(LĐ online) - Ngày 20/11, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học "Giải pháp phát triển tín dụng ngân hàng góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng".
(LĐ online) - Ngày 20/11, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Giải pháp phát triển tín dụng ngân hàng góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng”.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao bởi tính lý luận và giá trị thực tiễn của đề tài |
Sau 2 năm nghiên cứu, nhóm các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh do PGS.TS.Nguyễn Thị Loan làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu về tín dụng ngân hàng đối với sản xuất NNCNC tiếp cận tài chính từ phía ngân hàng (cung tín dụng) và tiếp cận tài chính từ phía khách hàng (nhu cầu tín dụng). Từ đó, phát hiện những điểm nghẽn trong hoạt động tín dụng cho NNCNC, tìm ra những khó khăn trong quá trình vay vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho NNCNC, góp phần phát triển sản xuất NNCNC tại Lâm Đồng.
Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một bước phát triển trong sản xuất nông nghiệp, là giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lâm Đồng là tỉnh có khí hậu và đất đai thuận lợi để phát triển NNCNC, toàn tỉnh hiện có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân; 7 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNCNC.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 52 tổ chức tín dụng gồm 22 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã và 25 quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến cuối 2018, tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng là 90.443,7 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay là 85.919 tỷ đồng, 50/51 tổ chức tín dụng có thu nhập lớn hơn chi phí, chỉ có 1 đơn vị lỗ do mới hoạt động.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh Lâm Đồng thì tổng vốn thực hiện chương trình NNCNC giai đoạn 2011 - 2020 là 4.836,8 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay NNCNC (2015 - 2018) là 1.021 tỷ đồng, bình quân 255,2 tỷ đồng/năm, chỉ có 6/22 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho NNCNC, đa số là vay ngắn hạn. Tổng số khách hàng được vay vốn NNCNC là 798 khách hàng (21 doanh nghiệp, 777 hộ gia đình); trong đó 443 khách hàng được vay lãi suất ưu đãi (8 doanh nghiệp, 435 hộ gia đình).
Tỷ lệ nợ xấu trong cho vay NNCNC tại các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Lâm Đồng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng dư nợ. Các hộ nông dân và các doanh nghiệp từng vay vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình vay vốn thì có hai khó khăn lớn nhất được chỉ ra là việc định giá tài sản thế chấp còn thấp, thời hạn vay còn quá ngắn; ngoài ra, việc duyệt hồ sơ vay còn chậm, phức tạp trong thủ tục.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc cấp tín dụng cho NNCNC còn hạn chế: dư nợ có sự tăng trưởng, nhưng chỉ tập trung ở một số cho nhánh ngân hàng thương mại nhà nước; chủ yếu cho vay ngắn hạn, cho vay trung - dài hạn không đáng kể; số khách hàng được vay vốn ưu đãi dể sản xuất NNCNC rất thấp; tỷ trọng doanh số cho vay rất thấp ( dưới 2%), tỷ trọng dư nợ cũng rất thấp (dưới 0,5%) trong tổng số cho vay nông nghiệp nông thôn; hình thức cấp tín dụng NNCNC theo chuỗi giá trị chưa được triển khai rộng rãi. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2012 – 2018, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ cho vay 1.021 tỷ đồng để phát triển NNCNC. Số vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất NNCNC của cả giai đoạn (4.837 tỷ đồng).
Nguyên nhân của những hạn chế trong cấp tín dụng NNCNC là do: NNCNC còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù thay đổi phương thức canh tác nó vẫn mang đặc trưng của sản xuất nông nghiệp, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị hiếu tiêu dùng, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện vay vốn do phương thức sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, năng lực tài chính hạn chế, tổ chức kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản bảo đảm, thói quen sử dụng tiền mặt còn phổ biến nên việc kiểm soát dòng tiền cho vay gặp khó khăn để đảm bảo cho vay đúng mục đích. Các ngân hàng thương mại chưa quan tâm đúng mức đến cấp tín dụng trong lĩnh vực NNCNC; chưa có quy trình riêng đặc thù trong cho vay NNCNC, chưa có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán xây dựng nhà lưới, nhà kính để các ngân hàng làm cơ sở thẩm định tài sản thế chấp cho vay; chưa có nhiều hình thức bảo đảm tiền vay; vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho sản xuất NNCNC rất lớn, khó có thể cho vay vốn ở mức cao…
Các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp phát triển tín dụng ngân hàng đối với NNCNC: Các ngân hàng cần xây dựng bộ tiêu chí, mô hình, chính sách đối với khách hàng cho vay các dự án liên kết sản xuất sản phẩm rau hoa ứng dụng CNC thông qua chuỗi giá trị và chuỗi đầu mối; trong đó là chính sách về lãi suất cho vay, chính sách về tài sản đảm bảo, chính sách xử lý rủi ro. Với UBND tỉnh Lâm Đồng, cần đẩy mạnh hoàn tất công tác quy hoạch, thẩm định, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm công nhận khu, vùng sản xuất NNCNC, để các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi; Sở NN-PTNN sớm xây dựng và trình ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức dự toán xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính ứng dụng CNC để các ngân hàng làm cơ sở thẩm định tài sản thế chấp cho vay; thực hiện việc công nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có quy định thực hiện; tăng cường thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường để sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh khủng hoảng thừa nông sản; xây dựng đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ lãi suất cho vay NNCNC…
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính lý luận và bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nếu nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng để phát triển NNCNC, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh.
QUỲNH UYỂN