1/3 thềm băng Nam Cực sẽ sụp đổ khi toàn cầu nóng lên 4 độ C

06:04, 12/04/2021

Các nhà khoa học Anh cho biết, hơn 1/3 tảng băng nổi xung quanh Nam Cực có nguy cơ tan chảy và giải phóng "lượng nước không thể tưởng tượng" ra biển nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 4 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà khoa học Anh cho biết, hơn 1/3 tảng băng nổi xung quanh Nam Cực có nguy cơ tan chảy và giải phóng "lượng nước không thể tưởng tượng" ra biển nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên tới 4 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
 
Một vết nứt trên thềm băng Larsen C, Nam Cực do Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh phát hiện từ tháng 2-2017.
Một vết nứt trên thềm băng Larsen C, Nam Cực do Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh phát hiện từ tháng 2-2017.
 
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Reading cho biết, việc hạn chế nhiệt độ tăng lên 2 độ C có thể giảm một nửa lượng băng ở khu vực có nguy cơ tan chảy và tránh được mực nước biển dâng cao.
 
Phát hiện được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters ngày 8-4 cho thấy, toàn cầu nóng lên 4 độ C có thể khiến 34% diện tích của tất cả các thềm băng ở Nam Cực, lên tới khoảng nửa triệu km vuông có nguy cơ sụp đổ.
 
Thềm băng là những tảng băng trôi kết nối với một vùng đất liền; hầu hết bao quanh các bờ biển của Nam Cực.
 
Tiến sĩ Ella Gilbert, nhà khoa học nghiên cứu thuộc Khoa khí tượng của Đại học Reading, cho biết: “Các thềm băng là vùng đệm quan trọng, ngăn các sông băng trên đất liền chảy tự do ra đại dương và góp phần làm mực nước biển dâng cao. Khi chúng sụp đổ, nó giống như một nút chai khổng lồ được lấy ra khỏi miệng chai, cho phép một lượng nước không thể tưởng tượng được từ các sông băng đổ ra biển”.
 
“Chúng tôi biết rằng, khi băng tan tích tụ trên bề mặt các thềm băng có thể khiến chúng bị gãy và sụp đổ một cách khủng khiếp”, cô nói.
 
“Nghiên cứu trước đây đã cho chúng ta bức tranh toàn cảnh hơn về việc dự đoán sự suy giảm thềm băng ở Nam Cực. Nhưng nghiên cứu mới của chúng tôi sử dụng các kỹ thuật mô hình hóa mới nhất để bổ sung chi tiết hơn và cung cấp các dự báo chính xác hơn”, cô nói thêm.
 
Tiến sĩ Gilbert cho biết, công việc của nhóm làm nổi bật tầm quan trọng của việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu được đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy khuôn khổ toàn cầu để tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.
 
Là một phần của nghiên cứu mô hình hóa, các nhà khoa học cũng xác định Larsen C, thềm băng lớn nhất còn lại ở Nam Cực đặc biệt gặp rủi ro trong khí hậu ấm hơn. Họ cho biết các thềm băng khác đang đối mặt với mối đe dọa này bao gồm Shackleton, Pine Island và Wilkins.
 
Tiến sĩ Gilbert kết luận: “Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể mất thêm nhiều thềm băng ở Nam Cực trong những thập kỷ tới. Hạn chế sự nóng lên sẽ không chỉ tốt cho Nam Cực mà việc bảo tồn các thềm băng, có nghĩa là mực nước biển toàn cầu ít dâng hơn, còn tốt cho tất cả chúng ta”.
 
(Theo nhandan.com.vn)