tới năm 1724, chính phủ Tây Ban Nha mới cho khai thác tiếp. Những công ty khai thác mỏ ra đời sau đó cùng sự tham gia của giới quý tộc Anh biến nơi đây thành mỏ khai thác quy mô lớn của cả châu Âu vào thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.
 
Việc khai thác công khai chỉ thực sự được dừng lại sau hàng loạt cuộc thăm dò nghiên cứu, chỉ trích của các nhà hoạt động về sự ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.
 
Màu đỏ như máu của đoạn sông này được cho là hệ quả của việc khai thác khoáng sản làm thay đổi địa hình khu vực này, khiến nước chứa sắt và các kim loại nặng từ mỏ khai thác rỉ ra ngoài hòa tan vào dòng nước.
 
Đoạn sông bên ngoài thị trấn Niebla nước nhạt dần rồi hết hẳn màu đỏ một phần do cách xa mỏ khai thác, một phần do có sự hòa quyện nước với các dòng chảy khác trước khi đổ ra Đại Tây Dương.
 
Các nhà khoa học không thể ước tính số lượng kim loại nặng đã hòa tan vào dòng sông, chỉ biết rằng điều này đã biến đoạn sông chảy qua thị trấn Niebla trông thì kỳ lạ, nhưng thực tế là môi trường nước khắc nghiệt tới mức chẳng loài tôm cá nào sống được. 
 
Những chiếc xe chở quặng hoen gỉ sau khi mỏ khai thác bị bỏ hoang
Những chiếc xe chở quặng hoen gỉ sau khi mỏ khai thác bị bỏ hoang
 
Có chăng chỉ là vài dạng sống như vi khuẩn, tảo thích nghi được. Sự hiện diện của các vi khuẩn và tảo này cũng phần nào là nguyên nhân tạo nên màu đỏ của nước. Chúng làm tăng độ PH, tăng nồng độ của các kim loại nặng trong dòng sông.
 
Đối với du khách hiếu kỳ thì Rio Tinto là một điểm đến hấp dẫn của Tây Ban Nha, còn đối với các nhà khoa học, sinh vật học thì đây cũng là nơi tuyệt vời để nghiên cứu về giới hạn môi trường của sự sống và khả năng sống của hành tinh. 
 
Rio Tinto được so sánh với các địa điểm khác trong hệ Mặt trời được cho là có chứa nước lỏng, như nước ngầm trên sao Hỏa, vệ tinh Europa của sao Mộc và Enceladus của sao Thổ.
 
(Theo tuoitre.vn)