Cống La Mã vẫn có thể sử dụng sau 2.300 năm

05:02, 11/02/2020

Hệ thống cống cổ đại dài hàng trăm mét ở trong tình trạng tốt đến mức có thể đưa vào sử dụng ngày nay để thoát nước mưa.

Hệ thống cống cổ đại dài hàng trăm mét ở trong tình trạng tốt đến mức có thể đưa vào sử dụng ngày nay để thoát nước mưa.
 
Một đường hầm bên trong hệ thống cống La Mã
Một đường hầm bên trong hệ thống cống La Mã
 
Hệ thống đường hầm 457m nằm dưới thành phố Pompeii của Italy lúc đầu được xây để thoát nước từ sườn đồi chảy xuống trung tâm đô thị. Kết quả phân tích mạng lưới đường hầm cho thấy chúng gần như nguyên vẹn sau hàng thiên niên kỷ và vẫn trong tình trạng cực tốt.
 
"Lối vào cống bị chắn nhưng do vấn đề hiện nay trong việc thoát nước mưa, chúng tôi sẽ bắt đầu sử dụng cống trở lại", Massimo Osanna, giám đốc Công viên khảo cổ Pompeii, cho biết. "Việc tái sử dụng cống là chứng nhận cho trình độ kỹ thuật xuất sắc thời đó".
 
Công viên Khảo cổ Pompeii hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu hang động đến từ Hiệp hội Cocceius trong dự án mới. Từ năm 2018, họ đã cẩn thận đánh giá 457 m đường hầm có kích thước đủ rộng để một người trưởng thành chui lọt. Khoảng 457m còn lại sẽ trải qua phân tích tương tự để xác định tình trạng và kết luận liệu mạng lưới có phù hợp cho việc sử dụng lần nữa hay không.
 
Hai hố đào gần tượng Nhân Mã giữa thành phố cung cấp lối vào hệ thống cống. Hệ thống này dẫn xuống đồi bên dưới khu phố Via Marina và dãy biệt thự Imperial Villa. Hệ thống cho phép dẫn nước mưa từ thành phố Pompeii ra biển. Mạng lưới khá phức tạp nhưng có kết cấu hợp lý và xây trong ba giai đoạn.
 
Lúc đầu, hệ thống được xây vào cuối thế kỷ 3 hoặc đầu thế kỷ 2 trước Công nguyên khi người Samnite sinh sống trong thành phố trước khi người La Mã đến. Sau đó, người La Mã mở rộng hệ thống cống nước trong thế kỷ I trước Công nguyên. Bằng chứng trong đường hầm cho thấy phần cuối cùng của công trình được xây vài năm trước khi núi lửa Vesuvius phá hủy thành phố.
 
"Dự án khám phá đường hầm nằm trong danh sách hoạt động của công viên khảo cổ Pompeii, giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta về khu vực", Massimo Osanna, tổng giám đốc công viên khảo cổ Pompeii, chia sẻ.
 
(Theo VnExpress)