(LĐ online) - Sáng 11/12, thông tin từ Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trường Đại học Đà Lạt cho biết: "Sách đỏ về chi Sồi (Quercus) toàn cầu" vừa được công bố, theo đó trung bình khoảng 31% các loài thuộc chi này trên toàn thế giới đang bị đe doạ tuyệt chủng.
(LĐ online) - Sáng 11/12, thông tin từ Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Sách đỏ về chi Sồi (Quercus) toàn cầu” vừa được công bố, theo đó trung bình khoảng 31% các loài thuộc chi này trên toàn thế giới đang bị đe doạ tuyệt chủng.
Chi Sồi (Quercus) |
Việt Nam là một trong 4 trung tâm đa dạng nhất về thành phần loài của chi này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ số loài bị đe doạ tuyệt chủng lớn nhất thế giới (48% ~ 20/49 loài).
Ở Lâm Đồng, đặc biệt là Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, thời gian qua, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Kyushu của Nhật Bản và hai tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Thị Bình đã có những điều tra, nghiên cứu và đã ghi nhận được nhiều kết quả về chi Sồi ấn tượng.
Sồi dẻ là nhóm chiếm ưu thế và có vai trò sinh thái quan trọng trong các kiểu rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, với áp lực và tốc độ mất rừng ngày càng gia tăng, làm diện tích rừng nhanh chóng bị thu hẹp dẫn tới sự biến mất của một số lượng lớn các loài động thực vật; trong đó, có không ít các loài thuộc nhóm này, thậm chí có cả những loài đã có thể bị tuyệt chủng trước khi được biết đến.
Kết quả nghiên cứu này là các chỉ báo quan trọng giúp các quốc gia có được cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược quản lý, khai thác và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học thực sự hiệu quả.
Sách đỏ về cho Sồi là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm chuyên gia đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các vườn thực vật trên toàn thế giới dưới sự bảo trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), Vườn thực vật Morton Mỹ, Tổ chức Vườn bảo tồn thực vật quốc tế (BGCI).
Sách có thể tải miễn phí tại: https://www.mortonarb.org/science-conservation/global-tree- conservation/projects/iucn-red-list-threat-assessments-priority
MINH ĐẠO