Những năm trở lại đây, hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, các hội đồng khoa học cấp huyện được kiện toàn ở 12/12 huyện, thành...
Những năm trở lại đây, hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, các hội đồng khoa học cấp huyện được kiện toàn ở 12/12 huyện, thành đã tích cực tham mưu cho UBND cấp huyện và xem xét cho từng nhiệm vụ đảm bảo sát nhu cầu thực tế, góp phần đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào đời sống.
Xác định các nhiệm vụ KHCN mang tính cấp thiết phục vụ cho sản xuất và đời sống của Nhân dân tại địa phương nên các địa phương đã tiến hành thẩm định, xét duyệt đề cương, dự toán kinh phí, tổ chức nghiệm thu và công nhận, đăng ký và tổ chức chuyển giao kết quả thực hiện.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ biến nông sản của địa phương thành thương hiệu mạnh |
Nhiều ứng dụng hiệu quả
Trong năm qua 2019, UBND tỉnh đã bố trí gần 1,96 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ ứng dụng KHCN cấp huyện, gồm 6 nhiệm vụ năm 2019, 21 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2018 và 7 nhiệm vụ chuyển tiếp năm 2017. Thực hiện nghiệm thu, công nhận 24 nhiệm vụ; chuyển giao kết quả và nhân rộng các mô hình.
Từ nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN, các huyện, thành đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và đời sống. Hỗ trợ các huyện triển khai dự án sản xuất cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh như: dâu tằm, bò thịt cao sản, cà chua thân gỗ Magic S, chuỗi rau củ quả và chuẩn bị triển khai 3 dự án mới từ nguồn hỗ trợ KHCN của Trung ương như: chè chất lượng cao, cá nước lạnh, trà hoa vàng…
Cụ thể, huyện Lạc Dương đã khảo nghiệm mô hình trồng cây rừng (cây dong diêng) làm men rượu cần truyền thống tại xã Đạ Chais; nhân rộng mô hình trồng đẳng sâm thương phẩm tại xã Lát. Huyện Đơn Dương đầu tư sản xuất thử phomat từ sữa bò non; trồng các giống cà chua mới (Beef, Doufu, Chocolate Cherry) năng suất cao trên giá thể theo hướng nông nghiệp cao đạt tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong một số loại nông sản. Huyện Đức Trọng trình diễn mô hình tái canh cây cà phê kết hợp trồng xen bơ sáp, thử nghiệm các phương pháp xử lý cây bơ ra quả trái vụ; mô hình trồng thử nghiệm cây Atiso tại xã Phú Hội. Huyện Lâm Hà triển khai mô hình trồng cây xuyên khung tại xã Đông Thanh; nhân rộng mô hình trồng cây phúc bồn tử với hệ thống tưới nhỏ giọt. Huyện Đam Rông triển khai mô hình trồng bơ sáp xen canh trong vườn cà phê ở Phi Liêng; xây dựng mô hình trồng chanh không hạt trên địa bàn huyện. Huyện Di Linh đầu tư xây dựng mô hình canh tác, sơ chế, chế biến cà phê Robusta chất lượng cao theo quy mô hộ gia đình; tuyển chọn, nuôi trồng, bảo tồn và phát triển một số loài lan rừng trên địa bàn huyện; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa thiên điểu tại Đinh Lạc; ươm trồng thử nghiệm một số giống cây cảnh phục vụ trong nước và xuất khẩu. Huyện Bảo Lâm đầu tư ứng dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước cho vườn cà phê, xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ nhập nội trái vụ cho năng suất chất lượng cao. Huyện Đạ Huoai thử nghiệm trồng tập trung và chăm sóc chè hoa vàng dưới tán vườn cây; phát triển mô hình trồng nấm linh chi. Huyện Đạ Tẻh ứng dụng đồng bộ công nghệ tưới nước, bón phân, phun thuốc tự động “3 trong 1” trên cây sầu riêng; xử lý nước ngầm bị nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt. Huyện Cát Tiên đầu tư xây dựng mô hình trồng cam đường canh, trồng đẳng sâm; sản xuất thử nghiệm cây chè dây tại xã Đồng Nai Thượng…
Ðẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ
Cùng với việc phổ biến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các huyện, thành đã chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế của sản phẩm, các huyện đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ bằng cách rà soát những mặt hàng đặc trưng của địa phương và đưa vào danh mục để từng bước xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm.
Các địa phương đã xây dựng bảo hộ và phát triển được 24 nhãn hiệu, trong đó 21 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền.
Cụ thể, gồm thương hiệu Lúa gạo Cát Tiên, Nếp quýt Đạ Tẻh, Sầu riêng Đạ Huoai, Tơ lụa Bảo Lộc, Trà B’lao, Cà phê Di Linh, Nấm Đức Trọng…; nâng cao nhận thức của người dân và quảng bá rộng rãi giá trị nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Các huyện đã quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; đồng thời, tích cực trong công tác xác lập, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của huyện gắn với chỉ dẫn địa danh nhằm thúc đẩy phát triển những sản phẩm thế mạnh. Đến nay, 100% UBND cấp xã đã thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Thực hiện dự án nâng cao năng suất chất lượng, 2 huyện Đạ Tẻh và Lạc Dương đã xây dựng đề án truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của huyện.
ThS.Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Dù chưa hết những khó khăn, nhưng hầu hết các địa phương trong tỉnh đều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động KH&CN. Trong đó, nhiều huyện đã trở thành điểm sáng, trong đó Đơn Dương, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đức Trọng thực sự là những điểm sáng. Các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN triển khai trên địa bàn các huyện này hầu hết đã mang lại hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân.
QUỲNH UYỂN